AI có đang giành 'cần câu cơm' của các họa sĩ Việt Nam?

Các họa sĩ Việt cho rằng, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ phát triển nhưng chẳng thể cướp mất 'chén cơm' của bất cứ ai làm nghệ thuật. Có họa sĩ cho rằng, bản chất những tác phẩm của AI chỉ là 'xào xáo' các phong cách và hình ảnh có sẵn với nhau, hoàn toàn không thể gọi là sáng tác.

Họa sĩ Việt khẳng định không lo AI giành “cần câu cơm”

Chia sẻ về vấn đề liệu AI có đe dọa sự nghiệp họa sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng với hơn 20 năm sự nghiệp “cầm cọ”, cho rằng dù AI chỉ là một công cụ mang tính xu hướng, vẫn còn nhiều lỗ hổng gây tranh cãi và thực tế không hề sáng tạo.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng cho rằng, nhìn vào khía cạnh của việc sáng tác nghệ thuật, có sự khác biệt về cảm xúc giữa quá trình sáng tác của con người và sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo.

Bản chất của công việc sáng tạo không chỉ nằm ở việc làm nhanh, mà còn ở việc truyền đạt cái "tư duy" của người sáng tác.

Họa sĩ bày tỏ quan điểm rằng, nghệ thuật nhằm phục vụ cho con người nên tác phẩm được tạo nên cần phải tồn tại cái “hồn”, tình cảm và mang lại rung cảm với người thưởng thức.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng (Ảnh:NVCC).

“Tôi không bài xích công nghệ, cũng không lo sợ sự thống trị của robot và trí tuệ nhân tạo thay thế vai trò của con người.

Tôi có niềm tin vào khán giả, đặc biệt là những người yêu thích tranh của mình, sản phẩm do AI tạo ra có giá trị giải trí là một điều không thể phủ nhận. Nhưng có bền vững và có giá trị nghệ thuật hay không thì tôi không chắc”, anh Hùng nêu quan điểm.

Anh cũng cho rằng hình ảnh do AI tạo ra “có nội dung khá đại trà và thiếu cá tính”. Họa sĩ gốc Tuyên Quang chỉ ra rằng các trình tạo hình ảnh AI vẫn thiếu một số khả năng của con người. Mặc dù AI xuất sắc trong việc tạo ra hình ảnh với nhiều phong cách khác nhau, nhưng chúng không mang lại cái "hồn" mà những nghệ sĩ truyền tải.

“Nếu không có họa sĩ làm nguồn cung và không có con người để nhập từ khóa thì AI sẽ không thể tạo ra bất cứ thứ gì. Về bản chất, AI vẫn phụ thuộc vào con người”, họa sĩ Thế Hùng chia sẻ.

Anh cũng khẳng định nếu nghiêm túc sáng tạo, làm việc, con người vẫn ở thế chủ động, AI không thể soán ngôi vì chúng không có cảm xúc, không nhạy cảm trong quan sát và không có sự bay bổng trong tâm hồn.

“AI sẽ chỉ là một thách thức nếu người nghệ sĩ chạy theo giải trí, họ sẽ phải cạnh tranh và chắc chắn là thất bại vì không thể nhanh và phong phú bằng máy tính. Nhưng với những người làm việc nghiêm túc, có tư tưởng, có nghiên cứu, có chiều sâu và có lộ trình thì tôi nghĩ AI cũng giống như bất kỳ 1 thú tiêu khiển nào đấy, chỉ có sức hút trong một thời gian ngắn”, anh Hùng nói.

AI chỉ là “cỗ máy cắt và dán của thế kỷ 21”

Họa sĩ Thăng Fly (tên thật Bùi Đình Thăng - họa sĩ truyện tranh) cho rằng, kết quả của những bức tranh do AI tạo ra mang phong cách của nhiều nghệ sĩ ngoài đời vì các nhà phát triển phần mềm đã thu thập các tác phẩm của họ rồi dạy cho AI học. Bản chất của những tác phẩm này chỉ là "xào xáo" các phong cách và hình ảnh có sẵn với nhau, hoàn toàn không thể gọi là sáng tác.

Nói cách khác, AI chỉ hoạt động như “cỗ máy cắt và dán của thế kỷ 21.”

Họa sĩ Thăng Fly (tên thật Bùi Đình Thăng - họa sĩ truyện tranh) (Ảnh:NVCC).

Theo họa sĩ Thăng Fly, công việc sáng tạo nghệ thuật bao gồm việc lựa chọn chất liệu, lên ý tưởng sáng tạo cũng như quyết định thông điệp mà tác phẩm truyền tải.

Những người làm nghề vẽ thì cần học tập bài bản để có sự chăm chút kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn cho sản phẩm đến từng chi tiết.

Nghệ thuật là cống hiến, hy sinh và đánh đổi. Việc gõ câu lệnh cho AI thực hiện ra sản phẩm chỉ là “đường tắt”, có thể phù hợp với đối tượng khách hàng cần sản phẩm nhanh, chứ không tốt cho người làm nghề.

Đứng từ góc độ bản quyền, họa sĩ Thăng Fly cho rằng các tác phẩm vẽ bằng AI có thể dẫn đến nhiều rủi ro liên quan đến sở hữu trí tuệ ở hiện tại và trong tương lai.

Tác giả này cũng khẳng định việc sản xuất nghệ thuật bằng AI là mối đe dọa với bản quyền của họa sĩ. Vì vậy việc những người làm công việc sáng tạo sử dụng hình ảnh do AI tạo nên phải thật sự thận trọng, bởi “dễ đem lại nhiều rủi ro về danh tiếng và vi phạm bản quyền”.

“Tôi tin những đơn vị uy tín, muốn công bố tác phẩm hoàn chỉnh chắc chắn sẽ có sự quan tâm đến bản quyền, chú ý các hành lang pháp lý, đạo đức”, anh Thăng chia sẻ.

Dù vậy, theo họa sĩ, vấn đề đạo đức cũng có thể thay đổi theo thời gian. Tương lai giữa con người và AI vẫn còn là biến số. Anh mong sẽ có luật theo sát và điều chỉnh vấn đề này trong tương lai gần.

Nhung Nhung - Thu Hoài

PV

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/ai-co-dang-gianh-can-cau-com-cua-cac-hoa-si-viet-nam-20240329012425845.htm