Amazon có độc quyền hay không?

Thương vụ thôn tính Whole Foods của Amazon đã dấy lên những lo ngại và buộc các nhà làm chính sách và chuyên gia pháp lý đặt vấn đề: như thế nào là quá lớn?

Amazon.com, công ty lớn thứ năm của Mỹ tính trên giá trị thị trường, đang lớn phổng phao như thánh Gióng và cắm cờ trên những thị trường mới. Vấn đề đặt ra cho các nhà làm chính sách và chuyên gia luật là: như thế nào là quá lớn? Đó là vấn đề cốt lõi đối với một nền kinh tế được nhanh chóng định hình bằng thương mại điện tử, một lĩnh vực mà Amazon và các tay chơi của mình đang hoạt động trên nền tảng đó chiếm 1/3 tổng doanh số của Mỹ, theo một số ước tính.

Thương vụ mua lại Whole Foods Market 13,7 tỷ USD của Amazon làm dấy lên tranh cãi về vấn đề độc quyền.

E-commerce không phải là môn chơi duy nhất của Amazon. Hãng này còn thống lĩnh điện toán đám mây và có thể sớm có một sự hiện diện đáng kể trong lĩnh vực cửa hàng vật lý, với việc mua lại Whole Foods. Thương vụ bất ngờ 13,7 tỉ  USD được công bố hồi tháng 6, đã dấy lên một sự phản đối kịch liệt của các nhà phê bình của chính công ty và một số đại biểu quốc hội đã yêu cầu uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) để mắt đến thương vụ này.

Tháng trước, Marc Perrone, chủ tịch liên đoàn Lao động quốc tế về thực phẩm và thương mại, đại diện cho các lao động trong ngành tạp hoá gởi thư cho FTC, với nhận định rằng việc Amazon đề xuất mua lại hãng cung cấp thực phẩm hữu cơ “là một đe doạ cạnh tranh đối với nền kinh tế của chúng ta, sẽ gây tổn thương cho công nhân và các cộng đồng”.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, thật khó mà hình thành một vụ chống độc quyền chống lại việc mua bán Whole Foods, vốn chỉ đem lại cho Amazon một tỷ phần nhỏ trong thị trường tạp hoá của Mỹ. Cũng vậy, sự chiếm lĩnh non trẻ của Amazon trong các thị trường khác vẫn không là sự thách thức trong dài hạn, trừ phi thay đổi triết lý trong việc xây dựng các quy định chống độc quyền. Trong thực tế, các nhà quản lý luật Mỹ bênh vực Amazon, trước sự lên án của các đối thủ hãng này về những hành động chống cạnh tranh của Amazon – cũng giống như khi họ lên án Apple và các nhà xuất bản hàng đầu New York âm mưu tăng giá sách điện tử, một thị trường mà Amazon thống lĩnh.

Dưới quan điểm chống độc quyền hiện hành của Mỹ, yếu tố hàng đầu là người tiêu dùng được đối xử như thế nào, chứ không phải là sự thống trị một thị trường của công ty. Có hành động chống độc quyền đối với Amazon, các nhà quản lý luật phải chứng minh rằng công ty đang gây hại cho người mua sắm – chẳng hạn có âm mưu làm cho sản phẩm họ mua đắt hơn một cách giả tạo. Một cách khác có thể làm cho Amazon gặp rắc rối là làm hại các đối thủ bằng các chiến lược, như duy trì giá có hại cho họ hoặc ép buộc các nhà cung cấp không tẩy chay các đối thủ của Amazon.

Nhưng thay vì sử dụng các chiến thuật tương tự, một số chuyên gia cho rằng Amazon đã xây dựng đế quốc của mình bằng cách đem lại cho khách hàng của công ty những gì họ muốn – sản phẩm giá rẻ với rất nhiều chọn lựa – không hề vi phạm luật, nên Amazon lớn như thế nào không thành vấn đề. “Luật chống cạnh tranh không khiến công ty phạm pháp khi chiếm lấy sức mạnh thị trường”, miễn là làm đúng, Douglas Melamed, giáo sư về luật chống độc quyền tại đại học Stanford và cựu viên chức phụ trách chống độc quyền của bộ Tư pháp Mỹ, nhận định. Kích thước khổng lồ của Amazon “quan trọng về mặt chính trị”, chớ không phải là vấn đề chống độc quyền. “Càng không phải nếu nó đổi mới sáng tạo nhiều hơn những đối thủ khác”, ông nói.

Đồng thời, vai trò to lớn mà Amazon tạo được – cùng với các công ty công nghệ khổng lồ khác như Google và Facebook – tạo ra một tư duy lại đối với các nhà làm chính sách “y trong kinh” về cách chính phủ có thể giám sát quyền lực của các công ty công nghệ khổng lồ hay không. “Rất nhiều người đang giật mình trước việc Amazon đã định vị chính công ty như là một phần trung tâm của hạ tầng trong nền kinh tế của thế kỷ 21”, Lina Khan, một nhà nghiên cứu của New America Foundation, một cơ quan tư vấn của Washington, D.C. Bà cũng là tác giả bài Nghịch lý chống độc quyền của Amazon, đã gây chú ý rộng rãi kể từ khi phát hành hồi tháng giêng trên tạp chí Yale Law Journal. “Chúng ta cần suy nghĩ lại về cách giữ gìn sự cạnh tranh”, bà trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Amazon đã hạ nhiệt vấn đề chống độc quyền. Trong một cuộc gọi gần đây cho các phóng viên, giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky nói rằng: “Các doanh nghiệp mà chúng tôi tham gia đều chiếm một phân khúc rất lớn trên thị trường với rất nhiều sự cạnh tranh căng thẳng”. Đã vậy, năm ngoái công ty còn thuê một chuyên gia tư vấn kỳ cựu về chống độc quyền ở D.C. là Seth Bloom.

Doanh số bán lẻ của Amazon tại Bắc Mỹ kể luôn Canada tổng cộng khoảng 80 tỉ USD năm 2016. Trong đó, chưa tính doanh số của các bên thứ ba hoạt động trên địa chỉ Amazon, mà một số chuyên gia ước tính con số tương đương hoặc hơn. Cả thảy, Amazon và các nhà bán hàng của họ chiếm khoảng 1/3 doanh số online. Nhưng thương mại điện tử chỉ là một phần bé tẹo trong lĩnh vực bán lẻ khổng lồ của Mỹ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/amazon-co-doc-quyen-hay-khong-795542.html