Ai sẽ quản lực lượng an ninh hàng không?

ACV, VATM và Cục Hàng không VN đều đã hoàn tất các phương án tổ chức lại lực lượng an ninh hàng không.

Kiểm soát an ninh hàng không tại Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng

Vấn đề có nên để lực lượng an ninh hàng không (ANHK) tiếp tục thuộc sự quản lý của ACV khi doanh nghiệp này đã cổ phần hóa tiếp tục được đưa lên bàn cân.

4 phương án tổ chức lại lực lượng ANHK

Việc ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP đã làm nảy sinh một vấn đề mới trong hoạt động hàng không dân dụng. Cụ thể, các đơn vị đang tranh luận việc ai là đơn vị chủ quản lực lượng ANHK tại các sân bay và cảng hàng không để bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng về ANHK và đảm bảo hiệu lực của nhà chức trách hàng không trong quản lý, chỉ đạo điều hành lực lượng này.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, mới đây, ACV đã có văn bản gửi Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm giữ nguyên mô hình như hiện nay, nghĩa là lực lượng ANHK vẫn thuộc ACV. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình mới, doanh nghiệp này đã đề xuất hai phương án.

Cụ thể, phương án 1A, sẽ thành lập Trung tâm Điều hành ANHK trực thuộc ACV, chịu trách nhiệm tổ chức bảo đảm ANHK tại tất cả các cảng hàng không doanh nghiệp này quản lý, khai thác.

Với phương án 1B, ACV đề xuất thành lập doanh nghiệp 100% vốn của ACV, chịu trách nhiệm tổ chức đảm bảo ANHK tại tất cả các cảng hàng không, cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi (kho hàng không kéo dài) tại các cảng do ACV quản lý, khai thác đồng thời bảo đảm ANHK cho các cảng tư nhân đầu tư, xây dựng khai thác như: Vân Đồn, Lào Cai, Phan Thiết…

Cũng đề xuất thành lập một doanh nghiệp mới nhưng TCT Quản lý bay VN (VATM) lại kiến nghị Bộ GTVT thành lập doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc VATM, chịu trách nhiệm tổ chức bảo đảm ANHK tại tất cả các cảng hàng không, cơ sở không lưu. Để đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK, thuận lợi trong việc thực hiện phương án Nhà nước cho ACV thuê khu bay, Cục Hàng không VN cũng đưa ra một phương án khác là thành lập doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đảm bảo ANHK thuộc Bộ GTVT, chịu trách nhiệm tổ chức bảo đảm ANHK tại tất cả các cảng hàng không trên cả nước.

Cân nhắc được, mất

Đánh giá phương án của ACV đề xuất, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, ưu điểm của phương án 1A chi phí thành lập trung tâm thấp nhất, không phát sinh các chi phí trợ cấp thôi việc cho người lao động, không phát sinh chi phí từ ngân sách Nhà nước. Cùng đó, sự phối hợp trong tổ chức cung cấp dịch vụ trong dây chuyền hàng không của ACV sẽ ổn định, nhịp nhàng hơn phương án 2, 3; Thủ tục thành lập trung tâm đơn giản và đặc biệt, thuận lợi trong việc thực hiện phương án Nhà nước cho ACV thuê khu bay (trong đó có một số cơ sở hạ tầng an ninh).

Mô hình tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK trên thế giới khá đa dạng, tùy thuộc trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành Hàng không dân dụng nói riêng. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, xu hướng chung của các quốc gia đều đưa lực lượng ANHK độc lập với các doanh nghiệp hàng không khác (thuộc Chính phủ hoặc là DN chuyên trách cung cấp dịch vụ ANHK do Chính phủ chỉ định).Hiện nay, tại Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANHK. Trong khi đó, tại Singapore, Hồng Kông, Australia, Đức, Nhật Bản, Israel, Thái Lan, Malaysia, New Zealand, một phần công tác đảm bảo ANHK được giao cho Công ty ANHK với điều kiện công ty này độc lập với DN cảng hàng không, được nhà chức trách hàng không cấp phép (hoặc chỉ định), là đối tác do DN cảng hàng không thuê.

Nhược điểm của phương án này, theo ông Thanh là không có nhiều thay đổi so với cơ cấu tổ chức hiện nay. Các hoạt động của hệ thống đảm bảo ANHK từ nhân lực cho đến tài chính đều chưa được tách bạch rõ ràng, độc lập. Người đứng đầu Trung tâm Điều hành ANHK thuộc ACV không chủ động trong quyết định huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực cho công tác đảm bảo ANHK. Đó là chưa nói đến việc nếu áp dụng phương án này, việc chỉ đạo, điều hành của nhà chức trách hàng không, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác được thực hiện gián tiếp qua khâu trung gian là ACV.

Ngoài ra, do trong thành phần cổ đông của ACV có tư nhân, có thể có yếu tố nước ngoài nên chính sách, chiến lược sản xuất, kinh doanh, việc điều hành công tác đảm bảo ANHK có thể bị chi phối bởi ý chí, lợi ích của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nước ngoài.

Với phương án 1B, ông Thanh nhận định “có cùng ưu, nhược điểm với phương án 1A”; Tuy nhiên, điểm cộng đặc biệt quan trọng của phương án 1B chính là việc đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK.

Về phương án của VATM, theo nhà chức trách hàng không, hai ưu điểm lớn là đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc tổ chức của lực lượng kiểm soát ANHK và đảm bảo Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, phương án này lại có khá nhiều nhược điểm như: Ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chiến lược của ACV; Phát sinh trợ cấp thôi việc của ACV phải trả đối với số lao động chuyển giao từ ACV sang công ty ANHK; ACV phải cơ cấu lại lao động, số lao động gián tiếp thừa, số lao động trực tiếp thiếu.

Đáng nói hơn, công tác ANHK không phù hợp với ngành nghề chính của VATM do đó cần thời gian để chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, ổn định tâm lý. Đó là chưa nói đến việc thủ tục thành lập doanh nghiệp mới phức tạp cũng như khó khăn trong thực hiện phương án nhà nước cho ACV thuê khu bay.

Được biết, trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đã đề nghị Bộ GTVT trước mắt thành lập Công ty Bảo đảm ANHK độc lập trực thuộc ACV thực hiện công tác bảo đảm ANHK tại 21 cảng hàng không mà ACV đang quản lý khai thác cũng như các cảng hàng không do tư nhân đầu tư, xây dựng, khai thác như: Vân Đồn, Lào Cai, Phan Thiết. Lý giải mà cơ quan này đưa ra là “để đảm bảo cổ phần hóa ACV thành công, không tác động lớn đến hệ thống lực lượng kiểm soát ANHK tại 21 cảng hàng không, sân bay đồng thời không ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chiến lược của ACV”.

Cơ quan này cũng đề nghị được giao giám sát, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng này sau khi ACV hoàn thành cổ phần hóa theo lộ trình được duyệt. Trường hợp thấy mô hình này thực sự thiếu hiệu quả, không bảo đảm sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia sẽ nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT tổ chức mô hình mới trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xu thế quản lý của các nước trên thế giới.

Được biết, trước đó, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cũng ủng hộ phương án của Cục Hàng không VN.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ai-se-quan-luc-luong-an-ninh-hang-khong-d207034.html