AIPA: 40 năm nối nhịp cầu hữu nghị

LTS - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (AIPA), đồng chí NGUYỄN VĂN GIÀU, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội có bài viết về những thành tựu nổi bật của AIPA trong chặng đường 40 năm hình thành và phát triển. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài viết.

Chặng đường 40 năm đã đủ dài để nhìn lại những bước phát triển và nỗ lực vươn lên của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (AIPA), khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện cũng như vai trò của AIPA đối với tiến trình hội nhập của các quốc gia Đông - Nam Á. Đây cũng là một trong những hình mẫu tiêu biểu của liên kết nghị viện khu vực ở châu Á, biểu tượng tự hào cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và thống nhất trong đa dạng của Cộng đồng ASEAN.

Ngày 2-9-1977, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (AIPO) - tiền thân của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (AIPA) - chính thức được thành lập tại Manila, thủ đô của Philippines, đánh dấu kết quả hợp tác của năm thành viên ban đầu của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Xin-ga-po và Thái-lan.

Từ năm nước thành viên sáng lập ban đầu, AIPO đã không ngừng lớn mạnh với việc kết nạp thêm thành viên. Thông qua các hoạt động của AIPO, nghị viện và nghị sĩ các nước trong khu vực ngày càng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện, trở nên thân thiện và tin cậy lẫn nhau. Năm 2007, trong bối cảnh xu thế tăng cường hội nhập khu vực phát triển mạnh mẽ, AIPO đã đổi tên thành Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông - Nam Á (AIPA) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Tăng cường quan hệ hữu nghị, củng cố đoàn kết trong ASEAN

Qua 38 kỳ Đại hội đồng, AIPA đã ban hành hàng trăm nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm chung của các nước ASEAN mà trước hết là về chính trị, an ninh và xây dựng lòng tin. Phạm vi về các vấn đề mà AIPA quan tâm thúc đẩy rất đa dạng, từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa và sự tác động của toàn cầu hóa tới ASEAN đến bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực, tăng cường năng lực lập pháp và quản trị.

Tại nhiều kỳ họp, AIPA đã bàn về tiến trình hội nhập khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác giữa các thể chế liên chính phủ và liên nghị viện khu vực; hòa bình thế giới hiện nay và vai trò của Liên hợp quốc trong việc giữ gìn hòa bình thế giới và luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, AIPA đã tích cực, chủ động ban hành nghị quyết nhằm tăng cường sự tham gia của các nghị viện trong khu vực Đông - Nam Á để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị trong khu vực. Nghị viện các nước thành viên AIPA có vai trò quan trọng trong khuôn khổ cơ chế hợp tác chung của ASEAN để cùng nhau xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN.

AIPA góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa các nước vì một nền kinh tế năng động, phát triển và bao trùm

Trong lĩnh vực kinh tế, phạm vi các vấn đề mà AIPA tập trung thảo luận cũng chính là những vấn đề thuộc mối quan tâm của ASEAN. Các Đại hội đồng AIPA thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế, thương mại, hợp tác trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các nước khác. AIPA đã thông qua các nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác.

Đối với việc thực thi cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2015, AIPA và các nghị viện thành viên ủng hộ thực hiện Kế hoạch hành động tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đề nghị ASEAN tiến hành đánh giá định kỳ các kết quả thực hiện cam kết trong AEC phù hợp với Tầm nhìn AEC 2025.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua năm 2015, các nghị sĩ AIPA rất quan tâm tới việc thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khu vực, khẳng định các nước thành viên ASEAN cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng về chất lượng, trong đó tăng trưởng kinh tế cần gắn liền với sự phát triển bền vững của các tài nguyên thiên nhiên, giảm thấp nhất tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

AIPA góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa trong ASEAN

AIPA thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm và giải quyết các vấn đề xã hội thông qua cơ chế trao đổi chuyên sâu và các cuộc họp của ủy ban chuyên đề về các vấn đề xã hội, trong đó có hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế, nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN, bảo vệ quyền trẻ em, môi trường, lao động, nhập cư, xóa đói nghèo và vấn đề ma túy. AIPA cho rằng, để đạt được một trong những mục tiêu của ASEAN như trong Tuyên bố ASEAN năm 1967 thì phải thúc đẩy phát triển xã hội tại các nước thành viên.

AIPA đã góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa các thành viên trong thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bảo vệ quyền của người lao động di cư, tăng cường trao đổi về giáo dục, dạy nghề; ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em, phòng, chống buôn bán trái phép và sử dụng ma túy, ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng của các bệnh dịch, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác bảo vệ môi trường, giảm thấp nhất tác hại của thiên tai và thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch trong ASEAN. AIPA cũng thúc đẩy tăng cường vai trò của phụ nữ trong ASEAN ở mọi lĩnh vực và mọi cấp độ.

Với vai trò là tổ chức Liên nghị viện khu vực, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ASEAN, AIPA đã không ngừng củng cố hoạt động, nâng cao vai trò và thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên và với ASEAN, hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Quốc hội Việt Nam với AIPA

Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Quốc hội nước ta đã gia nhập AIPO vào năm 1995. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Quốc hội nước ta với nghị viện các nước trong khu vực. Là thành viên của AIPO và nay là AIPA, Việt Nam luôn chủ động tham gia các hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện, tích cực đóng góp tại các kỳ họp của AIPA, cũng như đã tổ chức thành công các kỳ họp AIPA-23 (năm 2002), AIPA-31 (năm 2010) và các hội nghị chuyên đề, hội nghị cấp ủy ban, được các nghị viện thành viên đánh giá cao.

Quốc hội Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến, phát biểu tại các kỳ họp Đại hội đồng cũng như tại các hoạt động trong khuôn khổ của AIPA. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm tư vấn AIPA tại nghị viện các nước thành viên để tư vấn về vấn đề hài hòa hóa pháp luật, giám sát thực hiện nghị quyết của AIPA và tăng cường quan hệ giữa AIPA và ASEAN; sáng kiến mở rộng thành phần tham dự hội nghị có cả một số nước không phải là thành viên AIPA. Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong AIPA có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước ASEAN; khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong 40 năm qua, AIPA đã từng bước xây nên những nhịp cầu hữu nghị, kết nối nghị viện và nhân dân ASEAN, cùng đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, đoàn kết và thịnh vượng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/34080702-aipa-40-nam-noi-nhip-cau-huu-nghi.html