88,8% người Hà Nội nghĩ chất lượng không khí đang suy giảm

Theo khảo sát trực tuyến do GreenID thực hiện tháng 12/2016 với sự tham gia của 1.400 người đang sinh sống tại Hà Nội, có 88,5% số người cho rằng chất lượng không khí đang suy giảm trong 5 năm qua. Hầu hết người được hỏi đều lo ngại, rất lo ngại cũng như không hài lòng với chất lượng không khí xung quanh.

8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội năm 2016

Chất lượng không khí ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động và khiến cho người dân thực sự lo lắng về vấn đề này. Một tỉ lệ lớn dân số Việt Nam và hệ sinh thái của quốc gia đang bị phơi nhiễm với không khí ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam.

Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam năm 2016 của GreenID cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng hơn so với Tp Hồ Chí Minh. Căn cứ theo tiêu chuẩn của WHO, năm 2016 Hà Nội có 282 ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng, tương đương 70% số ngày trong năm; trong khi Tp HCM chỉ có 175 ngày. Nếu xét theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, có 123 ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng, tương đương với 35% số ngày của năm.

Năm 2016, nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trung bình trong không khí của Hà Nội là 50,5 µg/m3, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần ngưỡng trung bình theo khuyến nghị của WHO. Dựa trên đánh giá theo giờ, tình hình còn tồi tệ hơn, có 3.259 giờ nồng độ bụi PM 2.5 vượt quá tiêu chuẩn của Việt Nam và có đến 6.941 giờ vượt quá tiêu chuẩn WHO AQGs.

Chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình ở Hà Nội năm ngoái là 121, nằm trong nhóm chất lượng kém, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của nhóm người nhạy cảm. Với AQI trong ngưỡng 101 – 200, những người nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài.

Cũng theo báo cáo, năm 2016 Hà Nội trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, có 7/8 thời điểm nguồn ô nhiễm xuất phát từ phía Đông của Hà Nội, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn dường như là nguồn gây ô nhiễm chính. Có 6/8 giai đoạn, các khối không khí đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các giai đoạn ô nhiễm nghiệm trọng ở Hà Nội, lượng không khí ô nhiễm đền từ Hải Phòng nhiều hơn hẳn. Nghĩa là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu có thể từ trong nước. Kết luận từ các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội cho thấy, giảm được lượng khí thải ô nhiễm ở cấp khu vực giúp ngăn chặn các sự cố ô nhiễm cao.

93% số người khẳng định sức khỏe bị ảnh hưởng vì ô nhiễm

Kết quả khảo sát trực tuyến trên 1.400 người dân sống ở Hà Nội vào cuối năm 2016 cho thấy, đa số những người được hỏi cảm thấy họ không được cung cấp đầy đủ thông tin về vấn đề chất lượng không khí, khoảng 17% thậm chí không tiếp xúc với bất kì nguồn thông tin nào và 68,1% không được cung cấp thông tin một cách đầy đủ về vấn đề này. Cụ thể, 48,3% không biết gì về chỉ số chất lượng không khí AQI. Kể cả với những người biết về chỉ số này, chỉ có 15,2% số người được hỏi cập nhật thường xuyên về tình hình ô nhiễm môi trường.

Có 93% số người được hỏi cho rằng sức khỏe của họ và người thân đang bị ảnh hưởng vì chất lượng không khí kém. Trong đó có 3/4 số người cho biết con họ đang mắc phải bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ có 22,5% số người dùng khẩu trang chuyên dụng để phòng tránh bụi siêu mịn và ô nhiễm không khí, trong số 85% số người đeo khẩu trang để lọc không khí ô nhiễm.

Hơn một nửa số người được hỏi nghĩ rằng một trong những cách hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí là cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại của ô nhiễm không khí đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Một báo cáo khác về chất lượng không khí Việt Nam do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố cho thấy, Hà Nội là nơi có mức ô nhiễm không khí trầm trọng. Tỷ lệ người mắc các bệnh về hô hấp được dự báo tiếp tục gia tăng.

Hiện nay Việt Nam chưa có số liệu cụ thể chứng minh các trường hợp nhập viện do các bệnh tật liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên theo WHO ước tính trong năm 2012 thế giới có khoảng 6,5 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Việt Nam nằm trong khu có số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất.

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Sức khỏe và Môi trường cộng đồng (Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế) cho biết, từ những nghiên cứu nhỏ cho thấy, người dân ở vùng ô nhiễm không khí có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn. Ở Hà Nội, tỷ lệ người mắc viêm phế quản tại Khu công nghiệp Thượng Đình cao gấp 2,9 lần so với vùng đối chứng là Phú Thị, Gia Lâm.

Nghiên cứu của châu Âu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể gây huyết khối trong mạch máu, tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu cục bộ từ đó có thể làm gia tăng nhập viện do đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm gan…

TS Cường cho biết: “Dự báo của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người dân mắc viêm phổi, nhập viện vì khó thở, tim mạch… có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 nếu không có biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm”.

Nhìn chung, chất lượng không khí ở Hà Nội năm 2016 được cho là không tốt cho sức khỏe. Những ngày chất lượng không khí xấu tập trung vào quý I và IV của năm 2016, khi thời tiết là mùa đông. Vào mùa đông, Hà Nội chịu tác động mạnh của hoạt động gió mùa Đông Bắc. Gió được cho là nguyên nhân làm lan tỏa một lượng lớn chất ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp ở vùng phía Đông Bắc và làm lan rộng các chất ô nhiễm vốn có ở Hà Nội. Vi vậy, đó là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội vào mùa đông.

Ô nhiễm bụi siêu mịn ở Hà Nội từ cơn gió độc phương Bắc?

Bụi siêu mịn, ô nhiễm không khí “tấn công” Hà Nội

Bụi siêu mịn Hà Nội gấp 5 lần ngưỡng WHO

PV

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/888-nguoi-ha-noi-nghi-chat-luong-khong-khi-dang-suy-giam