7 tháng sau khi bán lô cổ phiếu Vinamilk: Hơn 1.000 tỷ 'rơi' vào tay tỷ phú Thái

Cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) đang giao dịch quanh ngưỡng 155.000 đồng/cổ phiếu, theo mức giá này, nhóm F&N đang “tạm lãi” 862 tỷ đồng cùng với 147 tỷ đồng cổ tức từ lô cổ phiếu mua của SCIC chỉ sau 7 tháng nắm giữ.

Ảnh minh họa.

Ngày 4.8, đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết tới đây SCIC sẽ tiếp tục bán một phần vốn của nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk. Cụ thể, dự kiến tháng 10.2017 sẽ bán 48,33 triệu cổ phần, tương đương 3,33% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Trước đó, năm 2016, SCIC đã có phương án bán 9% vốn nhà nước tại Vinamilk, tuy nhiên đợt chào bán này chỉ giao dịch thành công 5,4%; còn 3,6% vốn chưa bán được. Với đợt chào bán lần 2, nhà nước có thể thu lại khoảng 6.500-7.000 tỷ đồng.

5,4% vốn nhà nước kể trên được bán cho 2 nhà đầu tư liên quan của F&N là F&NBEV Manufacturing và F&N Dairy Investments, 2 công ty con 100% vốn sở hữu của Fraser & Neave Limited do ông Lee Meng Tat là Giám đốc với giá bán 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá giao dịch của Vinamilk tại thời điểm đó khoảng 15%. Từ thương vụ này nhà nước đã thu về hơn 11.200 tỷ đồng.

Với thị giá của Vinamilk ở thời điểm hiện tại đang giao dịch quanh ngưỡng 155.000 đồng/cổ phiếu, nhóm nhà đầu tư F&N đến thời điểm này cũng đã lãi hơn 1.000 tỷ đồng từ việc mua cổ phần Vinamilk trong đợt đấu giá đầu tiên trong đó có 147 tỷ đồng cổ tức.

Lý giải về việc kết quả chỉ có 2 tổ chức mua 5,4% còn lại 3,6% chưa bán hết hoặc “không có người mua”, cuối tháng 12.2016, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng cho biết, do thời gian thực hiện việc bán vốn là gấp khi kế hoạch mới chỉ được duyệt hồi tháng 9 và tới tháng 12 đã tổ chức bán ngay.

Vị này cho biết thêm, tháng 12 là thời điểm các nhà đầu tư tất toán để nghỉ Tết nên không dễ để các đơn vị bỏ tiền đi mua.

Cũng theo vị đại diện Bộ Tài chính, trước khi công bố giá khởi điểm là 144.000 đồng/cổ phiếu thì giá của VNM “rất đẹp” nhưng sau đó lại mất giá, với thị trường chứng khoán bé như Việt Nam, chỉ cần “vài ông lớn” can thiệp là có thể khiến thị trường lên xuống ngay.

Rút kinh nghiệm từ lần bán đầu tiên, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, những khó khăn bất cập ảnh hưởng đến giao dịch của nhà đầu tư như quản lý ngoại hối, giao dịch nhà đầu tư gián tiếp, mở mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài… sẽ được khắc phục.

Sau khi mua lại hơn 78 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỷ lệ 5,4% từ tay SCIC vào cuối năm 2016, nhóm cổ dông F&N vẫn liên tục gia tăng tỷ lệ sở tại Vinamilk thông qua mua thỏa thuận, khớp lệnh trên sàn.

Theo số liệu mới nhất, F&N Dairy Investments hiện đã nắm giữ 247,26 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỷ lệ 17,04%. Nếu tính thêm cả F&NBEV Manufacturing thì nhóm F&N hiện nắm giữ tổng cộng 286,45 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỷ lệ sở hữu gần 20%.

Nguyễn Thảo

Theo BizLive

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/kinh-doanh/tai-chinh/9276/7-thang-sau-khi-ban-lo-co-phieu-vinamilk-hon-1-000-ty-roi-vao-tay-ty-phu-thai.ndt