Ai biết để dành?

Cuộc thi thường niên của khu rừng rậm phía Tây Nam thành phố do bác Gấu già tổ chức được dán thông báo khắp mọi nơi để toàn thể muông thú đều có thể dự thi. Đã gần tuần lễ nay, bác Gấu chỉ dẫn cho các con vật sống gần bác dọn dẹp, cắt đỡ dây leo, thu lượm cành khô cho khung cảnh thêm khang trang.

Minh họa: Lâm Thao

Rồi ngày thi đã đến, muông thú về rất đông, mở đầu cuộc thi là màn biểu diễn văn nghệ, rồi đến phần thi năng khiếu, cuối cùng là đề thi cho đầu năm mới. Bác Gấu bệ vệ trong bộ quần áo màu nâu sẫm, tay cầm phong thư và bắt đầu đọc: “Đây là nội dung cuộc thi cho đầu năm mới, với tựa đề "Ai biết để dành?". Sau đây, bác sẽ phát cho mỗi con vật 10 củ khoai lang, còn với loài chim nhỏ bé thì được 100 hạt giống cho mỗi con, từ nay đến hết năm cũng chỉ còn 10 ngày, vậy chúng ta hãy thi xem ai để dành được nhiều thức ăn nhất thì người đó chiến thắng”. Một tràng vỗ tay râm ran khắp khu rừng trong gió chiều dịu dàng và êm ái.

Đúng 10 ngày sau, nơi đây lại đón chào tất cả các thí sinh dự thi đến để báo cáo kết quả của mình cho bác Gấu và muôn loài. Riêng chỉ có họ hàng nhà chim là không thấy một bóng dáng nào. Có lẽ 100 hạt thóc để sống trong 10 ngày thì quả là một sự thách đố chăng?

Lần lượt các con thú mang đến trước mặt bác Gấu, con thì chỉ còn nửa củ khoai, con thì còn một mẩu bé xíu, con thì còn 1 củ, bác đưa mắt nhìn ra xa hơn và gọi Chồn tới:

- Dạ thưa bác, cháu để dành được 2 củ ạ - Chồn lễ phép.
Bác Gấu đưa tay làm lệnh cho tất cả cùng vỗ tay tán thưởng kết quả của Chồn. Bác lại gọi đến Lợn rừng:
- Dạ thưa bác, cháu chỉ còn 1 củ thôi ạ - Lợn bẽn lẽn.

Bác Gấu lại ra hiệu cho tất cả cùng hoan hô vì phàm ăn như lợn mà còn để dành được là quá giỏi rồi. Nối tiếp là Thỏ mắt hồng, rồi Nhím xù... tất cả đều còn 1 hoặc 2 củ là cùng. Riêng Khỉ vàng đến muộn, nó hấp tấp chạy ngay lên trước đông đảo mọi người mà không cần bác phải gọi tên:

- Dạ thưa bác và tất cả mọi người, cháu bị lạc đường, mong bác và mọi người tha lỗi cho cháu ạ.
Rồi Khỉ buông vạt áo để rơi ra hai củ khoai, đưa mắt thăm dò ban giám khảo:
- Cháu đã nhiều nhất chưa bác?
Bầy muông thú cười rộ lên: “Tưởng gì, cũng chỉ là 2 củ khoai”.
Bác Gấu chưa kịp trả lời thì Ngỗng lạch bạch lôi túi khoai tới và thưa:
- Dạ cháu còn 4 củ thưa bác!
Ngỗng là người cuối cùng về dự cuộc thi và số khoai cũng là nhiều nhất, vậy Ngỗng là người thắng cuộc, tất cả vỗ tay theo bác Gấu rồi tung hô chú Ngỗng một cách thán phục. Chờ cho tiếng vỗ tay dịu xuống, Khỉ vàng mới thưa:

- Bác ơi, cháu mới là người chiến thắng ạ, vì cháu tuy chỉ để dành được 2 củ khoai nhưng 2 củ của cháu biết đẻ ra nhiều củ khác ạ.
Cả bầy muông thú phản đối rào rào:

- Đúng là Khỉ con có khác, thua là thua, 2 phải nhỏ hơn 4 là đúng rồi còn làm mất thời gian của mọi người, có khối người để dành được 2 củ kia kìa, thôi bác Gấu cứ phát phần thưởng cho Ngỗng đi ạ.
Nhưng bác Gấu vẫn quay sang hỏi Khỉ:

- Cháu làm thế nào để khoai của cháu đẻ ra nhiều củ khoai khác, kể cho mọi người nghe được không?
- Dạ cháu mời bác và tất cả mọi người đến nhà cháu xem ạ.
Thế là tất cả cùng đi đến nhà Khỉ, Khỉ chỉ tay ra những luống đất đã có những mầm xanh lên mơn mởn chừng độ gang tay và nói:

- Thưa bác, cháu đem mầm của cả năm củ khoai trồng xuống đất, cháu chỉ ăn phần ruột của 3 củ còn 2 củ mang về hội thi để bác xem tượng trưng ạ.

- Khà khà, Khỉ con thông minh lắm, đây mới là kết quả của cuộc thi “Ai biết để dành”, vì chỉ có lao động và sáng tạo, mới làm ra của cải vật chất, mới có của để dành, chứ không phải nhịn đói, bóp chặt mồm miệng lại - bác Gấu già cười nói và trao phần thưởng cho Khỉ con.

Trần Khánh Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/860414/ai-biet-de-danh