Ấm áp Tết Việt trên xứ sở Bạch Dương

(Baonghean) - Đã là người Việt Nam, dù xa xứ bao lâu, mỗi dịp năm mới đến không ai không khỏi bâng khuâng nhớ về những ngày Tết cổ truyền của dân tộc với bánh chưng xanh, cành hoa đào và mùi hương thơm đêm giao thừa. Vì bất cứ một lý do nào không về được quê hương trong dịp Tết, những người Việt Nam xa xứ vẫn xích lại gần nhau chia sẻ không khí đón năm mới truyền thống thân thuộc…

» Gặp người tạc Tượng đài Bác Hồ trên quê hương Lenin

Dịp Tết Nguyên đán là lúc mùa Đông ở Nga rơi vào những đợt lạnh đỉnh điểm. Tết cũng là những ngày du học sinh ở đây mải miết trên giảng đường, thư viện, kỳ thi. Gọi một cuộc điện thoại về cho gia đình trước giờ kiểm tra 15 phút để chúc mừng năm mới người thân ở quê nhà có lẽ là chuyện bình thường đối với sinh viên xa nhà. Mặc dù ai cũng bận rộn với bao công việc thường nhật, nhưng sinh viên Việt vẫn thu xếp cùng nhau đón năm mới với tâm trạng háo hức.

Dù ở xa Tổ quốc, nhưng bàn thờ ngày Tết cũng đầy đủ mâm ngũ quả, mứt kẹo, bánh chưng xanh, câu đối đỏ.

Gần Tết 1 tuần, các bạn rục rịch lên kế hoạch mua sắm thực phẩm rồi phân chia công việc cụ thể cho từng người. Người thì ngâm gạo, đỗ, người đặt lá gói bánh chưng, người xay thịt làm giò chả, người muối dưa hành, gói nem, làm mứt. Công tác chuẩn bị khá chi tiết, ai cũng “giành” việc để làm. Thực ra ở Nga thức gì cũng sẵn, có thể mua để nấu ngay mà không mất công sơ chế rườm rà. Tại các khu chợ Việt, đủ các loại mặt hàng Việt Nam, từ măng, miến, mộc nhĩ, bánh đa nem cho đến mắm, muối, mì chính, bánh kẹo, mứt, thịt bò khô, bánh chưng… Nhưng cái chính là mọi người muốn đi chợ cùng nhau, mặc cho ngoài trời lạnh đến “âm” 350C, mọi người vẫn hào hứng tươi vui, chuẩn bị chu đáo cho thời khắc sum vầy bên nhau, cùng làm bữa cơm tất niên.

Những chiếc lá dong đặt từ Việt Nam sang được lau đi lau lại, trau chuốt mượt mà. Có điều, ít người biết gói bánh chưng. Chỉ có một cái khung, nhưng ai cũng xung phong “thử sức”. Những chiếc bánh được gói tuy còn vụng về, lóng ngóng, không đẹp như chiếc bánh ở quê nhà, nhưng là cả một sự chăm chút.

Sau gần nửa ngày “vật lộn” với số nếp, thịt, hành, đậu, những chiếc bánh chưng xanh cũng được hoàn thành. Thế nhưng, đến công đoạn nấu bánh mới thật sự “nan giải”. Ở đây không có nồi nấu bánh chuyên dụng, nên tất cả nồi niêu, xoong chảo, bếp điện, bếp từ được huy động. Mỗi nồi nhiều nhất cũng chỉ chứa được 2 cái bánh chưng. Trong thời gian nấu bánh, các bạn cùng nhau chơi các trò chơi dân gian như bầu cua cá cọp, cờ cá ngựa, chia sẻ những buồn vui của năm cũ, những ước nguyện về tương lai, cùng cất tiếng hát trong những ca khúc về mùa Xuân quê nhà để nguôi ngoai đi phần nào tâm trạng xa quê và tìm lại đâu đó trong lời ca không khí Tết Việt Nam.

Các món ăn cổ truyền như nem công, chả phượng, xôi, chè được chuẩn bị công phu.

Vì ở Nga rất lạnh, nên không có cây mai, cành đào như ở quê nhà. Tuy nhiên, Tết đến mà thiếu mai, thiếu đào thì còn gì là Tết! Thế nên sinh viên ở đây nghĩ ra một cách. Họ cùng nhau đi tìm cành táo hoặc mận về, đốt gốc, ngày ngày phân công nhau thay nước ấm cho cây với tâm trạng hồi hộp, mong ngóng cây ra lộc, ra hoa vào đúng đêm Giao thừa để cả năm có nhiều may mắn. Khi những nụ hoa, nhánh lộc đầu tiên xuất hiện, cũng là lúc tất cả mọi người hò reo, hồ hởi thông báo với nhau “Tết về thật rồi!”.

Ngày tất niên chuẩn bị tiễn năm cũ, sinh viên tập hợp nhau từ sớm để cùng dọn dẹp phòng, chuẩn bị mâm cơm gia tiên cúng ông bà, ông vải, trang trí mâm ngũ quả. Đúng 8 giờ tối ở Nga là thời khắc Giao thừa ở Việt Nam. Ai nấy quần áo chỉnh tề, đứng dưới bàn thờ, chắp tay cầu cho một năm mới nhiều may mắn, cho những dự định, khát khao của tuổi trẻ được hiện thực hóa. Những chai sâm-panh nổ tới tấp như pháo lệnh. Các bạn sinh viên mỗi người một quê, nhưng quây quần ấm áp bên nhau vào giờ phút thiêng liêng, thưởng thức từng món ăn đậm đà hương vị dân tộc mà nhớ da diết về gia đình, quê hương.

Ai đó đứng lặng lẽ bên cửa sổ, nhìn bầu trời âm u, tuyết đang rơi, không kìm nổi nước mắt; có người bật khóc “ngon lành” khi nói chuyện điện thoại với bố mẹ ở nhà. Nỗi lòng khi Tết đến, Xuân về ấy dường như không phải của riêng bất kỳ ai, mà là của tất cả những người con ở xa quê hương, gia đình.

Và thật chộn rộn khi các bạn cùng nhau xem pháo hoa qua VTV4, đọc các trang báo tràn ngập tin tức đón Tết ở quê nhà. Nào hội hoa Xuân, nào nhà nhà hân hoan đi sắm Tết hay những dòng người hồ hởi trên những chuyến tàu về quê. Phải tập trung học tập đối với mỗi du học sinh tại Nga trong những ngày ở quê nhà đang hân hoan đón Tết là một sự hụt hẫng và thiếu thốn đến vô cùng.

Tết cổ truyền dân tộc là dịp để các bạn du học sinh quây quần ấm áp bên nhau, phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ nhà.

“Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”, câu nói làm xao xuyến bất kỳ một người xa quê hương nào. Tết không thiếu thức ẩm thực, nhưng thứ gia vị chính trong mỗi cái Tết xứ người ấy là cảnh sum vầy, đoàn viên. Giữa cái lạnh giá của mùa Đông xứ tuyết, họ đón Tết với nỗi lòng thương nhớ về quê nhà khôn nguôi.

Ấy nhưng chính sự xa nhà khiến các du học sinh Việt Nam tại Nga cảm thấy quý trọng những giây phút được ở bên gia đình mình hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn cả, với họ, đổi lại những cái Tết lạnh giá, cô đơn trên đất khách là sự trưởng thành, tình yêu thương gia đình được vun đắp và quyết tâm học tập để chờ một ngày không xa quay về tận hưởng Tết đoàn viên.

Mỹ Nga

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/xa-hoi/201701/am-ap-tet-viet-tren-xu-so-bach-duong-2778305/