7 ví dụ tồi tệ nhất về tin tức giả của truyền thông chính thống

Một số trang tin tức giả được các thành viên đảng tự do điều hành với mục đích bôi xấu phe bảo thủ. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những trang tin này không được hiện lên trên trang xã hội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: redstatewatcher)

Bạn có biết là bà Hillary Clinton tin rằng chúng ta cần phải hành động ngay lập tức để chống lại tin tức giả hay không?

"Rõ ràng là bây giờ những tin tức giả có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng trong thế giới thực. Đây không phải là vấn đề chính trị hay đảng phái. Cuộc sống của mọi người - những người bình thường chỉ đang nỗ lực sống và làm tốt công việc của họ, đóng góp cho cộng đồng - đang bị đe dọa. Đó là một mối nguy hiểm cần được nhận diện thật nhanh...Và các nhà lãnh đạo cần phải đứng ra bảo vệ nền dân chủ và những con người vô tội," bà từng tuyên bố những câu như thế này.

Ai mà biết được Clinton, người đã nói dối về việc máy bay chở bà hạ cánh dưới làn đạn ở Bosnia và đã vướng vào dùng thư điện tử cá nhân để xử lý các thông tin nhạy cảm của Mỹ, lại quan tâm đến sự chân thật như vậy?

Có nhiều người tin rằng truyền thông xã hội đã góp phần vào thất bại của bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Và một trong những công cụ được truyền thông xã hội sử dụng là tin tức giả.

Thực tế thì tTin tức giả là một sự thật không thể chối cãi. Có rất nhiều trang tin tức giả công khai chuyên đăng tải những câu chuyện bịa, phục vụ mục đích hài hước và kiếm tiền.

Một số trang tin tức giả được các thành viên đảng chính trị độc lập ở Mỹ điều hành với mục đích bôi xấu phe bảo thủ. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tin tức từ các trang tin này không hiện lên trên Facebook hay Twitter.

Câu chuyện trở nên phức tạp từ đây, bởi có rất nhiều trang web thường xuyên đưa tin tức nóng hổi, có chất lượng bài viết tốt, nhưng thỉnh thoảng vẫn đưa lên những câu chuyện kiểu như "Hillary đang hợp tác với George Soros để làm Trump bị ung thư." Và rồi có những trang web khác không ngại việc đăng những câu chuyện chưa được xác thực, miễn là điều đó giúp họ tăng lượng truy cập.

Dưới đây là 7 ví dụ nổi bật về tin tức giả trên truyền thông chính thống, theo trang Townhall.

1. Chuyện báng bổ kinh Koran của Newsweek

Ngày 9/5, Newsweek đã đăng một bài viết nói rằng các nhân viên thẩm vấn phạm nhân tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo đã có hành động báng bổ kinh Koran. Tờ báo nói rằng hành động này có thể gây rắc rối cho nước Mỹ nhiều hơn cả các vụ bê bối từng xảy ra tại nhà tù ở Abu Ghraib, Iraq.

Từ khi câu chuyện này được đăng tải, đã có rất nhiều phản ứng giận dữ tới từ thế giới Hồi giáo. Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Pakistan sau khi Imran Khan, một cựu cầu thủ môn cricket, hiện là một nhân vật của đảng chính trị đối lập đọc được bài viết đó tại một buổi họp báo.

Nhiều cuộc bạo loạn đã nổ ra khắp Afghanistan, đám đông tấn công các cơ quan chính phủ và các tổ chức viện trợ, khiến 15 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình phản đối Mỹ cũng đã diễn ra từ Bắc Phi đến Indonesia.

Sau khi Lầu Năm Góc phủ nhận câu chuyện này, Newsweek đã bắt đầu dò lại các chi tiết. Dường như hãng tin này đã nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện ngay từ đầu và kết quả là nó không được đăng tải ở trang tin chính mà chỉ là một mẩu tin ngắn trong mục "Periscope" (Kính tiềm vọng).

Tới số báo ra ngày 23/5, biên tập viên Mark Whitaker đã thừa nhận rằng nguồn tin có vấn đề và nói rằng: "Chúng tôi hối hận vì đã đưa tin sai lệch và xin được bày tỏ sự chia sẻ với các nạn nhân trong các vụ bạo lực và những người lính Mỹ bị vướng vào chuyện này."

Ngay cả khi Newsweek rút lại toàn bộ bài báo, thì thiệt hại cũng đã không thể cứu vãn. Nhiều người Hồi giáo sẽ coi đó chỉ là một sự lấp liếm và càng được củng cố quan điểm là Mỹ đang gây chiến tranh với thế giới Hồi giáo.

