Ai giật dây cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đằng sau âm mưu đảo chính quân sự đêm 15.7 nhằm lật đổ tổng thống và chính phủ.

Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Fethullah Gulen, giáo sĩ dẫn dắt phong trào Hizmet, hiện đang sống lưu vong ở Pennylsvania, Mỹ, là một người chỉ trích Tổng thống Erdogan, và vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phong trào Hizmet (hay còn gọi là Gulen - theo tên của giáo sĩ) là phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia, hình thành ở Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980, do Gulen đứng đầu. Những người thuộc phong trào này bắt đầu xâm nhập lực lượng hiến binh, sau đó từng bước leo lên các cấp chỉ huy trong quân đội.

Phong trào Hizmet dần dần lôi kéo được nhiều học giả, doanh nhân, thu hút được sự chú ý trên toàn cầu, trong khi xây dựng được sự giàu có và ảnh hưởng đáng kể. Theo một số báo cáo, khoảng 10% người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Hizmet.

Tâm điểm của căng thẳng trong những năm gần đây giữa những người thuộc phong trào Hizmet, ông Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) là do ông Erdogan đổ lỗi cho những người Hizmet trong các cáo buộc chống tham nhũng năm 2013, nhằm vào những nhân vật cấp cao ủng hộ tổng thống, trong đó có con trai ông là Bilal.

Kể từ đó, ông Erdogan nỗ lực hạn chế sự phát triển của phong trào Hizmet, kể cả nỗ lực mời giáo sĩ Gulen sống lưu vong trở về Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự kình địch lên đến đỉnh điểm trong một cuộc thanh trừng những người theo phong trào Gulen, trong đó có các sĩ quan cảnh sát và quân đội cấp cao, cũng như giới phóng viên có liên hệ với phong trào.

Một luật sư trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, ông Robert Amsterdam, cho rằng có dấu hiệu về sự dính líu của những người Gulenist trong cuộc đảo chính hôm 15.7. Ông Amsterdam dẫn nguồn tin tình báo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, "có dấu hiệu Gulen đang hợp tác chặt chẽ với một số thành viên của giới lãnh đạo quân đội chống lại chính phủ dân cử".

Tổ chức Alliance for Shared Values, một chi nhánh của phong trào Hizmet, nhanh chóng phủ nhận cáo buộc liên quan đến đảo chính, gọi đó là "tuyên bố vô trách nhiệm", và nhấn mạnh rằng nhóm này không ủng hộ can thiệp quân sự.

Vậy đâu là sự thật? Các nhà chỉ trích lôi ra một đoạn video xuất hiện năm 1999, trong đó Gulen dường như gợi ý rằng những người theo ông phải xâm nhập vào các tổ chức chính thống.

"Các bạn phải di chuyển trong động mạch của hệ thống, mà không để ai phát hiện ra sự tồn tại của mình, cho đến khi các bạn vươn tới tất cả các trung tâm quyền lực. Các bạn phải chờ cho đến khi có tất cả quyền lực của nhà nước, cho đến khi có tất cả sức mạnh của thể chế hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ".

Tuy nhiên, Gulen cho rằng đoạn ghi âm này đã bị thay đổi.

Nỗ lực đảo chính ngày 15.7 đã bị đập tan. Ông Erdogan tuyên bố vẫn nắm quyền.

Xem thêm video: Quân đảo chính đầu hàng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/ai-giat-day-cuoc-dao-chinh-lat-do-tong-thong-tho-nhi-ky-573569.bld