70% nghiện rượu bị trầm cảm

11% dân số VN trên 15 tuổi lạm dụng rượu. Mỗi năm có khoảng 350 triệu lít rượu được tiêu thụ, trong đó 90% là các loại nấu thủ công hay còn gọi là “quốc lủi”. Những hậu quả do rượu bia tàn phá khó có thể nói hết.

Dẫn chứng cứ là những con số trên, BS Lý Trần Tình - GĐ BV Tâm thần Hà Nội (Sài Đồng, Gia Lâm) - nói về nghịch lý có thể gặp ở bất cứ đâu: “Nhiều người VN quan niệm rượu là chất kích thích làm hăng hái, khỏe mạnh. Nhưng thực chất, rượu làm thoát ức chế khiến phần “con” trong con người vốn bị ức chế bởi ý thức, nay được giải thoát. Vì thế, không chỉ rượu vào, lời ra mà còn làm bừa, trở nên bê tha về tính cách và lâu dần sẽ đến rối loạn tâm thần. Người ta hay lấy rượu để giải sầu, nhưng 70% người nghiện rượu bị trầm cảm. Đó là vòng xoắn mà nút gỡ cũng chính là rượu”. Cứ mỗi dịp sau Tết nguyên đán, Khoa Lạm dụng chất, BV Tâm thần Hà Nội lại quá tải bệnh nhân sảng rượu. Bệnh nhân vào đây điều trị dài ngày không chỉ ở Hà Nội mà còn từ các tỉnh lân cận, thường duy trì ở con số 40 bệnh nhân, nhưng có những lúc lên tới 60 người. Anh Trần Ngọc Minh (48 tuổi, một công chức), vào BV vì rượu đến lần này cũng đã là phen thứ 2. Ngày nào bình thường thì hết chai 75, còn không thì đều đều 1 lít. Lần đầu mới cách đây chưa đầy nửa năm, nay đã gặp lại BS và khuôn viên BV. Nhưng được cái, anh làm ca ngày, tối bà xã anh là công nhân Cty môi trường lại vào ca nên ai sống cuộc sống người nấy. Thành ra, nếu anh có không hoàn thành được nghĩa vụ của người chồng, vợ anh cũng chẳng có lúc nào mà phàn nàn, thành ra hai người sống cùng nhà độc lập và… tự do. Anh Trần Minh Dũng (bệnh nhân BV Bạch Mai), thạc sĩ, kỹ sư cơ khí. Bắt đầu uống rượu từ khi mới ra trường đi làm, mới đầu chỉ là “ngoại giao” theo đồng nghiệp, dần dần thành quen, ngày nào cũng nửa chai, một chai, rồi tăng dần đến cả 3 chai Vodka nhỏ/ngày. Tư duy “uống rượu ngoài giờ” của anh không còn giá trị nữa khi cơ thể không lúc nào được nghỉ ngơi thải độc. Đến khi anh bị ngộ độc rượu, mắt, niêm mạc mũi sưng đỏ, hô hấp khó khăn, liên tục ăn nói lảm nhảm và không nhớ được nói gì, làm gì. Hậu quả là anh Dũng thậm chí thường xuyên có hành vi quậy phá, cơn sảng rượu lên còn co giật giãy giụa, gây gổ với người nhà. Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, uy tín trong cơ quan ảnh hưởng và hạnh phúc gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ. Hậu quả của sảng rượu, theo các chuyên gia, vô cùng biến hóa và đa dạng cũng như nghề nghiệp xuất thân đa dạng của họ, không còn chỉ là những người rảnh rỗi, nhận thức yếu mà đã lan ra mạnh mẽ trong giới công, viên chức, bác sĩ, kỹ sư… Một bệnh nhân trong lúc lên cơn sảng, tưởng có người đến chém giết, đốt nhà mình nên đã cầm dao chặt đứt 4 ngón tay trái. Người thì nhảy gãy và phải cưa chân. Người thì cầm dao đâm chết bố đẻ, gây tai nạn giao thông phải đền đến mức bán hết nhà cửa… Không ít người đã ra vào viện vài lần vì không thể cai được rượu, những lần đầu còn có vợ con chăm sóc. Nhưng sau, không vợ con nào chịu được đành bỏ những ông chồng đã không làm ăn lại còn phá phách.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/70-nghien-ruou-bi-tram-cam/20104/181268.laodong