Ai về Bình Định mà coi...

PN - Từ 2008 đến nay, tỉnh Bình Định đã xảy ra ít nhất sáu vụ chồng giết vợ, bảy vụ chồng đánh vợ bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Đó là chưa tính đến số vụ chồng bạo hành vợ, gây thương tích nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vụ án mạng gần nhất xảy ra sáng 24/4/2010, tại thôn An Lạc Đông 1, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Nạn nhân là chị Lê Thị Lan (sinh 1976), đã bị chồng mình là Trần Hữu Phước (1973) cố sát. Chị Lan và Phước kết hôn năm 1999. Mới cưới được một tháng, do mâu thuẫn gia đình, Phước đánh anh trai mình chết tại chỗ, phải đi tù. Bảy năm nuôi con chờ chồng. Chồng về, chị cõng thêm một “căn bệnh” của chồng nữa là mê bài bạc. Hễ thua bạc là Phước về nhà vòi tiền vợ, nếu không đáp ứng, chị sẽ bị no đòn. Chị phải bán cả căn nhà vợ chồng đang ở để gán nợ. Để giúp chồng tránh đám bạn bè cờ bạc, năm 2007, 2008, vợ chồng con cái đưa nhau lên Gia Lai lập nghiệp. Chưa được bao lâu, Phước bỏ về quê. Một mình nơi đất khách quê người, không thể nuôi nổi cả gia đình nên chị đành chấp nhận hồi hương. Phước tiếp tục lao vào cờ bạc, cá độ, chị Lan mua bán nhỏ nuôi cả gia đình trong khó khăn, chật vật. Không chịu đựng nổi nữa, chị Lan định ly hôn. Phước đã nhiều lần dọa giết chị nếu chị đòi ly hôn và y đã làm thật. Trước đó không lâu, TAND tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa xét xử tội “giết người” đối với Phạm Văn Chín (SN 1968, ở thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Gần 15 năm bị bạo hành, chị Bùi Thị Ơi (SN 1967) vợ Chín buộc phải chọn giải pháp ly hôn. Chín không đồng ý, đã dùng dao giết vợ. May mắn thoát chết nhưng chị Ơi bị tàn phế suốt đời. Chồng là hung thủ, vợ là nạn nhân, hậu quả cuối cùng rơi hết vào những đứa con khi gia đình tan nát. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những sự việc trên chính là thói quen hành xử bạo ngược hàng ngày của những “ông chồng” nhưng không có sự can thiệp nào từ phía các đoàn thể và chính quyền cơ sở. Từ đó, người chồng nghĩ rằng việc đánh đập vợ là “quyền” của mình, vợ là “vật sở hữu” và nếu vợ phản ứng, lập tức phải gánh chịu “tội”. Luật pháp đã có, chính quyền địa phương cần thực thi nghiêm chỉnh bằng những biện pháp thích hợp; để những hậu quả đau lòng như trên không lặp lại nữa. Nguyễn Giang

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/ai-ve%CC%80-bi%CC%80nh-di%CC%A3nh-ma%CC%80-coi.aspx