80 tỷ đôla chảy khỏi Nga tuồn qua Anh?

Có ít nhất 20 tỷ USD đã được ''tuồn'' ra khỏi Nga trong vòng 4 năm, khoảng từ giữa năm 2010 đến năm 2014.

Quan chức Nga cũng dính líu

Tờ The Guardian của Anh mới đây đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy khoảng 17 ngân hàng ở nước này có liên quan đến việc giúp các tội phạm Nga rửa tiền lên tới hàng tỷ USD.

Hiện các ngân hàng này đang bị chất vấn về việc họ biết gì về âm mưu rửa tiền quốc tế này và vì sao họ không từ chối các hoạt động chuyển tiền đáng ngờ.

Theo các tài liệu mà The Guardian thu thập được, có ít nhất 20 tỷ USD đã được ''tuồn'' ra khỏi Nga trong vòng 4 năm, khoảng từ giữa năm 2010 đến năm 2014. Tuy nhiên, các nhà điều tra tin rằng con số thực sự của chiến dịch rửa tiền mang tên “The Global Laundromat” (Hiệu giặt toàn cầu) có thể lên đến 80 tỷ USD.

Trong số 17 ngân hàng có trụ sở tại Anh đang bị cơ quan chức năng điều tra xuất hiện nhiều cái tên lớn như HSBC, Barclays, Llyoyds, Coutts, NatWest và Hoàng gia Scotland.

Cụ thể, tài liệu cho thấy, HSBC đã xử lý 545,3 triệu USD tiền mặt thông qua các chi nhánh ở Anh và chủ yếu được chuyển qua chi nhánh Hồng Kông (Trung Quốc).

HSBC đã xử lý 545,3 triệu USD tiền mặt thông qua các chi nhánh ở Anh

Ngân hàng Hoàng gia Scotland, thuộc sở hữu 71% của Chính phủ Anh, đã xử lý 113,1 triệu USD. Ngân hàng Coutts chấp nhận thanh toán 32,8 triệu USD. NatWest cho phép thông qua 1,1 triệu USD. Trong khi đó, các ngân hàng còn lại được ước tính cũng đã xử lý gần 740 triệu USD cho các hoạt động rửa tiền của tội phạm Nga.

Không chỉ các ngân hàng tại Anh, các ngân hàng lớn ở Mỹ cũng có liên quan khi đã xử lý hơn 63,7 triệu USD trong vụ này. Trong đó, Citibank và Bank of America đã lần lượt thông qua 37 triệu USD và 14 triệu USD.

Theo điều tra của tờ Independent, trong suốt thời gian dài, số tiền tới hàng chục tỷ USD đã được chuyển từ Moldova, Nga… cho các công ty Anh mà không bị phát hiện.

Và dĩ nhiên những người có thẩm quyền ở Moldova và Ukraine hay Nga… đã được trả một khoản tiền lớn để bao che cho các giao dịch bất hợp pháp này.

Các nhà điều tra ước tính có khoảng 500 người tham gia vào phi vụ này, bao gồm một số nhân vật chính trị, Ngân hàng Matxcơva, những người giàu có ở Nga và các nhân vật làm việc hoặc có kết nối với Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB).

The Guardian cũng tiết lộ, Ngân hàng Deutsche của Đức là một trong số hàng chục tổ chức tài chính phương Tây đã xử lý số tiền ít nhất 20 tỷ USD này. Đầu năm nay, Ngân hàng Deutsche dính 2 án phạt tiền (tổng cộng 630 triệu USD) ở Mỹ và Anh với cáo buộc để xảy ra các giao dịch rửa tiền lên tới 1 tỷ USD tại chi nhánh ở Nga.

Trước đó, Cơ quan chống tội phạm quốc gia (NCA) lên tiếng cảnh báo, mặc dù Anh là quốc gia đang có các chuẩn mực mang tính quốc tế về phòng chống nạn rửa tiền nhưng nạn rửa tiền khiến cho Anh mất danh tiếng.

Theo Văn phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, các tổ chức buôn bán ma túy đã ngang nhiên rửa tiền thông qua các ngân hàng Âu - Mỹ.

Tuy nhiên, không một quốc gia nào phát hiện và tố giác, thậm chí còn chào đón bởi ngân hàng đang “đói” tiền mặt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kéo dài. Vì vậy, nguyên tắc “im lặng là vàng” đã và đang được các ngân hàng Anh lựa chọn.

Mối liên kết

Thông tin về việc 17 ngân hàng ở Anh giúp các tội phạm Nga rửa tiền lên tới hàng tỷ USD khiến người ta nhớ tới vụ rò rỉ 11,5 triệu trang tài liệu của công ty Mossack Fonseca ở Panama (Hồ sơ Panama).

Công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.

Theo hồ sơ Panama, các nhân vật thân cận với Tổng thống Putin cũng nằm trong danh sách những đối tượng bị tình nghi có liên quan tới hoạt động trốn thuế và rửa tiền, với sự trợ giúp của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama.

Hồ sơ Panama. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmity Peskov đã lập tức bác bỏ những cáo buộc rằng các nhân vật thân cận với Tổng thống Putin nằm trong danh sách những đối tượng bị tình nghi có liên quan tới hoạt động trốn thuế và rửa tiền, với sự trợ giúp của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama.

"Tổng thống Putin, nước Nga và các cuộc bầu cử sắp tới là mục tiêu chính của một âm mưu nhằm gây bất ổn tình hình", ông Peskov nhấn mạnh và cho rằng, những cáo buộc kiểu trên không có gì mới mẻ, thiếu thông tin cụ thể và chỉ dựa trên phỏng đoán.

Ông Peskov cũng từng cảnh báo việc các cơ quan tình báo phương Tây đang đứng đằng sau một cuộc "tấn công thông tin" nhằm bôi nhọ uy tín của Tổng thống Putin cũng như gây bất ổn trong nội bộ nước Nga trước thềm bầu cử.

Liên quan đến vụ việc này, Tổng thống Putin cho rằng, những tài liệu Panama bị rò rỉ là một phần trong nỗ lực nhằm làm cho nước Nga "ngoan ngoãn hơn," tạo nên "sự ngờ vực bên trong xã hội đối với nhà chức trách, những cơ quan hành chính nhà nước, khiến các bên nghi kị lẫn nhau".

''Những thế lực đối lập lo ngại đang tìm cách phá hỏng sự đoàn kết dân tộc Nga. Họ ra sức tìm cách gây bất ổn nội bộ Nga nhằm khiến chúng ta phải khuất phục'', ông Putin nói.

Dẫn một cáo buộc mà người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã đưa ra, ông Putin tố cáo chính phủ Mỹ đứng đằng sau vụ Tài liệu Panama: ''Đứng đằng sau... là những quan chức và cơ quan chính thức của Mỹ, WikiLeaks giờ đã cho chúng ta thấy điều đó''.

Nhà lãnh đạo Nga cũng tự hào khi nói rằng cá nhân mình không có tên trong danh sách những cáo buộc tham nhũng và trốn thuế trong hồ sơ Panama.

Triều Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/80-ty-dola-chay-khoi-nga-tuon-qua-anh-3331901/