Ấm áp tình người

TP - Nhật Tân choáng váng! Pêđê? Hình như từ lâu cô từng nghe loáng thoáng sự dè bỉu xa xôi về mình như vậy! Mà sự dè bỉu ấy phát ra từ đám người miệng lằn lưỡi mối luôn khó chịu bóng gió về chứng ngang ngạnh hồi Nhật Tân được vào học ở Trường viết văn Nguyễn Du!

>> Kỳ IV: Hai lần đăng ký kết hôn nhưng không thành cô dâu Chuyện là vậy, nhưng xót xa bởi có người còn thêu dệt từ sự lỡ dở tan vỡ ấy bằng một câu chuyện quái gở là bà mẹ anh bộ đội xuất ngũ đã bán con trai mình với giá mấy chục triệu (mà thời điểm đó cái giá ấy là kinh khủng!) cho một cô khác. Nếu Nhật Tân có số tiền ấy thì sẽ chuộc được người chồng tương lai!? (Sau này coi lại kỹ Dòng xoáy , hóa ra Nhật Tân đã nâng cấp chuyện riêng, nỗi đau riêng của mình bằng sự lỡ dở của cô giáo Lý đẹp người, tốt nết, thẳng thắn, kiên cường chống tiêu cực nhưng bị đồn thổi là bị pêđê, gây biết bao thương cảm cho bạn đọc, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh!). Con hồng nhan nhưng khéo mà bạc phận ... Chợt thoảng câu ấy từ những năm xa khi mấy cô giáo nổi hứng lên đi coi bói cho vui. Ông già coi chỉ tay là một cụ ông quen biết với cả mấy chị em. Ông còn phán thêm cái tên Nhật Tân là lấy từ câu của cụ Phan Bội Châu nhật tân hựu nhật tân, nghĩa là ngày mới lại càng thêm điều mới. Chao ôi, điều mới đâu hẳn đều là điều hay? Ngôi nhà cất lên ven ngoại ô bằng mồ hôi công sức chả thể quạnh vắng mãi. Sau bao ngày tốn kém thuốc thang cùng với sự kiên trì tập luyện, những di chứng ác hại của căn bệnh tai biến dần dà thuyên giảm. Một sớm chớm heo may, đang thư giãn trong không khí yên tĩnh của khu vườn tuy bé tẹo nhưng cũng đủ na, ổi chen với rau vườn mùa nào thức nấy, chợt Nhật Tân giật mình khi thấy con Đốm hộc lên rồi buông những tràng giận dữ... Ấy là lúc nó đang cáu, đang bực. Bên cánh cổng, một cụ ông dáng lập cập nhưng còn hồng hào oai vệ, chống chiếc gậy hỏi thăm... Đúng nhà cô giáo kiêm nhà văn Nhật Tân đây rồi. Cụ thở phào rồi gác chiếc gậy ngồi xuống bên chủ nhà. Đoạn cụ khoan khoái đưa cặp mắt còn tinh ngó bao quát một lượt nhà cửa, vườn tược, sân cổng gật gù nhỏ gọn nhưng đầy đủ cả ! Chả biết ông cụ này nói về cái gì nhưng Nhật Tân vẫn rót nước lễ phép mời khách. Chừng như không muốn mất nhiều thời giờ, cụ giới thiệu nhà cụ cũng gần thành Nam đây, nghe nói có cô giáo Nhật Tân phúc hậu thương người hay làm việc thiện, tính tình lại thẳng thắn, cụ muốn đặt vấn đề với Nhật Tân. Rằng cụ bà mất đã lâu, mấy đứa con cụ tính tình lại ngang ngược thuộc loại rạch giời rơi xuống... Cụ lâu nay không có ai chăm sóc, chi bằng cụ muốn về ở với Nhật Tân để hai người có nhau lúc mãn chiều xế bóng... Bây giờ nhớ lại, bà cũng không rõ khi đó nghe vậy mình khóc hay là cười nữa. Khóc cười chả biết nhưng chắc cung cách phải thế nào đó thì ông cụ nọ mới phải vội chống gậy đi ngay và biệt tăm hơn mười năm nay chả thấy lai vãng đến! Có tiếng con Đốm lại hực lên báo có khách. Không biết con chó tinh khôn này làm bạn với chủ nhân được lâu chưa (chắc không phải con Đốm ngày nào). Ngó xoong cơm nhỏ xíu của bà chủ cùng hai phần ăn của một chú miu và Đốm để trong cái chạn trên thềm đủ biết chủ tớ nhà này quấn quýt nhau