ACB - Kịch bản tăng giá cổ phiếu PNJ đang được kể lại

Cổ đông PNJ, những nhà đầu tư kinh nghiệm và nhanh nhạy chắc hẳn vẫn nhớ thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, công ty báo lãi 153 tỷ đồng, giảm gần 37% so với năm 2014, nguyên nhân chính là do khoản trích lập dự phòng vào DongA Bank. Phản ánh điều này giá cổ phiếu chỉ có 30 - 40.000 đồng.

Không chịu khoản chi phí này trong các năm tiếp theo, PNJ tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu lên tới 108.000 đồng. ACB cũng đang trải qua những ngày tháng tương tự?

Trong bài viết gần nhất của BizLIVE “ACB lấy lại tất cả sau sự kiện bầu Kiên” đã đưa ra các số liệu về dư nợ nhóm G6 (6 công ty liên quan tới bầu Kiên). Cụ thể, trước thời điểm bầu Kiên bị bắt, cuối năm 2011 nhóm “sáu công ty” của ông Kiên vay ACB tổng cộng 1.395 tỷ đồng. Nếu tính cả các khoản nợ đầu tư cổ phiếu, góp vốn dài hạn và lãi phải thu thì tổng nợ của nhóm này lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 4 năm trích lập dự phòng, cuối năm 2016 số nợ quá hạn của nhóm này giảm còn 1.500 tỷ đồng và sẽ được trích lập, thu hồi dứt điểm trong năm 2017. Con số được cập nhật khi kết thúc quý II/2017, chi phí dự phòng ACB là 966 tỷ đồng. Trong đó, 855 tỷ đồng là chi phí dự phòng nợ xấu thông thường và 110,75 tỷ đồng là chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC. Ước tính, tổng chi phí dự phòng do đó sẽ giảm hơn 1 nghìn tỷ đồng trong năm 2018, từ đó lợi nhuận ACB sẽ “nổi” lên.

Diễn biến giao dịch của ACB trong thời gian gần đây

Kết thúc phiên cuối tuần qua, ACB đóng cửa ở mức giá 28.600 đồng/cổ phiếu. Tuy chỉ tăng 3,6% trong tuần, nhưng tính trong 1 năm trở lại đây, ACB không thua kém bất kỳ cổ phiếu tăng trưởng nào khác với mức tăng hơn 77%.

Với khối lượng khớp lệnh trung bình hơn 2,3 triệu cổ phiếu, ACB hút dòng tiền lớn tham gia. So sánh với lượng giao dịch trung bình của 3 tháng gần nhất cũng chỉ ở mức 1,7 triệu đơn vị.

Đặc biệt, ACB còn “dễ chơi” với các nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật, khi các chỉ báo như MACD, hay MA và các dấu hiệu vượt đỉnh đều cho tín hiệu mua vào trong thời gian qua.

Một thông tin thị trường đang nóng vào thời điểm hiện tại là việc xuất hiện các tin đồn về việc một số nhà đầu tư nước ngoài chủ chốt hiện nay có ý định thoái vốn. Hiện chưa có gì được xác nhận nhưng có thể có một đến hai NĐTNN xem xét thoái vốn trong 6-12 tháng tới. Từ đó xuất hiện khả năng nhà đầu tư tài chính có thể sẽ thay thế các cổ đông này nếu được cổ đông kiểm soát và NHNN chấp thuận.

Có khả năng trưởng nhanh hơn ngành trong 3 năm tới

NHTMCP Á Châu (ACB) thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với LNTT tăng 52,36% so với cùng kỳ đạt 1.262 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 11,15% so với đầu năm đạt 181,61 nghìn tỷ đồng – so với mức tăng 16,06% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Các nhà phân tích chứng khoán HSC nhận xét, sau khi không còn chịu giám sát chặt chẽ trong quá trình tiến hành tái cơ cấu từ năm 2012-2015, Ngân hàng đã nỗ lực giành lại thị phần đã mất trong phân khúc cho vay khách hàng cá nhân & DNNVV truyền thống.

 Kết quả kinh doanh ACB trong 6 tháng 2017

Kết quả kinh doanh ACB trong 6 tháng 2017

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng 11,17% so với đầu năm đạt 230,18 nghìn tỷ đồng - so với mức tăng 8,91% so với đầu năm trong 6 tháng đầu năm 2016.

Đặc biệt, hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động) thuần của ACB vẫn giữ ở mức 78,9%. Đây là con số khá thấp so với các ngân hàng khác như MBB là 84,9%, BID là 99% còn VCB cũng ở mức 81%. Như vậy, ACB sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng hoạt động cho vay trong thời gian tới.

Trong khi, thu nhập lãi thuần tăng 19,44% so với cùng kỳ đạt 3.972 tỷ đồng. Tổng thu nhập ngoài lãi tăng gần 9 lần so với 6 tháng đầu năm 2016 - đạt 1.522 tỷ đồng, so với chỉ 156 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái nhờ đóng góp tốt của hầu hết các nguồn thu nhập ngoài lãi, tuy nhiên đặc biệt là nhờ không còn gánh nặng dự phòng đối với trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các công ty G6.

Cho năm 2017, các nhà phân tích của chứng khoán HSC dự báo LNTT của ACB đạt 2.311 tỷ đồng tăng trưởng 38,63% so với năm 2016. Đặc biệt, cho tới năm 2018, khi chi phí dự phòng giảm mạnh, thì LNTT của ngân hàng này có thể đạt 3.868 tỷ đồng tăng trưởng 67,38%.

Ngoài ra, ACB có khả năng ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ thu nhập không thường xuyên khi thanh lý tài sản đảm bảo trong những năm tới – Một trong những thành quả của việc trích lập dự phòng tích cực trong 5-6 năm qua là các tài sản ngoại bảng tăng lên (đã được trích lập hết nhưng chưa thu hồi).

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-phieu-noi-bat-tuan-acb-kich-ban-tang-gia-co-phieu-pnj-dang-duoc-ke-lai-3139222.html