8 mẹo giúp con không nghiện thiết bị công nghệ

Trẻ em trong thế giới hiện đại được tiếp xúc với máy tính, điện thoại và máy tính bảng từ rất sớm. Xu hướng này khiến các bậc phụ huynh, bác sĩ, các nhà tâm lý lo ngại về hậu quả của việc sử dụng các thiết bị này quá mức. Vậy làm cách nào để bảo vệ bọn trẻ? Dưới đây là 8 cách mà cha mẹ có thể áp dụng.

8. Xác định thời gian tối đa con bạn được phép chơi một thiết bị

Thời gian mà một đứa trẻ được xem TV hay sử dụng các thiết bị công nghệ phụ thuộc vào tuổi của bé. Viện nhi khoa Hoa kỳ đề nghị như sau:

Từ khi mới sinh tới 18 tháng: Không tiếp xúc với các loại màn hình, kể cả TV. Chỉ trong trường hợp ngoại lệ, bé được nói chuyện qua Skype với bà và họ hàng.

Từ 2-5 tuổi: Thời gian nhìn vào màn hình mỗi ngày không quá 1 tiếng đồng hồ. Thời gian này bao gồm: điện thoại, TV, máy tính bảng và máy tính.

Trẻ từ 6 tuổi trở lên: Nên đặt ra giới hạn thời gian xem các thiết bị điện tử (hầu hết các chuyên gia đưa ra mức tối đa 2 giờ mỗi ngày). Điều này đảm bảo các thiết bị không làm mất thời gian ngủ, hoạt động thể chất và các hoạt động cần thiết khác cho sự phát triển của trẻ.

7. Không chỉ cấm mà phải đưa ra các lựa chọn khác

Lấy điện thoại, máy tính bảng, laptop từ con và nói rằng “hãy chơi cái khác” là cách trực tiếp gây xung đột. Chúng ta cần đưa ra những lựa chọn thú vị như: các trò thể thao, vẽ, đọc sách, câu cá với bố… tất cả phụ thuộc vào tuổi và sở thích của trẻ.

6. Làm gương

Trẻ em thường bắt chước hành vi của cha mẹ. Nếu mẹ đọc sách, khả năng con thích đọc sách sẽ cao hơn so với mẹ dành thời gian cho điện thoại.

Hãy xem mối quan hệ của bạn với các thiết bị. Bạn dành thời gian cho nó bao nhiêu? Bạn thường xuyên kiểm tra email, cập nhật tin tức như thế nào? Bạn có ngày nào không dùng đến internet và các thiết bị điện tử không?

5. Hãy là người trung gian và chỉ dẫn cho con khi giao tiếp với thế giới công nghệ.

Hãy chỉ cho con rằng Internet và các thiết bị công nghệ không chỉ là chỗ giải trí mà còn là một nguồn thông tin, kho tri thức. Bạn nên khuyến khích con khám phá và hỏi các câu hỏi. Bạn hãy sẵn sàng trả lời và chia sẻ kinh nghiệm của mình.

4. Chú ý tới chất lượng nội dung mà con bạn đang quan tâm.

Khi trẻ chưa lên 9 tuổi, cha mẹ cần kiểm soát việc truy cập internet của con. Bạn nên hướng con vào các chương trình giáo dục và các trang web phát triển các kỹ năng khác nhau.

3. Xác định các khu vực không có internet và các thiết bị điện tử

Lựa chọn một số không gian nhất định (phòng ngủ, phòng của bé) và thời gian (giờ ăn tối của gia đình, thời gian tiếp xúc với thiên nhiên) để không dùng Internet và các thiết bị điện tử. Không đặt máy tính trong phòng ngủ của con. Để con biết rằng một người không nên mang máy tính bảng hay điện thoại vào phòng ngủ hay bàn ăn cơm.

2. Giúp con hiểu nguyên tắc giao tiếp trên Internet và tránh những sai lầm có thể xảy ra.

Con bạn không nên dùng mạng xã hội cho tới khi lên 12 tuổi. Đối với một đứa trẻ tuổi teen, việc dùng mạng xã hội có thể quan trọng vì đây là thời gian trẻ tìm hiểu bản thân mình và thể hiện mình với những người khác.

Bố mẹ cần gần gũi và giúp con hiểu về nguyên tắc của cuộc sống online. Tuy nhiên, không kết bạn với con trên mạng xã hội và tuyệt đối không bình luận vào các bài và hình ảnh mà con đăng lên. Bạn hãy nhớ con có quyền có không gian riêng của mình.

1.Cảnh báo con về các nguy cơ.

Khi bạn cho phép con lướt web mà không có sự giám sát của bố mẹ, con cần biết về những mối nguy hiểm có thể xảy ra trên Internet. Do đó, bạn cần giải thích:

Cách phản ứng với sự bắt nạt trên Internet.

Cách thức và lý do điều chỉnh cài đặt riêng tư

Hậu quả nguy hiểm của việc công khai truy cập thông tin cá nhân

Tải các tài liệu độc hại

Nói cho con biết mọi thứ chúng ta đưa lên Internet đều được đưa vào một khu vực công cộng và nó sẽ ở đây mãi mãi. Mọi thứ chúng ta thấy ở đó cần được xem xét cẩn thận. Cuối cùng, hãy để con bạn biết rằng con có thể nói với bố mẹ trong trường hợp có vấn đề cần giúp đỡ.

Công nghệ hiện đại có thể mang lại nguy hiểm nhưng không nên cố gắng tách con bạn khỏi nó. Dù sao thì đây cũng là một kho thông tin phục vụ học tập và sáng tạo.

Theo Brightside

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/8-meo-giup-con-khong-nghien-thiet-bi-cong-nghe-3807010-d.html