như thế nào. Có tiếng gậy lọc cọc... Chúng tôi ngó ra, thấy xuất hiện liền một lúc bốn cụ. Sau hỏi ra mới biết các cụ quê cùng phường Lộc Hạ đây. Hàng xóm bao năm với nhau thế mà bây giờ đọc báo mới biết có một nhà văn Nhật Tân như thế nên đến hỏi thăm. Chủ khách cùng bệt trên thềm cho mát, chuyện ran cả lên. Lát sau lại một tốp khách nữa tới. Chủ nhân vồn vã mời vào. Chúng tôi được giới thiệu đây là những thành phần cốt cán trong việc đấu tranh chống tiêu cực của phường. Loáng thoáng biết được vấn đề mà họ đang quan tâm là đòi hỏi tính minh bạch trong việc đền bù giải phóng mặt bằng mà thành phố sắp triển khai nay mai. Họ tới để tham khảo ý kiến của bà Nhật Tân. Nghe chuyện mà chúng tôi đâm lo. Sức khỏe bấy bớt như thế mà việc khiếu kiện vốn nhiêu khê, lằng nhằng, dai dẳng như vậy, tất nhiên nhiệt tình dư sẵn nhưng không biết bà lấy đâu ra sức lực để mà chống tiêu cực tiếp đây! Đợi cho bà chuyện kỹ thêm với khách, chúng tôi sà vào chồng thư bạn đọc mà bà mới nhận được ít ngày nay từ khi Báo Tiền Phong viết về bà và cuốn Dòng xoáy mới tái bản. Có một cuốn sổ giấy đã tầu tầu nhưng ghi toàn việc mới. Chữ của cô giáo Nhật Tân đều tăm tắp chen với chữ của ai đó còn nguệch ngoạc mà ban nãy bà cho biết cuốn sổ dùng để ghi lại những cuộc điện thoại. Phần chữ nguệch ngoạc ấy là của chị hàng xóm nghe rồi ghi hộ. Trên đời hiếm có ai như thế/ Thành trì thôn dã cứ đam mê/ Nhật nguyệt rọi soi đời con gái/ Tân thời sáng mãi ánh sao Khuê ... Nguyễn Đức Nhượng, Thôn Đoàn Kết xã Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc. Tôi rất muốn có Dòng xoáy . (Nguyễn Công Thức, Thôn Đông, Xã Trường Trung, Nông Cống, Thanh Hóa). Hương, Báo Bưu điện Hà Nội: Tuần sau em sẽ về thăm chị. Tôi rất khâm phục hoan nghênh chị. Mong sao ở nhiều nơi có được nhiều người như chị. Mong các nhà văn ta viết được nhiều tác phẩm như Dòng xoáy . Mong sao lãnh đạo ta có nhiều người gần dân, thương dân như ông Nguyễn Văn Linh thì cuộc đấu tranh với cái ác với tham nhũng mới có kết quả được. Xin hỏi thăm sức khỏe và cũng muốn biết cuộc sống của chị ra sao - Nguyễn Thị Cư , 63 tuổi, thôn Ngà, xã Phương Hưng, Gia Lộc, Hải Dương A lô, chú là Chuông quê ở Nghệ An đây, cảm ơn cháu đã gửi sách chú nhận được tối qua. Mới đọc được mấy trang. Con cháu 12 tuổi giành của ông đọc trước. Chú đành đọc sau vậy Ngày 7/10/2009, lúc 22 giờ. A lô, Tôi là Phan Sang ở Huế đây. Tôi là bạn chiến sĩ cùng đơn vị với nhà văn Phùng Quán. Nhật Tân khổ quá. Khổ qua rồi à. Gửi Dòng xoáy cho tôi. Còn tác phẩm nào gửi hết. Khi nào ra Hà Nội tôi sẽ xuống Nam Định thăm Nhật Tân. Nếu vô Huế điện trước cho tôi đón . A lô, anh là Bình, Trưởng phòng Giáo dục Nghĩa Hưng đây. Anh nghỉ hưu từ 1989 nên không biết Dòng xoáy . Đọc báo cảm phục em quá. Nhớ hồi em còn học ở Liễu Đề khổ cực quá. Còn Dòng xoáy không? Hôm nào anh lên chơi thăm nhà. Tôi là Vũ Văn Hiến, xã Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang đây. Chị khỏe không? Mấy cháu? Chồng? Ôi khổ quá... Hẹn đến thăm. Hoàng Chính Lạng Sơn đây. Đọc báo mà thấy bức xúc quá. Tôi sẽ gọi lại. Alô, tôi là Bùi Công Chính. Có phải chị là tác giả Dòng xoáy không? Tôi năm nay 82 tuổi, em nhà