Ám ảnh những bàn chân nhỏ mưu sinh ở phố núi Sa Pa

Những đứa trẻ “còi” hơn nhiều so với tuổi, vai địu em, chân đi dép lê bì bõm trên con đường lõng bõng nước mưa, chạy theo khách mời chào mua vòng tay, móc quần áo. Đây là hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) trong tháng 7 này.

Cha mẹ chúng có thể ngồi ở một góc nào đó quan sát, sẵn sàng đẩy những đứa con của mình ra đời trước đầy rẫy nguy cơ lừa lọc, bắt cóc. Mới đây nhất, ngày 1-4, một bé gái cõng em 3 tháng tuổi đi bán hàng cho khách du lịch ở thị trấn Sa Pa đã bị một nhóm đối tượng lừa gạt, chiếm đoạt để bán sang Trung Quốc.

Một tháng tuổi đã ngủ trên lưng chị đi bán hàng rong

Trên con đường lõng bõng nước mưa ở khu vực quanh bờ hồ, 2 bé gái người Mông địu sau lưng 2 đứa em đang ngủ say, chân đi đôi dép lê đạp trên nền đất ướt, thấy khách du lịch lập tức chạy tới. Hai đứa em lắc lư trên lưng chị vẫn ngủ say, mặc cho nước mưa rơi trên mặt. Vì mải chạy nên gói bim bim chúng đang ăn dở rớt ra rơi vãi xuống nền đất.

“Cô mua cho cháu đi”- chúng vây quanh khách mời chào. Hỏi tuổi hai bé gái này, chúng tôi giật mình bởi trông chúng nhỏ hơn tuổi rất nhiều. Chúng nói tiếng Kinh khá sõi, giao tiếp được bằng tiếng Anh với khách. “Vòng tay 10 nghìn, còn móc chìa khóa thì 25 nghìn, cô mua cho cháu đi cô” – chúng năn nỉ. Bán được hàng, chúng cất tiền vào túi, lại lôi gói bim bim tiếp tục ăn.

Vẫn còn khá nhiều trẻ em đeo bám khách du lịch trên địa bàn Sa Pa.

Thấy đứa em vẫn ngủ thin thít, tôi hỏi: “Đi thế này em cháu không đói sao?”. “Lúc nào đói cháu đem về kia để mẹ cho bú” – bé gái 9 tuổi tên là Thảo Thị Mỷ trả lời. “Mẹ cháu ở đâu?”- tôi lại hỏi. “Mẹ cháu bán mũ và túi ở đằng kia” – vừa ăn Mỷ vừa chỉ ra xa. Mỷ địu trên lưng đứa em 8 tháng, thấy chị nói chuyện thì nó tỉnh lại và khóc oa lên.

Còn bé gái đi cùng là Thào Thị Dềnh (7 tuổi) địu sau lưng đứa em mới 1 tháng tuổi. Nhìn đứa nhỏ còn đỏ hỏn, tôi xót xa hỏi: “Em nhỏ thế mà địu đi thế này không sợ đói à?”. Hai tay nhỏ bé của Dềnh đưa ra sau ôm lấy mông em xốc cái địu lên nói: “Cứ một tiếng cháu lại đưa em về cho mẹ bú”. Mẹ của Dềnh cũng bán hàng ở quanh đây.

Theo lời kể của hai bé gái thì chúng là hàng xóm của nhau, nhà ở xã Lao Chải. Nhà Mỷ có 6 anh chị em, 2 trai, 4 gái và bé là thứ 2. Bố Mỷ ở nhà làm ruộng trông các em, còn Mỷ và đứa em 8 tháng theo mẹ xuống thị trấn Sa Pa bán hàng.

Mỷ khoe mình năm nay mới lên lớp 2 vì đi học không biết chữ, không được lên lớp. Suốt 2 tháng hè cô bé ở thị trấn bán hàng rong, vào năm học thì thứ bảy, chủ nhật lại xuống đây bán hàng. Còn Dềnh là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, vừa bán hàng vừa phải trông đứa em 1 tháng. Chúng địu em bán hàng rong quanh thị trấn từ sáng tới tối.

