7 lỗi thường gặp của dân mới chạy mô-tô côn tay

Các chuyên gia dạy lái mô-tô đã thống kê 7 lỗi thường gặp của những người mới tập chạy xe côn tay.

Các chuyên gia dạy lái mô-tô đã thống kê 7 lỗi thường gặp của những người mới tập chạy xe côn tay.

Điều khiển một chiếc xe hai bánh có công suất từ vài chục đến hàng trăm mã lực có khả năng tăng tốc lên 100km/h trong nháy mắt là công việc đầy nguy hiểm, đòi hỏi những bài học và sự luyện tập chăm chỉ, nghiêm túc. Khác với loại xe tay ga hoặc xe số côn tự động phổ thông, việc điều khiển xe côn tay yêu cầu kết hợp nhuần nhuyễn thao tác của cả hai tay và hai chân. Sau đây là 7 lỗi mà các tay lái mới tập chạy xe máy côn tay thường mắc phải.

Không chú ý biển báo, đèn tín hiệu và các thông tin trên hệ thống giao thông

Việc điều khiển một chiếc mô-tô côn tay đòi hỏi não phải xử lý nhiều thông tin cùng lúc hơn so với các phương tiện giao thông dân dụng khác. Cụ thể, với xe tay ga, người lái chỉ cần điều khiển ga và phanh với hai bàn tay. Nhưng với xe côn tay, chỉ riêng các thao tác điều khiển cơ khí trực tiếp đã đòi hỏi phối hợp nhịp nhàng của cả hai tay và hai chân, trong khi đó, tất nhiên người lái vẫn luôn phải duy trì các thao tác bản năng như giữ thăng bằng, điều hướng và quan sát phía trước. Đặc thù riêng của việc chạy xe côn tay là người lái phải cảm nhận được tốc độ, sức kéo, tiếng máy để cài đặt chế độ vận hành đúng, đồng thời họ cũng luôn luôn phải dự đoán bối cảnh giao thông để thực hiện trước các thao tác chi phối tốc độ, mô-men xoắn phù hợp. Đối với người quen đi xe côn tự động hay scooter, khi mới cầm lái xe côn tay, những đòi hỏi thao tác phức tạp và sự tập trung cao hơn vào chiếc xe khiến họ bối rối. Đó là chưa kể tới tiếng động cơ, phản ứng nhạy bén của xe và cảm giác phấn khích khi tăng tốc rất dễ gây xao nhãng cho người điều khiển. Lúc này, sự tập trung của tay lái mới sẽ dồn hết vào việc điều khiển ga, côn, số, phanh sao cho nhịp nhàng mà không để ý tới bối cảnh giao thông, vì vậy, họ đương nhiên không thể đồng thời "quan tâm thỏa đáng" tới những yếu tố khá "tĩnh" như biển báo, đèn tín hiệu hoặc vạch kẻ trên đường... Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những va chạm đáng tiếc hoặc tình huống vi phạm luật giao thông của các biker non kinh nghiệm.

Kiểm soát tay côn chưa chuẩn

Bóp/nhả côn là thao tác quan trọng khi vận hành một chiếc mô-tô côn tay. Về lý thuyết, điều khiển côn chỉ cần dựa trên nguyên tắc cơ bản "cắt nhanh, nhả từ từ". Tuy nhiên, trên thực tế tham gia giao thông, việc điều khiển côn còn liên quan mật thiết đến cả tay ga, chân phanh, cảm nhận sức kéo, công suất và tốc độ. Đối với người mới chạy xe côn tay, tình huống thường gặp là chết máy do nhả côn quá nhanh hoặc quên cắt côn về số khi xe đang giảm tốc. Hậu quả là xe bị dừng đột ngột giữa đường, rất dễ bị các phương tiện chạy cùng chiều va quệt. Bên cạnh đó, các tay lái mới thường phạm lỗi nhả côn không hết khi xe đã đạt sức kéo và tốc độ ổn định, gây ra hiện tượng xoa côn và cháy lá côn, hỏng hệ thống ly hợp.

Bám quá sát xe phía trước, thiếu kinh nghiệm an toàn

Những chiếc mô-tô gọn gàng và mạnh mẽ rất dễ vượt qua các phương tiện cùng chiều chỉ với một cú tăng ga. Lợi thế này thường dẫn đến tình huống người điều khiển mô-tô chạy quá sát xe phía trước để vượt được ngay khi có khoảng trống. Khi đó, lái xe phía trước có thể chưa kịp nhận thấy sự đeo bám của biker, nếu họ đột ngột chuyển hướng hoặc giảm tốc thì khó tránh khỏi tai nạn nghiêm trọng. Theo lời khuyên từ các chuyên gia, trên mặt đường khô thì khoảng cách với xe phía trước đủ để người lái mô-tô kịp phản xạ là 2-3 giây (tương ứng với 34-50m ở tốc độ 60km/h), hoặc từ 5-6 giây nếu đường ướt. Ngoài ra, tay lái mới còn phải luyện thành thục kỹ năng liên tục quan sát, dự đoán bối cảnh giao thông để xử lý sớm trước các tình huống nguy hiểm.