văn Bùi Hiển (khóc)... Alô, tôi là Hồ Bờm, người PaKô, Bí thư chi bộ ở Hướng Hóa, Quảng Trị. Tôi đọc báo rất khâm phục chị. Chị viết đánh tham nhũng mạnh hơn nữa... A lô, con ở Ninh Thuận (nghe không rõ) con đọc báo... Cô ơi con rất muốn có Dòng xoáy . Cô đề tặng chữ ký của cô cô nhé. Chúc cô mạnh khỏe ạ. A lô, tôi là Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi ĐakNông. Rất dũng cảm. Chúc mừng cháu đấu tranh kiên cường. A lô, tôi là Quang Cảnh, Hà Nội đây. Tập 3 Dòng xoáy sao không có? Tôi sẽ thư cho Nhật Tân nói dài. Viết nữa đi nhé. Quyết không lùi bước trước tham nhũng. Ngày 15/9/2009. Tôi là Doãn Quang Thiện, Nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại thương. Nhà ở C9 P.2 đường Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội. Bố tôi cùng hoạt động với ông Nguyễn Văn Linh. Xúc động quá. Thương lắm. Ngày 20/9/2009. A lô, tôi là Nguyễn Khánh Toàn ở Hà Nội. Chị ghi số điện thoại của tôi. Hôm nào mời chị lên chơi. Điện trước, tôi sẽ ra ga đón. v.v... và v.v... Thời gian không có nhiều nên chúng tôi chỉ kịp rút ra hai lá thư trong chồng thư mới gửi đến và chia nhau mỗi người một lá vội vã biên vào sổ tay... Lạng Sơn ngày 29 tháng 9 năm 2009 Cô Tân quí mến. Tôi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Lạng Sơn. Đọc báo mới biết chuyện của cô. Tôi định biên thư cho cô. Đã mua được tem và phong bì rồi nhưng bệnh ập đến đành phải vào viện. Nay đã đỡ, tôi ghi vài dòng chúc cô mạnh giỏi. thần kinh sáng suốt. Nghị lực vững vàng. Tại sao hả cô? Một lòng tin Đảng, yêu Đảng chỉ muốn được phục vụ hết mình hết lòng vì sự nghiệp chung mà lại không được? Tôi tặng cô mấy câu thơ: Nữ nhi đội đá vá trời/ Nhật Tân tranh đấu cho người ấm no/ Làm theo tư tưởng Bác Hồ/ Làm cho nước mạnh làm cho dân giàu/ Mưa gào gió thét đã qua/ Thời gian trôi để cho ta nụ cười/ Nụ cười thắm đỏ đôi môi/ Một liều thuốc bổ trẻ tươi má hồng. Khi xuất viện tôi sẽ vào Nam Định thăm cô. Cũng xin nói qua bản thân tôi một chút. Tôi là Nguyễn Đức Chính. Tôi đã bị Tây bắt giam bốn tháng. Bị ta bắt hai lần. Một lần quy sai là Quốc dân đảng. Một lần bị trù dập. Hai lần được minh oan. Hai lần bị tịch thu tài sản. Chống Pháp chống Mỹ có mà vẫn chưa có chế độ gì! Một lá thư khác. Chị Nhật Tân quý mến, Tôi rất khâm phục hoan nghênh chị. Mong sao ở nhiều nơi có được nhiều người như chị. Mong các nhà văn ta viết được nhiều tác phẩm như Dòng xoáy . Mong lãnh đạo ta có nhiều người gần dân, thương dân như ông Nguyễn Văn Linh...”. (Nguyễn Thị Cư, 63 tuổi, Thôn Ngà, xã Phương Hưng, Gia Lộc, Hải Dương). v.v... Tên tôi là Trần Thị Nhật Tân, nhà giáo, nhà văn. Tôi viết di chúc trong lúc tỉnh táo khỏe mạnh. Ngôi nhà hai tầng tôi xây trên diện tích 180 mét vuông theo trước bạ. Cả cuộc đời tôi lao động cực nhọc mới có cơ ngơi này. Là người cầm bút, tôi thấu hiểu nỗi cơ cực của những nhà văn chân chính. Bởi vậy tôi có nguyện vọng là, sau khi tôi qua đời, tôi để ngôi nhà này làm từ thiện cho các nhà văn nghèo khổ... Đón đọc trên Tiền Phong số 295: Kỳ cuối: Chuyện gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản di chúc

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=175174&channelid=13