Âm nhạc - mở và đóng

Một ngày, công chúng yêu nhạc bỗng dưng thấy háo hức với việc có thể được nghe lại những bản nhạc yêu thích một thời, khi cơ quan quản lý văn hóa cho phép lưu hành một số nhạc phẩm sáng tác trước năm 1975. Sự cởi mở hiện diện ở nhiều nơi, từ sân khấu hoành tráng, phòng trà ấm cúng, cho đến hang cùng ngõ hẻm. Người ta hứng thú vì đã có thể say sưa hát những nhạc phẩm yêu thích mà không chút vương vấn, e ngại. Có thể ở đâu đó, từ giới nghệ sĩ cho đến giới yêu nhạc bình dân, đã thầm cảm ơn về sự cởi mở ấy.

Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vừa được cấp phép lưu hành. Ảnh: TL

Rồi một ngày, bỗng dưng người ta nhận được thông tin rằng nhạc phẩm này tạm dừng lưu hành, dù rằng trước đó khá lâu đã được cấp phép, mà lý do cơ quan quản lý văn hóa đưa ra, là “do thất lạc bản gốc, đơn vị xin cấp phép chỉ ký âm lại”, “dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc”.

Đó là trường hợp mới xảy ra với 5 nhạc phẩm: Cánh thiệp đầu xuân (tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).

Tạm dừng những ca khúc vốn đã “sống” từ rất lâu (kể từ ngày chúng được cấp phép) để thẩm định đối chiếu với bản gốc, đối với cơ quan quản lý, có thể là rất cần thiết. Nhưng ở góc độ của công chúng yêu nhạc, đã chứng kiến quá trình đóng rồi mở, mở rồi đóng các tác phẩm, nhiều người không khỏi lo ngại liệu có phải là cánh cửa mở ra đang dần đóng lại? Đó là chưa kể có sự thắc mắc về việc thẩm định cấp phép trước đó có vẻ như đã được làm một cách hời hợt. Rằng vì sao lại cấp phép trên bản ký âm lại, khi trong tay không có bản gốc? Tiêu chí nào để thẩm định một tác phẩm trước khi cấp phép để đưa ra cho công chúng thưởng lãm? Và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đã từng thẩm định, cấp phép để rồi bây giờ phải xem xét lại?...

Lại nhớ trước đây đã có nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt về việc cho phép phổ biến một số nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. Gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này rất đồ sộ, nhưng dường như người ta chú ý nhiều hơn về nhân thân của ông, thậm chí có ý kiến cho rằng không nên cấp phép lưu hành nhạc của ông. Nhưng, điều vô cùng quý giá là rốt cuộc, nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy đã được cấp phép phổ biến. Nói vậy để thấy rằng việc cấp phép đưa tác phẩm ra với xã hội cần một sự đánh giá công bằng, khách quan và trên hết là cần cân nhắc để đặt nhu cầu thụ hưởng của công chúng đối với cái đẹp của tác phẩm.

Vì vậy, những nhạc phẩm đang bị “tuýt còi” để xem xét lại cũng rất cần một sự xem xét thấu đáo, để làm sao ở khía cạnh đời sống tinh thần, công chúng không bị thiệt thòi mà vẫn giữ được ý nghĩa cần thiết của các tiêu chí do cơ quan quản lý văn hóa đặt ra. Sự cân nhắc thấu đáo này cũng là mong muốn của xã hội, một khi cơ quan chức năng đã phát đi thông báo sẽ tiếp tục thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã được cấp phép. Mà theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, đã có hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt định cư tại nước ngoài được cấp phép phổ biến.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/157992/am-nhac---mo-va-dong.html/