Ai trả tiền cho nhà báo: Những cuộc đua "vô tiền khoáng hậu"

Khi tất cả các nhà xuất bản đều cố gắng “lấy lòng” một ông chủ, Google, thì tức là phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt chẳng khác nào trong phim “Cuộc chiến chốn hậu cung”.

LTS: Các tòa soạn báo đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời đại kỹ thuật số, vừa vật lộn để tồn tại, vừa để khẳng định mình và loay hoay tìm hướng phát triển. Tạp chí Khám phá xin giới thiệu đến quý bạn đọc góc nhìn từ một người trong cuộc - Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng (Nguyễn Nhím) qua bài viết dưới đây:

Bài 2. AI TRẢ TIỀN CHO NHÀ BÁO: NHỮNG CUỘC ĐUA |VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU"

Khi tất cả các nhà xuất bản đều cố gắng “lấy lòng” một ông chủ, Google, thì tức là phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt chẳng khác nào trong phim “Cuộc chiến chốn hậu cung”.

Luật chơi như sau: Các nhà xuất bản trải qua nhiều phần thi của "Hoàng đế Google" để cuối cùng ai có nhiều “viu” nhất sẽ giành được giải thưởng "Tiền quảng cáo”.

Đầu tiên là môn thi “Ai nhanh hơn”. Đã có những lúc, báo điện tử chỉ đăng mỗi cái tít với sa-pô rồi yêu cầu độc giả “F5” để đọc tiếp. Nhưng muốn nhanh hơn thì phải tuyển nhiều phóng viên hơn, tiền công cao hơn, nghĩa là chi phí cũng tăng lên.

Khi tất cả các nhà xuất bản đều cố gắng “lấy lòng” một ông chủ, Google, thì tức là phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt chẳng khác nào trong phim “Cuộc chiến chốn hậu cung”. Ảnh minh họa.

Phần thi “Ai nhanh hơn” lúc đầu chỉ có sự tham gia của những tòa soạn có tiềm lực (do tích lũy được khi làm báo giấy hoặc nhận được một khoản đầu tư/tài trợ mới). Những tòa soạn yếu hơn cũng cố gắng chạy theo với tâm thế chấp nhận “huy chương bạc cũng tốt rồi”.

Những tòa soạn yếu hơn nữa, sau khi chạy theo một lúc bị đuối sức đã quyết định tiểu xảo: "Xào" hay thậm chí ăn cắp tin của báo bạn.

Tuy nhiên, các tòa soạn tham dự cuộc thi nào chẳng khác gì "tự ăn thịt chính mình". Vì khi “Nhanh” đã trở thành một chuẩn mới của ngành hàng - nghĩa là tất cả mọi tòa soạn đều cập nhật liên tục thì nó không còn là lợi thế cạnh tranh của bất kỳ tòa soạn nào.

Không còn lợi thế cạnh tranh có nghĩa là không dùng nó để tăng doanh thu được nữa. Tuy nhiên, hậu quả để lại là tất cả tòa soạn đều phải cộng thêm một khoản chi phí đáng kể hàng tháng để duy trì điều đó.

Sau môn thi đầu tiên là “Ai nhanh hơn”, cuộc thi chuyển sang các môn: “Làm clip”; “Làm inforgaphic”… rồi gần đây là “Thực tế tăng cường” (sản xuất clips 3D mô tả lại sự kiện). Chu kỳ đó cứ lặp đi lặp lại, khi một môn thi nào đó kết thúc đồng nghĩa với một tiêu chuẩn mới của ngành tin tức được xác lập và khi đó lợi thế cạnh tranh của các “cung nữ” lại giảm về bằng không - chỉ có điều chi phí sản xuất thì không thể giảm được vì độc giả đã quen “điều hiển nhiên đó”.

Lấy lợi nhuận ít ỏi (thậm chí là doanh thu) để tăng tính năng cho sản phẩm (mà chủ yếu là phần bao bì) mà không tăng được doanh thu, lợi nhuận thì chẳng khác nào "tự ăn thịt chính mình".

