'Ai phản đối trắc nghiệm Toán thì đã hơi nhầm về mục tiêu kỳ thi'

“Những người phản đối trắc nghiệm toán hơi nhầm mục tiêu kỳ thi. Kỳ thi này có phải tuyển chọn nhân tài không?. Tôi nghĩ không phải”, GS. Lâm Quang Thiệp khẳng định.

Chiều 13/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức trao đổi về dự thảo Phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT.

Tại cuộc trao đổi với báo chí, các chuyên gia thuộc Hiệp hội đã có những chia sẻ thẳng thắn liên quan đến các thắc mắc xung quanh dự thảo phương án thi vừa được Bộ đưa ra lấy ý kiến.

GS. Lâm Quang Thiệp phát biểu tại buổi trao đổi. Ảnh: Đỗ Thơm

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm có tốt hay không phụ thuộc vào việc Bộ GD-ĐT có tập hợp được các chuyên gia đủ kinh nghiệm để cho ra các đề thi tốt hay không. Việc xây dựng ngân hàng các câu hỏi trắc nghiệm, cho nhiều người làm thử, trước khi thi vài ngày rút ra các đề thi thì đề chắc chắn là tốt.

Ở kỳ thi tiêu chuẩn quy mô lớn thì thi trắc nghiệm là hợp lý. Phương pháp trắc nghiệm được xem là có lợi thế áp đảo. Phương án này gần giống phương án Hiêp hội đã gửi Bộ cách đây hơn 2 năm.

Những người phản đối trắc nghiệm toán thì đã hơi nhầm mục tiêu kỳ thi. Kỳ thi này có phải tuyển chọn nhân tài không? Tôi nghĩ không phải. Nó chỉ là kết quả để phân loại học sinh.

Riêng về môn Toán, nếu có thể, nên đưa phần tự luận chiếm khoảng 30% trong đề thi thì chắc chắn sẽ tốt, hợp lý hơn”.

Đồng quan điểm về việc phương án thi của Bộ đưa ra đánh giá được kiến thức toàn diện của học sinh, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN cho rằng: “Nếu gọi là kỳ thi THPT Quốc gia thì phải đánh giá toàn diện, hầu hết các môn học phải được đánh giá. Nếu đánh giá theo hình thức thi tự luận sẽ khiến kỳ thi cực kỳ nặng nề. Chính vì thế chuyển một phần các môn thi sang trắc nghiệm khách quan là hợp lý.

Những năm trước, Bộ GD-ĐT chốt cứng 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến các em học lệch, học tủ. Đây là một sai lầm và phải được sửa ngay. Việc tổ chức thi trắc nghiệm với đề thi tốt không ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Phương án thi 3 môn đơn, 2 môn tích hợp sẽ đánh giá toàn diện được học sinh trong suốt quá trình học phổ thông. Đề thi trắc nghiệm sẽ bớt lo việc chấm không đều tay, không công bằng giữa các địa phương.

Cấu trúc đề thi tốt thì học sinh trung bình đỗ tốt nghiệp, học sinh giỏi đạt điểm cao. Mỗi thí sinh một đề thi là lý tưởng cho một kỳ thi. Chắc chắn việc phòng thi đầy phao sau kỳ thi, tập trung giải đề thi khi được tuồn ra ngoài sẽ không còn.

Nếu tuyển sinh như các năm trước đây, giao hoàn toàn cho địa phương là không ổn. Việc giao cho địa phương phải kèm theo các điều kiện, đồng thời phải giao trách nhiệm cho địa phương. Các lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm cá nhân và tự có giải pháp để bảo đảm an toàn cho các kỳ thi.

Ngoài việc thanh tra nội bộ, chúng ta cần phải mở ra thanh tra xã hội, ví dụ như báo chí. Chúng ta làm được các việc đó sẽ tránh được tiêu cực”.

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ai-phan-doi-trac-nghiem-toan-thi-da-hoi-nham-ve-muc-tieu-ky-thi-a258024.html