Ai bảo vệ cầu thủ?

KTĐT - Hàng loạt vụ tranh chấp về tiền bạc giữa cầu thủ và đội bóng đã xảy ra trong thời gian qua. Nhiều khả năng, tranh chấp sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới khi mà nền bóng đá được dự báo là có nhiều biến động.

Thế nhưng, điều khiến dư luận quan tâm là dường như, các cầu thủ vốn không am hiểu pháp luật, cũng chẳng rành về tranh chấp hợp đồng đang phải "tự bơi" để bảo vệ quyền lợi.

Đấu tranh thì… tránh đâu

Một tháng trước khi V - League 2013 kết thúc, toàn bộ đội bóng Kiên Giang khiến dư luận ngỡ ngàng bởi quyết định "vô tiền khoáng hậu", đó là đình công để... đòi tiền. Điều đáng nói, cả thầy lẫn trò ở đội Kiên Giang đều đồng tâm nghỉ đá nếu lãnh đạo không thanh toán dứt điểm khoản nợ lót tay, tiền lương, tiền thưởng lên đến 7 tỷ đồng. Trước đó, các cầu thủ đã nhiều lần gây áp lực với những người hữu trách, nhưng họ cũng chỉ nhận được khoản giải ngân nhỏ giọt.

Nếu các cầu thủ Kiên Giang không ra sân vì phản đối lãnh đạo đội bóng nợ tiền thì đó là một sự kiện gây chấn động. Khi ấy, giải đấu sẽ xáo trộn và nhiều đội bóng sẽ bị liên lụy. Chắc chắn, BTC giải, Công ty VPF và VFF không muốn giải đấu chẳng về đích an toàn. Thực tế là bộ phận điều hành của Kiên Giang đã nhận lệnh hủy vé máy bay đi Ninh Bình vì các cầu thủ nhất định không chịu vào sân thi đấu.

Các cầu thủ Kiên Giang đang chờ sự bênh vực quyền lợi từ VFF, VPF. Ảnh: Lê Thương

Thế nhưng, vụ đình công ấy đã được ngăn chặn bởi sự can thiệp của lãnh đạo VFF. Theo đó, các quan chức VFF đã phân tích cho HLV Lai Hồng Vân và các cầu thủ rằng, nếu chọn cách đấu tranh tiêu cực là đình công, chắc chắn họ sẽ bị kỷ luật. Khi ấy, toàn bộ đội Kiên Giang sẽ bị cấm thi đấu trong một thời gian dài. Có nghĩa là tiền vẫn mất, mà sự nghiệp sẽ bị hủy hoại vì chọn cách đấu tranh sai.

Khi cầu thủ phải tự bơi

Ngăn được đình công, đội bóng Kiên Giang hứa sẽ thanh toán hết công nợ trước khi mùa giải chấm dứt. Thế nhưng, đến tận thời điểm này, các cầu thủ vẫn mòn mỏi đi đòi nợ. Lãnh đạo đội bóng sau những lời hứa hẹn đã chơi bài cù nhầy khi sẵn sàng hầu kiện cầu thủ tại tòa vì họ cũng chẳng còn cách nào khác. Điều đáng nói, người ta không thấy vai trò của các cơ quan quản lý bóng đá khi đã có những lời cam kết đồng hành cùng cầu thủ về chuyện tiền nong. Thậm chí, đơn kiến nghị nhờ các cấp có thẩm quyền can thiệp đã được các cầu thủ gửi đi hàng tháng nay nhưng nhận được phản hồi.

Tranh chấp không chỉ diễn ra giữa các cầu thủ với đội bóng Kiên Giang, mà ở nhiều nơi khác cũng xảy ra kiện tụng. Đáng nói, các cầu thủ bị đội bóng đơn phương chấm dứt hợp đồng, đã không bồi hoàn thì chớ, họ còn phải nhận tối hậu thư "đi tìm tiền chuộc thân". Nghĩa là họ phải tự tìm đội bóng mới để có tiền đền bù hợp đồng cho CLB chủ quản nếu muốn có được sự tự do.

Trong bối cảnh hiện tại, để tìm một đội bóng mới chẳng dễ dàng. Đó là chưa kể việc, tìm đội bóng chi hàng tỷ đồng để giúp cầu thủ mua sự tự do là điều gần như không thể. Và khi ấy, những cầu thủ như: Như Thành, Chí Công, Đình Đức, Tiến Thành, Bật Hiếu… đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Họ không còn đường về đội bóng cũ khi không còn nằm trong chiến lược sử dụng. Nhưng nghiệt một nỗi, chẳng có cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi, hoặc điều hòa những mối mâu thuẫn để giải quyết những tranh chấp một cách có tình có lý, nhằm tránh việc, các cầu thủ lâm vào cảnh thất nghiệp khi vẫn ở đỉnh cao phong độ.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/the-thao/bong-da/2013/10/810209d2/ai-bao-ve-cau-thu/