2. Rathergate

Đây là vụ chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS phát sóng một bộ phim tài liệu, với nội dung nói về 6 tài liệu hiếm phê bình thời gian phục vụ của Tổng thống Mỹ George W. Bush trong lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ 6 tài liệu này là các văn bản giả mạo và chương trình đã không buồn kiểm tra chúng trước khi thực hiện bộ phim tai tiếng.

Theo cây bút John Hawkins, "CBS đã được một người đàn ông tâm thần không ổn định mang mối thù ghét với ông Bush cung cấp các bản sao tài liệu, với nguồn gốc mù mờ. Hơn nữa, những tài liệu theo lời ông ta nói là được soạn thảo trên một chiếc máy đánh chữ hồi đầu những năm 70 lại có phông chữ hệt như trong phần mềm văn phòng Microsoft Word, vốn hiện diện trong một nửa số máy tính có tại Mỹ."

Theo Hawkins, nói một cách khác thì "CBS muốn giúp ông John Kerry giành chiến thắng trước ông Bush trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nên họ đã bị lừa bởi một câu chuyện bịa mà đến một kẻ tay mơ cũng có thể nhận ra ..."

3. NBC và CNN nói dối về cuốn băng George Zimmerman

Trong một số của chương trình Today Show , NBC đã biên tập lại cuộc gọi của George Zimmerman, người đã bắn chết nạn nhân da màu Trayvon Martin, tới số điện thoại khẩn cấp 911. Bản ghi âm đã biên tập khiến Zimmerman giống như một kẻ có thái độ phân biệt chủng tộc.

Dưới đây là nội dung phần ghi âm mà NBC đã phát:

Zimmerman: Trông hắn như đang tính toán chuyện xấu gì đó. Hắn là người da đen.

Còn đây là phần ghi âm thực sự:

Zimmerman: Trông hắn như đang tính toán chuyện xấu gì đó hoặc hắn đang phê ma túy. Trời đang mưa và hắn đi lang thang ở ngoài, đang tìm kiếm thứ gì đó.

Tổng đài 911: Được rồi, anh ta là người da đen, da trắng hay người gốc Latin?

Zimmerman: Hắn là người da đen.

NBC không phải là kênh tin tức duy nhất lảng tránh chuyện đã "xào nấu" quá mức vụ việc George Zimmerman bị cáo buộc phân biệt chủng tộc.

Trong số ra ngày 21/3 của chương trình Anderson Cooper 360, một chuyên gia âm thanh của CNN đã tăng âm lượng cuộc gọi 911 của Zimmerman, cho rằng anh ta đã dùng một từ xúc phạm đến người da đen là "coon" khi đang theo dõi Trayvon Martin. Phóng viên Gary Tuchman khẳng định: "Tôi chắc chắn đã nghe được từ đó."

Nhưng hai tuần sau đó, cũng trong chương trình này phát vào ngày 4/4, CNN lại đánh giá đoạn băng ghi âm này với một chuyên gia khác. Lần này, chuyên gia cho rằng khi đó George Zimmerman chỉ đang bị lạnh và lẩm bẩm từ "cold" (rét).

4. Chuyện xe tải GM nổ tung của NBC

Bản tin Dateline ngày 17/11 của NBC có đưa lên một đoạn video dài 57 giây ghi lại cảnh các bình xăng của một chiếc xe tải GM cũ bắt lửa và bốc cháy trong một vụ va chạm bên vệ đường.

Sau khi được thông báo, GM đã thuê điều tra viên, tìm kiếm 22 bãi rác suốt 18 tiếng đồng hồ và có bằng chứng lật tẩy gần như mọi chi tiết của câu chuyện va chạm trên. Trong một cuộc họp báo tổ chức sau đó, GM đã đưa ra bằng chứng cho thấy vụ cháy nổ đã được dàn dựng, nguyên nhân bị hiểu sai, thiệt hại bị thổi phồng và các chi tiết liên quan khác bị bóp méo.

Có hai lỗ hổng chính trong câu chuyện này. Thứ nhất, NBC nói rằng bình xăng của xe tải đã nổ tan tành sau va chạm, nhưng hình chụp bằng tia X lại cho kết quả ngược lại. Thứ hai là các cố vấn của NBC đã kích nổ một khối thuốc nổ cỡ nhỏ dưới gầm xe vài giây trước khi có va chạm, nhưng người xem không được biết chuyện này.

