'70 tuổi tôi mới cầm được giấy khai sinh của mình'

42 người già, khuyết tật, neo đơn xúc động vì lần đầu tiên trong đời được cầm tờ giấy khai sinh mang tên chính mình.

Video: "70 tuổi tôi mới cầm được giấy khai sinh của mình"

Một buổi chiều tháng 5, theo chân các cán bộ Công an phường Hiệp Bình Chánh, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi có mặt tại Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (trung tâm) để trao giấy khai sinh cho 42 người già, người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt.

 42 người già, người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) được cấp giấy khai sinh. Ảnh: TRẦN MINH

42 người già, người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) được cấp giấy khai sinh. Ảnh: TRẦN MINH

Tờ giấy khai sinh không có tên mẹ, cha

Ông Huỳnh Công Viễn, 52 tuổi, một người khuyết tật cả hai chân kể câu chuyện của đời mình. Ông chưa từng biết cha mẹ mình là ai, dòng họ thân thiết làm gì, ở đâu. Ông được cho biết rằng ngày xưa ông được đưa đến một cô nhi viện, sau đó chuyển đến trường Mầm Non 6 (nay là Trung tâm bảo trợ Trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè), rồi lại được đưa về Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh đến tận bây giờ.

"Tôi không biết người đặt tên cho mình là ai và đến khi lớn lên có nhận thức thì cái tên Huỳnh Công Viễn đã đi theo tôi. Tôi chạnh lòng khi mọi người có giấy khai sinh ghi đầy đủ cả tên cha và mẹ; còn trên giấy của tôi, phần tên cha và mẹ lại để trống. Thế nhưng nhận được tờ giấy khai sinh này, tôi phần nào được an ủi bởi xã hội vẫn còn quan tâm đến người khuyết tật như tôi” - ông Viễn chia sẻ.

 Ông Viễn hạnh phúc khi được cầm tờ giấy khai sinh của mình. Ảnh: HUỲNH THƠ

Ông Viễn hạnh phúc khi được cầm tờ giấy khai sinh của mình. Ảnh: HUỲNH THƠ

Cầm tờ giấy khai sinh, bà Trần Thị Điệp, 70 tuổi, không kềm được nước mắt bởi suốt 70 năm qua, bà là một người vô danh. Bà quê Bến Tre, 14 tuổi cha mẹ mất, bà rời quê lên TP.HCM làm thuê. Đến khi tuổi già không có nơi nương tựa, không anh chị em, cũng không chồng con, bà phải sống trong cảnh lang thang. Chính quyền đưa bà vào trung tâm năm 2013.

“Do không có một giấy tờ tùy thân nào nên tôi làm những việc tay chân, nhiều người còn lấy cớ đó để trả thù lao thấp. Nay được trung tâm và chính quyền tạo điều kiện làm giấy khai sinh, tôi rất vui và hạnh phúc vì cho đến gần cuối đời tôi cũng xác định được danh tính của mình”, bà Điệp nói.

 Nước mắt bà Điệp rơi khi nhớ về quá khứ khó khăn của mình. Ảnh: TRẦN MINH

Nước mắt bà Điệp rơi khi nhớ về quá khứ khó khăn của mình. Ảnh: TRẦN MINH

Không chỉ ông Viễn và bà Điệp, 40 người cùng được cấp giấy khai sinh đều xúc động vì lần đầu tiên họ được cầm tờ giấy khai sinh của mình. Tất cả đều nói rằng rất hạnh phúc vì được sống tại trung tâm, được quan tâm và chăm sóc, không còn cảm thấy cô đơn trong những năm tháng qua.

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số

Trao đổi với PV, Trung tá Hoàng Tuấn Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết việc cấp giấy khai sinh cho những trường hợp đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh là một hoạt động theo Kế hoạch 1878/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM về phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP; Kế hoạch 425/KH-UBND-CA của UBND TP Thủ Đức về việc thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP Thủ Đức.

“Việc cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân mang ý nghĩa 'không để ai bị bỏ lại phía sau' trong công cuộc chuyển đổi số. Do đó, ngày 20-5, đã có 42 trường hợp tại Trung tâm bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh được cấp giấy khai sinh, còn 77 trường hợp đang tiếp tục được xác minh, hoàn thiện hồ sơ để ký và trao đợt tiếp theo” - Trung tá Hải nói.

Cũng theo Trung tá Hoàng Tuấn Hải, việc cấp giấy khai sinh cho những trường hợp đặc biệt trên địa bàn phường là kết quả lớn để chính quyền thực hiện quản lý dân cư, an sinh xã hội, cũng như đảm bảo các quyền lợi chính đáng của công dân trên địa bàn phường.

Trung tá Huỳnh Thị Cẩm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Thủ Đức, cho biết trên địa bàn TP Thủ Đức có 10 trung tâm gồm 1997 trường hợp đặc biệt, trong đó có 598 trường hợp không có giấy khai sinh.

Suốt một năm qua, Công an TP Thủ Đức đã triển khai cấp giấy khai sinh cho những trường hợp này, đến hiện tại chỉ còn 77 trường hợp tại Trung tâm bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh và khoảng 100 trường hợp tại Trung tâm tâm thần Thủ Đức đang trong quá trình xác minh và thực hiện.

Khó khăn tìm lại thông tin về nhân thân

Trong quá trình tìm và quản lý thông tin về các trường hợp đặc biệt, tổ công tác đã gặp nhiều trường hợp không biết chữ, không nhớ rõ thông tin cá nhân, trong đó nhiều người bị câm, điếc; những trường hợp tâm thần không biết mình là ai, không điều chỉnh được hành vi; trẻ em bị bỏ rơi...

Những trường hợp này, chúng tôi phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn như hồ sơ trung tâm, từ cơ sở dữ liệu quốc gia, xác minh bằng nghiệp vụ hoặc từ các ban ngành khác có liên quan như tư pháp, BHXH. Ngoài ra, công tác xác minh, xác định, phân loại từng trường hợp nhân khẩu đặc biệt còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc lập hồ sơ xử lý, xác minh và cập nhật thông tin lên hệ thống đạt hiệu quả chưa cao. Nhìn chung, phải phân loại dễ trước khó sau, những trường hợp có thông tin thì làm trước.

Trung tá HUỲNH THỊ CẨM, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM

HUỲNH THƠ - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/70-tuoi-toi-moi-cam-duoc-giay-khai-sinh-cua-minh-post791642.html