Cuộc thi của các các “cung nữ” vọng ra ngoài cung cấm, vang đến những “kỹ viện” gần đó. Vậy là xuất hiện hàng loạt trang thông tin điện tử tổng hợp! Họ mặc nhiên “xào” tin tức của các báo điện tử, ngoài ra còn tận dụng tốt lợi thế kỹ năng của những người chuyên nghiệp (công nghệ, SEO...) và lợi thế của những kẻ ngoài vòng pháp luật (trước khi luật báo chí 2016 ra đời, các trang thông tin điện tử gần như sống ngoài vòng pháp luật).

Sự xuất hiện của các trang thông tin điện tử tổng hợp đã khiến các tòa soạn điện tử mất lợi thế.

Có một dạo, một số tờ báo lớn đã tính đến chuyện "bỏ thù làm bạn" cùng nhau lập nên “lực lượng dân phòng bản quyền” để tự cứu lấy mình nhưng không thành. Các trang thông tin điện tử thấy động cũng cố gắng tự sản xuất một ít thay vì chỉ toàn ăn cắp. Nhưng vốn dĩ họ không được quyền xuất bản, không phải là “cung nữ”. Chẳng sao, chỉ cần bỏ ra một ít tiền là thuê được một tấm áo cung nữ!

Các tòa soạn tưởng đã yên tâm "huy chương bạc" thì bất ngờ xuất hiện những "người phương xa" tham gia cuộc thi. Đó là những kẻ mang các họ “chấm com” “chấm nét” “chấm o rờ gờ" có "quê quán" từ "ngoại bang".

Nhận thấy các tòa soạn và trang thông tin điện tử trong nước dù sao cũng phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, những kẻ từ phương xa đến đưa tin vượt qua khỏi mọi luật lệ, giới hạn đạo đức; đưa tin về những chủ đề cấm kị đối với báo chí trong nước; sản xuất tin giả...

Vậy là, các tòa soạn điện tử lại đẩy xuống "huy chương đồng". Giải thưởng “Tiền quảng cáo” của các hệ thống quảng cáo tự động là có thật, chỉ có điều cuộc cạnh tranh quá khốc liệt mà các tòa soạn/nhà báo lại yếu thế nhất.

Họ dần dần nhận ra, giải thưởng không đủ bù đắp chi phí. Một vài tòa soạn chạy sang tham gia những cuộc thi khác (hệ thống quảng cáo tự động riêng), giải thưởng nhỏ hơn nhưng ít người chơi hơn. Một số khác không được mời thì vẫn đành theo "Hoàng đế Google", sống lay lắt qua ngày.

Điều tệ vẫn chưa dừng lại ở đấy. Nhận thấy cuộc thi quá lộn xộn, người chơi dùng tiểu xảo quá nhiều, "Hoàng đế Google" quyết định ra luật mới! Mấy năm gần đây, các “nhà xuất bản” dăm bữa nữa tháng lại nháo nhào khi Google thay đổi thuật toán.

Từ các “cung nữ” đến “người từ kỹ viện” và cả “người phương xa” đều chưng hửng khi “Hoàng đế Google” đổi món. Họ mới chợt nhớ lại bài học vỡ lòng trong kinh doanh: Một doanh nghiệp có thể chết bất đắc kỳ tử nếu chỉ có 1 khách hàng hoặc phụ thuộc nguyên liệu vào một ai đó.

Sau khi đã tự nâng cấp để tham gia cuộc chiến giành giải thưởng "Tiền quảng cáo trực tuyến" bất thành, các tòa soạn lại phải tìm con đường khác để kiếm tiền nuôi "đàn con" sản sinh ra trong quá trình tham gia cuộc thi của "Hoàng đế Google".

Và một phong trào nữa bắt đầu khởi động. Nó đã bắt đầu đủ lớn để có một cái tên: “Phong trào đếm tầng”, hứa hẹn sẽ khốc liệt và tạo ra nhiêu hệ lụy cho báo chí hơn hẳn “bão viu” trước đây.

Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/ai-tra-tien-cho-nha-bao-nhung-cuoc-dua-vo-tien-khoang-hau-c8a539551.html