Vượt thiếu dứt khoát, song hành trong vị thế nguy hiểm

Đây là lỗi mà các "bóng hồng" thường phạm phải, họ không đủ tự tin hay nhận thức an toàn để dứt khoát tăng/giảm tốc nhằm tránh xa những chiếc xe chạy cùng chiều. Rất nguy hiểm khi giữ tốc độ đều và chạy quá sát các xe đồng tốc, tệ nhất là song hành với những chiếc ôtô cỡ lớn. Lúc này, chiếc xe máy nhỏ rất dễ rơi vào điểm mù của ôtô và chính nó cũng mù với bối cảnh phía trước, biker cũng có thể bị ngập trong đám bụi hoặc nước bất ngờ xuất hiện trên đường, và đáng sợ hơn là gió xoáy hoặc một "dị vật" văng ra khi xe tải bị xóc mạnh. Đặc biệt là tình huống đánh lái hoặc phanh khẩn cấp của những ôtô chạy cùng chiều rất dễ đẩy biker chạy sát chúng vào chỗ chết.

Do đó, ý thức và khả năng nhận định tình huống nên vượt nhanh hoặc giảm tốc độ để chạy sau các phương tiện cùng chiều một khoảng an toàn cũng rất cần thiết.

Kỹ năng phanh chưa phù hợp

Đây là một lỗi mà đa số các biker non kinh nghiệm thường mắc phải một cách vô tình trong thời gian đầu mới làm quen với xe, đặc biệt là những chiếc mô-tô cao cấp được trang bị hệ thống phanh "khủng". Do hệ thống phanh của các mẫu xe này được thiết kế để có thể phát huy hiệu quả cả ở khoảng tốc độ cao từ 200-300km/h, nên khi chạy với tốc độ thấp hoặc trung bình, chỉ cần người lái giật mình bóp phanh hơi mạnh cũng khiến nó khựng lại hoặc khóa bánh, rất dễ bị xe phía sau đâm hoặc tự ngã do mất thăng bằng.

Vào cua với tốc độ không phù hợp

Dân chơi mô-tô côn tay thường bị mê hoặc bởi những pha ôm cua cà đầu gối xuống đường của những tay lái chuyên nghiệp - một "đặc ân" chỉ dành riêng cho những chiếc mô-tô hai bánh. Tuy nhiên, ôm cua với tốc độ cao và góc nghiêng xe lớn là một kỹ thuật khó, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm - điều mà các biker mới nhập môn chưa thể đạt được. Khi vào một khúc cua và nhận thấy tốc độ vượt tầm kiểm soát (thiếu lái), theo phản xạ, biker sẽ dùng phanh để điều chỉnh khiến cho ma sát trượt gia tăng giữa bánh xe và mặt đường nhưng lực văng li tâm tác động ngang lên thân xe và người lái thì không đổi, lực này sẽ dựng thẳng chiếc xe lên và buộc nó phải lao thẳng theo đường tiếp tuyến của góc cua, tệ hơn là bị quật đổ ngang ngay trên mặt đường. Đây là tình huống rất nguy hiểm cho cả người lái cũng như các phương tiện chạy gần đó. Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn khi vào cua, người lái phải giảm tốc độ và về số thấp hơn trước khi bẻ lái để cảm nhận được chắc chắn khả năng định hướng chiếc xe, sau đó tăng ga dần trong khúc cua tùy thuộc khả năng cân bằng trọng tâm xe và hướng lái với gia tốc và lực li tâm phát sinh từ đó.

Những tay đua chuyên nghiệp có thể tung ra những chiêu xử lý thiếu lái độc đáo, ví dụ ngả người sâu thêm về tâm cua hoặc xuống một cấp số (cực nhanh) đồng thời kết hợp nhả côn và tăng ga để thoát hiểm, nhưng kỹ thuật này còn lâu mới dành cho các tay mơ.

Thiếu tập trung quan sát bối cảnh giao thông

Thật thú vị khi được cưỡi một chiếc mô-tô mới cứng. Về mặt tâm lý, người ta thường ngắm nhìn rất tập trung vào những thứ khiến họ thích thú. Trên một chiếc mô-tô, chi tiết thu hút nhất đối với người lái là bảng đồng hồ. Khi được điều khiển một chiếc xe mới, người lái luôn có xu hướng quan sát công-tơ-mét để theo dõi chỉ số vòng tua máy, tốc độ, cấp số... và những thông số hành trình khác, hành vi này dẫn đến những khoảnh khắc không tập trung quan sát bối cảnh giao thông phía trước. Tình huống này sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi chạy xe trong những đô thị đông đúc, bởi mật độ và chủng loại phương tiện, hình thái giao cắt và hệ thống tín hiệu ở đây phức tạp hơn nhiều so với vùng ngoại ô.

Hầu hết các lỗi đã thống kê đều thuộc dạng "tất yếu" đối với những tay lái mới học đi xe côn tay, người ta dễ nhận ra chúng nhưng không dễ gì thay đổi trong một sớm, một chiều. Số giờ chạy xe tăng lên sẽ làm giảm dần những lỗi ấu trĩ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên là những tay lái mới nên dành nhiều thời gian tập luyện, làm quen và tận hưởng chiếc xe côn tay mới trên những sân tập, các cung đường ngoại ô vắng vẻ. Kỹ năng quan trọng nhất, bao trùm mọi vấn đề về an toàn, vẫn là: làm chủ tốc độ.

(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chuyen-trang/oto-xemay/7-loi-thuong-gap-cua-dan-moi-chay-mo-to-con-tay-397107.html