Chủ tịch NBC News Michael Gartner đã phải lên tiếng xin lỗi: “Tôi cảm thấy tồi tệ vì gần như mọi chi tiết của vụ việc này đều là giả mạo. Tôi biết chúng tôi phải xin lỗi...”

5. Vụ bê bối Jayson Blair tại New York Times

New York Times có thể được khen ngợi vì vạch mặt Jayson Blair, phóng viên được phát hiện là đã bịa đặt tin tức, ăn cắp ý tưởng của các tổ chức tin tức khác và nói dối về những chuyến đi hay cuộc phỏng vấn không có thật.

Nhưng những sai phạm của Blair xảy ra là do lỗi từ chính bộ máy điều hành của tờ báo. Times đã từng cho Blair một vị trí trong chương trình thực tập mà khi đó được dùng chủ yếu để giúp tờ báo đa dạng hóa các hoạt động tin tức.

Nhưng rồi sau này tờ báo đôn Blair lên vị trí một cây viết chính, dù anh ta còn chưa tốt nghiệp đại học và không có bất cứ kinh nghiệm làm báo chuyên nghiệp nào. Những bài viết của Blair liên tục mắc lỗi sai, và tờ Times đã phải in tới 50 đính chính cho những tin bài được Blair viết.

Bất chấp điều đó, những bài viết của Blair vẫn liên tục được lên trang nhất với sự hậu thuẫn của tổng biên tập Howell Raines. Bỏ qua những cảnh báo của một vài người can đảm lên tiếng, ban quản lý cấp cao vẫn tiếp tục giao cho Blair phụ trách những tin lớn trong các phòng ban mới mà không báo cho các biên tập viên phụ trách về những lỗi lầm trong quá khứ của anh ta.

6. Câu chuyện hiếp dâm của Rolling Stone

Rolling Stone đã vượt quá giới hạn khi đăng một tin tấn công tình dục xảy ra trong khuôn viên trường đại học Virginia, dù chuyện này không có thực. Kết quả là tờ báo đã phải trả giá cho sai lầm của mình.

Thứ Sáu vừa rồi, tòa án kết luận Rolling Stone đã phỉ báng một cựu phó trưởng khoa của đại học Virginia, bằng cách xây dựng hình ảnh tiêu cực về ông trong bài viết "Một vụ hiếp dâm trong trường đại học." Wenner Media, chủ sở hữu của Rolling Stone, cũng như tác giả của bài viết đều phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Tòa cũng nói rằng tác giả bài viết là Sabrina Rubin Erdely đã "có ác ý" - tức là cố ý viết những điều mà bản thân mình biết là sai sự thật hay không hề để tâm đến sự đúng sai của câu chuyện.

Bài báo đăng tải vào tháng 11/2014 đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận vì những mô tả rõ ràng về vụ tấn công tình dục do nhiều người thực hiện nhắm vào một phụ nữ ở một bữa tiệc trong trường Virginia.

Bài viết cũng cáo buộc rằng ban quản lý trường, cụ thể là nhân vật cựu phó trưởng khoa nêu trên đã không xử lý sự việc này. Câu chuyện từng được tán dương, nhưng sự ngưỡng mộ đó không kéo dài lâu. Các nhà báo khác đã bắt tay vào điều tra và phát hiện nhiều điểm mâu thuẫn trong câu chuyện. Rolling Stone phải đính chính, và cuối cùng là rút lại bài viết đó.

7. Giơ tay lên, đừng bắn

Cảnh sát trưởng của thành phố Milwaukee là David Clarke đã chỉ trích những người theo tư tưởng tự do tung tin tức giả về cái chết của nạn nhân da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson, bang Missouri hồi năm 2014.

Trước đó, những nhà báo và nhà hoạt động xã hội thuộc đảng Tự do đã lan truyền câu chuyện rằng Michael Brown đã giơ tay lên trước khi bị sỹ quan Darren Wilson bắn hạ. Thông tin này là nguồn gốc làm nảy sinh phong trào Black Lives Matter và cuối cùng dẫn đến vụ bạo động ở Ferguson.

Sự thật thì thông tin nêu trên đã được chứng minh là giả mạo và hoàn cảnh lúc đó cho phép Wilson được bắn hạ Brown./.

Ngô Hoa (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/7-vi-du-toi-te-nhat-ve-tin-tuc-gia-cua-truyen-thong-chinh-thong/420338.vnp