Ám ảnh thực phẩm

An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất. Từ bữa ăn gia đình hàng ngày đến quán xá, thậm chí cả những bàn tiệc sang trọng đều có nguy cơ dính thực phẩm bẩn. Cận Tết cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, vì thế người tiêu dùng lại thêm lo lắng.

Xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm trên 33 tỷ đồng

Chiều 21/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã làm việc với các thành viên Ban Chỉ đạo về hoạt động trọng tâm trong năm 2017, đặc biệt là việc bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, trong năm 2016, cả nước đã thành lập 22.667 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 345.112 cơ sở, phát hiện 56.984 cơ sở vi phạm (16,5%). Trong số 56.984 cơ sở vi phạm, đã có 13.313 cơ sở bị xử lý (23,4%), trong đó phạt tiền 8.926 cơ sở với số tiền trên 33 tỷ đồng.

So với năm 2015, việc xử lý về ATTP trong năm 2016 mạnh mẽ hơn. Hình thức cảnh cáo, nhắc nhở đã giảm, dần được thay thế bằng phạt hành chính, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016). Số tiền phạt trung bình mỗi cơ sở là 3,73 triệu đồng so với mức 3,59 triệu đồng của năm 2015, cao hơn nhiều so với các năm trước.

Năm 2016 được coi là năm quyết liệt và nhiều thành công của những ngành trực tiếp quản lý, giám sát ATTP. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành đã triển khai các chương trình giám sát ATTP trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Vẫn bị ngộ độc tập thể

Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP cho thấy, tình hình kiểm soát ATTP trong năm nay có nhiều khả quan.

Thông tin từ lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm 2015, cả nước ghi nhận 166 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 2,4%); 4.386 người ngộ độc (giảm 532 người), 12 người tử vong do ngộ độc thực phẩm (giảm 42,9%), tuy nhiên chỉ riêng trong những ngày gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc tập thể đáng lo ngại.

Tối ngày 18/11, một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra sau khi đi ăn cỗ cưới tại thôn 2, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái), khiến 79 người nhập viện, trong đó có hơn 30 trẻ em.

Sau khi ăn khoảng 2-3 tiếng, nhiều người có tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn... và được đưa đi cấp cứu. Điều tra của cơ quan chức năng Yên Bái cho thấy những người này cùng ăn cỗ đám cưới và một số người mang bánh dày về cho người thân (một số những người ăn bánh dày ở nhà cũng bị ngộ độc thực phẩm).

Tối 1/12, tại Công ty TNHH Yakin Sài Gòn, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), hơn 120 công nhân phải nhập viện trong tình trạng nôn ói, ngất xỉu nghi do ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ca tối.

Tiếp đó, sau bữa ăn trưa ngày 9/12, hàng chục công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hung Way thuộc Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM xuất hiện các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy nghi do ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu. Các công nhân cho biết sau khi dùng bữa cơm trưa tại công ty đến khoảng 13 giờ 30, nhiều người có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy.

Mới đây nhất, ngày 15/12, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre tiếp nhận rất đông công nhân Công ty TNHH một thành viên JY Vina (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) nhập viện.

Một công nhân cho biết khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, các công nhân ăn trưa. Sau ăn khoảng 1 tiếng thì họ có triệu chứng nóng người, nóng bụng, buồn nôn, nhiều công nhân bị đau bụng dữ dội.

Thực phẩm không an toàn - nguyên nhân hàng đầu gây ung thư

Theo Thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có gần 80.000 người chết và 150.00 người mắc mới ung thư. Đáng lưu ý, có đến 35% nguyên nhân là do thực phẩm chưa an toàn, 30% do thuốc lá, di truyền từ 5-10% và còn lại là các nguyên nhân khác. Đặc biệt, số người mắc mới bệnh ung thư sẽ còn gia tăng trong những năm tiếp theo và sẽ là khoảng 200.000 ca vào năm 2020.

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp đánh thức hệ thống thải độc cơ thể phòng ngừa ung bướu” do Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS Nguyễn Bá Đức- nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh: Dự báo đến năm 2020, tức 4-5 năm nữa thôi, sẽ có 200.000 người mắc ung thư mới mỗi năm.

Số tiền bảo hiểm y tế Việt Nam phải chi trả cho điều trị căn bệnh ung thư cũng lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm (160 triệu USD năm 2013).

Theo GS Đức, Việt Nam có tốc độ tăng các ca mắc ung thư vào loại nhanh nhất thế giới. Nếu chúng ta tác động vào các nguyên nhân sinh ung thư thì sẽ giảm được tỷ lệ mắc ung thư mới, trong đó, có vấn đề an toàn thực phẩm.

Mỗi ngày, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP gây trấn động dư luận. Vì vậy, để có thực phẩm sạch, ở thành phố nhiều người tận dụng mọi khoảng trống nhỏ tự trồng rau, nuôi gà trên sân thượng, gầm cầu thang. Còn ở nông thôn, người ta rỉ tai nhau trồng rau sạch cho gia và người thân ...

Những phương cách đó xem ra vẫn là cục bộ, chỉ đảm bảo sức khỏe và sự an tâm tạm thời cho một nhóm nhỏ trong xã hội. Nhìn ở góc độ nào đó nó còn góp phần kéo đạo đức xã hội đi xuống còn nỗi hiểm họa nhiễm độc từ thực phẩm thì cả xã hội vẫn đang loay hoay.

Ăn gì cũng sợ! Người ta thường đặt câu hỏi tại sao nông dân lại hám lời tới mức dùng các chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt để gián tiếp gây họa cho cộng đồng nhưng lại không ai phân tích để tìm hiểu những chất cấm ấy ở đâu ra và nếu không sử dụng chúng, ai sẽ giúp họ khi thất bát, mất mùa để nuôi sống gia đình, con cái ăn học?.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, bao đời nay, người nông dân vẫn phun thuốc trừ sâu bệnh, vẫn bón phân hóa học cho cây trồng, nhưng chỉ những người sản xuất ra những loại hóa chất ấy mới biết được có gì độc hại ở trong, vì thế không nên oán thán những người nông dân chân lấm tay bùn. Hãy thôi đổ lỗi vòng vo, vấn đề an toàn thực phẩm cần được giải quyết nghiêm túc bằng các biện pháp quản lý.

Nói thì vậy nhưng người dân vẫn dễ dàng nhận thấy sự luẩn quẩn trong việc quản lý an toàn thực phẩm – lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

...Đến bệnh viện K thời điểm này - cuối năm, thật không thể cầm lòng trước những người bệnh buồn bã, đau đớn, vật vã chống chọi với tử thần. Một vị bác sĩ nói: Khá nhiều người mắc căn bệnh quái ác này là do ăn phải những thực phẩm kém chất lượng vẫn bán tràn lan ngoài thị trường kia!

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập 6 Đoàn kiểm tra từ Trung ương đến địa phương từ nay đến hết ngày 25/3/2017 với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố.

Mai Hoa

Từ khóa

Thực phẩm thực phẩm bẩn ATVSTP

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/am-anh-thuc-pham/143384