Nhiều cạm bẫy khó lường

Mặc dù huyện Sa Pa đã mở nhiều chiến dịch dẹp nạn bán hàng rong đeo bám du khách, tình trạng chèo kéo, mời chào khách tuy đã giảm, nhưng vẫn không đủ lực lượng để 24/24h có mặt ở mọi chỗ, mọi nơi diễn ra các điểm tham quan, du lịch mà ngăn chặn.

Trẻ em lẵng nhẵng đeo bám khách để bán hàng rong không chỉ gây mất mỹ quan mà còn khiến khách phiền lòng khi bị đội quân này chèo kéo, mời mọc khi nào mua mới thôi.

Hơn nữa, vì sa đà vào việc bán hàng, nhiều em nghỉ học, lang thang rong ruổi. Tối đến, các em lang thang bán hàng không về nhà, thậm chí ngủ vạ vật, gây nguy cơ cao về mất an toàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải ngẫu nhiên những đứa bé này địu em ở sau đi bán hàng, mà chính cha mẹ sử dụng cách này để gây lòng thương và thiện cảm của du khách. Trong những năm qua, huyện Sa Pa đã tổ chức lực lượng đưa trẻ em về gia đình để các em đi học, nhưng nhiều em sau một thời gian lại ra thị trấn bán hàng.

Theo cháu Thảo Thị Mỷ thì ở Lao Chải có rất nhiều trẻ em ra thị trấn bán hàng như cháu, có em chỉ 4 đến 5 tuổi. Không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, trẻ em bán hàng ở Sa Pa, đặc biệt là những đứa bé mới vài tháng tuổi được các chị địu đi theo đang là nguy cơ để đối tượng buôn người lợi dụng sơ hở bắt cóc. Sự việc cháu bé 3 tháng tuổi được chị địu sau lưng bán hàng bị một nhóm đối tượng lừa để chiếm đoạt là một ví dụ nhãn tiền.

Theo Công an huyện Sa Pa thì ngày 1-4 Công an huyện nhận được tin cháu bé 3 tháng tuổi ở thôn San 2, xã Lao Chải bị chiếm đoạt. Theo người thân của cháu bé kể lại thì tối 1-4 như thường lệ, chị gái của cháu Vàng Thị Máy là Vàng Thị C cùng người thân bán hàng rong tại thị trấn Sa Pa. Trong lúc C đang địu em gái 3 tháng tuổi thì có 4 đối tượng cho em 500.000 đồng và rủ em ra bờ hồ Sa Pa chụp ảnh.

Khi C vừa đưa em gái cho hai đối tượng là nam thanh niên thì chúng bất ngờ lên xe máy bỏ chạy. Quá bất ngờ, cháu C hô hoán nhưng không kịp. Hai đối tượng đồng bọn nhân lúc nhốn nháo cũng nhanh chân bỏ trốn. Nhận định đối tượng có khả năng đưa cháu bé sang bên kia biên giới, sau 3 ngày truy lùng theo hướng đối tượng bỏ chạy, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ được 4 đối tượng trên.

Theo lời khai của chúng thì vì cần tiền tiêu xài, chúng lập kế hoạch bắt cóc trẻ em để bán sang Trung Quốc. Trong lúc đi tìm kiếm con mồi ở thị trấn Sa Pa, cả 4 đối tượng đều là người dân tộc ở tỉnh Lào Cai đã phát hiện ra cháu Máy đang ngủ trên lưng chị. C là bé gái dân tộc, bán hàng rong ở thị trấn Sa Pa, việc lừa một đứa trẻ để bắt cháu Máy quả không khó. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng đã kịp đem cháu Máy sang Trung Quốc để tìm người bán. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của lực lượng Công an tỉnh Lào Cai, cháu Máy được giải cứu và an toàn trở về gia đình.

Vụ án trên là bài học đắt giá cho việc để trẻ em lang thang bán hàng tại Sa Pa trong khi các em không có kỹ năng phòng tránh trước những thủ đoạn của đối tượng buôn người và của tình trạng xâm hại tình dục. Thiết nghĩ, để bảo vệ cho các em cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của địa danh du lịch, chính quyền huyện Sa Pa cần tăng cường công tác tuyên truyền để trẻ em không còn lang thang bán hàng rong.

Trần Hằng – Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/am-anh-nhung-ban-chan-nho-muu-sinh-o-pho-nui-sa-pa-449791/