AEC – Cơ hội cho phát triển Giáo dục nghề nghiệp

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hướng tới xây dựng một thị trường chung duy nhất, trong đó tạo điều kiện lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực. Đây được xem là một thách thức, đồng thời là cơ hội lớn cho phát triển nhân lực, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.

Thị trường chung trong AEC đang mở ra cơ hội rõ nét cho nguồn nhân lực

Tiềm năng từ một thị trường chung

Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc viết và tính toán, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình hình thành cộng đồng AEC. Bên cạnh đó, ASEAN đang tiếp tục những nỗ lực của mình để thúc đẩy sự linh hoạt khu vực và công nhận lẫn nhau về chất lượng nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng.

Theo dự báo của ILO, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 10,5% vào năm 2025. Trong đó, các ngành có nhiều cơ hội gia tăng việc làm mạnh mẽ nhất gồm sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.

Lao động qua đào tạo sẽ được di chuyển tự do thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 ngành nghề, gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát/thăm dò, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch.

Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được di chuyển tự do hơn. Như vậy, việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tạo nhiều cơ hội để lĩnh vực lao động và giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển hơn.

Điểm đáng chú ý là với những quy định của AEC, lao động không có kỹ năng sẽ không được di chuyển tự do, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các nước ASEAN. Trong dài hạn, Việt Nam chắc chắn phải có sự chuyển dịch lớn về tỷ trọng lao động qua đào tạo. Đây chính là áp lực buộc phải đổi mới quá trình đào tạo nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động ASEAN.

Hoàn thiện thể chế và nâng cao trình độ lao động

Gia nhập AEC đang thúc đẩy Việt Nam phải hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, quy định cũng như các đạo luật khác để thích nghi đồng bộ với quy định về lao động của các nước trong ASEAN. Là nước đứng thứ ba trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, tuy nhiên, Việt Nam cần phải thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục những hạn chế của lực lượng lao động hiện nay. Trong đó, nổi lên là vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) cho người lao động.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trình độ CMKT của lao động Việt Nam còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Phần lớn người sử dụng lao động cho biết, tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề cụ thể.

Việt Nam cũng cần phải giải quyết vấn đề cơ cấu nhân lực lao động đang còn nhiều bất cập và có nguy cơ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, theo quy luật những người lao động trực tiếp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp. AEC chỉ cho phép luân chuyển lao động trong 8 nhóm ngành nghề trên thì so với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động các nhóm này chỉ chiếm khoảng 1% tổng số lực lượng lao động.

Cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cần trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Nâng cao ý thức kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật, giúp người lao động có trạng thái tâm lý tốt để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN.

Cộng đồng ASEAN được nhận định sẽ tạo nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực lao động, giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nguyễn Hưng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/aec-co-hoi-cho-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-3670876-b.html