Ai Cập: Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Hãng Reuters ngày 18-1 đưa tin bạo lực lại bùng phát tại Ai Cập khi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và lực lượng an ninh tại thủ đô Cairo và các tỉnh Giza và Fayoum khiến 6 người thiệt mạng. Có 125 người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ trên toàn quốc.

Bạo loạn tại thủ đô Cairo, Ai Cập.

Chia rẽ sâu sắc

Bạo lực nổ ra trong bối cảnh Chính phủ lâm thời Ai Cập chuẩn bị chính thức công bố kết quả trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới được tổ chức hôm 14-1 vừa qua, một phần trong kế hoạch chuyển giao chính trị được quân đội Ai Cập ủng hộ. Trước đó, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết tỷ lệ người dân ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới rất cao, lên đến 95%.

Heba Saleh, phóng viên của tờ Financial Times cho rằng tỷ lệ ủng hộ cao nhưng tỷ lệ người tham gia bỏ phiếu ở mức thấp (37%) cho thấy sự chia rẽ đang ngày một gia tăng tại Ai Cập. Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), lực lượng ủng hộ ông Morsi, giờ bị Chính phủ lâm thời Ai Cập liệt vào tổ chức khủng bố, đã tuyên bố tẩy chay, không thừa nhận bản dự thảo hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua còn làm nổi lên sự không đồng thuận với chính phủ lâm thời của nhiều phe phái thế tục khác tại Ai Cập.

Vì vậy, tình hình bạo lực trên đường phố Ai Cập sẽ rất khó có thể chấm dứt. MB tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Cairo và thành phố lớn Alexandria. Những vấn đề từ “Mùa xuân Ảrập” năm 2011 vẫn chưa được giải quyết, trong đó có tình trạng đàn áp người biểu tình và những người bất đồng chính kiến.

Thời gian qua, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã thẳng tay bỏ tù các nhà hoạt động xã hội, các nhà báo với cáo buộc khủng bố, đóng cửa nhiều cơ quan báo chí. Theo phóng viên Saleh, một Ai Cập hòa bình, dân chủ có lẽ còn rất xa.

Củng cố sức mạnh của quân đội

Hãng tin Deutsche Welle của Đức nhận định bản dự thảo Hiến pháp mới nếu được thông qua sẽ chỉ giúp củng cố thêm vai trò, sức mạnh của quân đội Ai Cập. Thời gian qua, dư luận Ai Cập cho rằng nhiều khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al - Sisi sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới và bản Hiến pháp mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông al - Sisi.

Hiện ngày càng có nhiều lực lượng chính trị tại Ai Cập ủng hộ việc bầu cử tổng thống trước khi bầu cử quốc hội, đi ngược lại với tiến trình ban đầu của Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour là bầu cử quốc hội rồi mới đến bầu cử tổng thống.

Những ý kiến ủng hộ việc bầu cử tổng thống trước cho rằng do tình hình bất ổn hiện nay tại Ai Cập nên cần phải bầu cử tổng thống trước. Theo họ, một tổng thống được bầu sẽ có sức mạnh để lập kế hoạch và thực hiện chiến lược cho giai đoạn tới, không giống như quốc hội. Nếu bầu cử quốc hội trước sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp giữa các đảng phái và Ai Cập hiện chưa có khả năng giải quyết những tranh chấp này.

Tuy nhiên, người phát ngôn của đảng Strong Egypt, Ahmed Emam cho rằng đảng của ông lo ngại về việc bầu cử tổng thống trước sẽ giúp cho vị tổng thống đó củng cố quyền lực, nắm giữ nhiều quyền hạn. “Chúng ta đã có kinh nghiệm với các tổng thống trước đó có quyền thông qua các luật, như Luật Biểu tình và nhiều luật khác, mà không bị thách thức. Chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra một lần nữa”, ông Emam nói.

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cho biết sẽ không tiến hành điều tra các cáo buộc của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) về tội ác chống lại loài người của quân đội Ai Cập nếu không có sự đồng ý của chính phủ nước này do Cairo chưa phê chuẩn Quy chế Rome.

Trước đó, các luật sư của MB tuyên bố đã đệ đơn kiện lên ICC đề nghị điều tra toàn diện các cáo buộc về tội ác chống lại loài người của quân đội Ai Cập.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2014/1/338373/