Ai thắng trong cuộc tranh cãi khí đốt Nga - Ukraine?

Thủ tướng Nga Vladimir Putin và người đồng nhiệm Ukraine Yulia Tymoshenko, ngày 18/1, đã đạt được một thỏa thuận tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt vốn đẩy hàng triệu dân châu Âu vào cảnh thiếu gas giữa mùa đông giá lạnh.

Theo thỏa thuận đạt được trong các cuộc hội đàm suốt đêm ở Moscow, Nga sẽ bán gas cho Ukraine với mức giá cao hơn nhưng chấp nhận khấu trừ 20% trong năm 2009. Phía Ukraine cũng sẽ không nâng các chi phí trung chuyển khí gas Nga sang châu Âu trong năm 2009. Thủ tướng Putin cho hay, giá gas và phí trung chuyển sẽ được tính theo cách tính giá của châu Âu vào ngày 1/1/2010. Dường như cả hai bên đều đã nhượng bộ từ các quan điểm trước kia của mình. Nga từng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi giá gas bán cho Ukraine còn Kiev khăng khăng chỉ chấp nhận tăng giá nhẹ và dọa sẽ nâng phí trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu. Khi cả hai bên rơi vào bế tắc, Nga cắt các nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine từ ngày 1/1 và dừng xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia châu Âu qua Ukraine một tuần sau đó, viện dẫn Kiev ăn cắp gas từ các đường ống chạy qua lãnh thổ nước này. Tuần trước, hai bên đã đạt được một thỏa thuận trung chuyển do EU môi giới, dọn đường cho việc nối lại các nguồn cung cấp khí đốt Nga cho liên minh này. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã mở lại các khóa gas nối với các đường ống ở Ukraine vào sáng ngày 13/1. Tuy nhiên, họ lại dừng bơm gas vài giờ sau đó, cáo buộc Ukraine phong tỏa dòng chảy gas sang các nước Balkan. Kiev nói rằng tuyến đường trung chuyển đe dọa lượng tiêu thụ nội địa của nước này. Các cuộc hội đàm giữa ông Putin và bà Tymoshenko cùng một số lãnh đạo châu Âu đã được tổ chức ở Moscow ngày 17/1 trong một nỗ lực giải quyết giải quyết cuộc tranh cãi khi EU gia tăng áp lực lên cả Nga và Ukraine. Các nhà quan sát cho rằng, Nga dường như đạt được nhiều hơn cả về kinh tế và chính trị mặc dầu các nước vẫn còn đang theo dõi xem thỏa thuận mới có hiệu lực đến đâu và bất ổn sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa. Khi các cuộc hội đàm về khí đốt giữa Moscow và Kiev bắt đầu cuối tháng 12 năm ngoái, Nga đưa ra mức giá 250 USD/1.000 m3 khí bán cho Ukraine trong năm 2009 với chi phí trung chuyển gas sang châu Âu không thay đổi. Ukraine phản đối "mức giá ưu đãi" nói trên, khẳng định nước này chỉ có thể trả 201 USD/1.000 m3 khí. Bên cạnh đó, các quan chức ở Kiev còn đòi nâng phí trung chuyển từ 1,7 USD lên hơn 2 USD cho mỗi 1.000 m3 khí qua 100km đường ống. Các cuộc hội đàm đổ vỡ và Gazprom đã khóa các nguồn cung cấp gas sang Ukraine. Tiếp đó, tập đoàn này đưa ra một mức giá mới: 450 USD/1.000 m3 khí trong năm 2009, bằng mức giá thị trường châu Âu nhưng cao hơn nhiều so với con số 179,5 USD trong năm 2008. Về mặt chính trị, một số nhà quan sát đánh giá rằng Moscow đã chơi hết tầm "trận chiến trung chuyển" để cho Ukraine, quốc gia đang nỗ lực gia nhập EU, một bài học: Không thể có điều tốt nhất cho cả hai thế giới - vừa là một phần của "thế giới phương Tây" với một chính sách thù địch đối với Nga lại vừa giữ được sức cạnh tranh kinh tế vốn dựa chủ yếu vào mua năng lượng giá rẻ từ Nga. Tuy vậy, cả Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ "thoát khỏi cuộc Chiến tranh Lạnh theo đúng nghĩa đen này với tư cách là những người thua cuộc" vì EU có thể sẽ tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng khác và chuyển đổi các tuyến ống dẫn trung chuyển, từ đó giảm bớt tầm quan trọng của các mối quan hệ EU - Nga và EU - Ukraine, theo một bài bình luận trên trang web Russian Profile. Thanh Hảo (Theo THX)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/01/824689/