Ăn bánh phu thê nhớ Tết Kinh Bắc

Những ngày cận Tết, trong cái tiết trời se lạnh thấm thía, các gia đình xứ Kinh Bắc lại quây quần bên nhau để gói bánh phu thê. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bánh phu thê đã trở thành món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về ở đây, bên cạnh cây nêu, dưa hành và mẻ bánh chưng xanh…

Bánh phu thê không phải là loại bánh quá lạ lẫm đối với người Việt Nam với tên gọi bánh su sê. Từ khắp miền Bắc trài dài đến Hội An, Quảng Nam, bánh phu thê trở thành thức quà giản dị dười nhiều hình hài, kích thước khác nhau, qua bàn tay khéo léo của người dân địa phương. Nhưng ít ai biết rằng, bánh phu thê có nguồn gốc từ làng Đình Bảng- Từ Sơn- Bắc Ninh. Có lẽ cũng bởi vậy, những chiếc bánh phu thê mang nhiều ý nghĩa hơn cả với người dân nơi đây.

Chuyện kể rằng từ thời nhà Lý, trong cuộc thi làm bánh dâng vua, có đôi vợ chồng nọ làm ra những chiếc bánh bằng gạo nếp cái hoa vàng. Nhà Vua rất thích và cảm động với tâm lòng đôi vợ chồng nọ, bèn đặt tên cho chiếc bánh là bánh phu thê. Chiếc bánh phu thê bước ra từ cuộc thi trong lịch sử gắn bó với người dân Đình Bảng từ đó, mỗi năm nhà nhà làm bánh để dâng vua vào dịp lễ hội và đặc biệt là ngày Tết, như một cách thể hiện sự thành kính và niềm tự hào với loại bánh từ những sản vật thân thuộc xứ Kinh Bắc. Những ngày sát Tết là thời điểm nhiều nhà đã lục đục chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh để đem biếu bạn bè người thân.

Nhân bánh là đậu xanh nghiền mịn, có điểm hạt sen cho thêm bùi béo

Bánh phu thê làm không quá khó, chiếc bánh càng đơn giản thì nguyên liệu lại càng phải được chuẩn bị cẩn thận để tạo nên hương vị. Vì thế, kì công nhất, lại nằm ở khâu chọn từng loại nguyên liệu: đu đủ xanh, gạo nếp cái hoa vàng, quả dành dành, đỗ xanh, đường, hạt sen, lá chuối, lá dong. Toàn những sản vật đồng bằng Bắc Bộ từ cày cấy, trồng trọt chỉ cần đi từ nhà ra vườn là đã có đủ mọi nguyên liệu để làm một mẻ bánh. Quả đu đủ xanh hái ngoài vườn phải không bị rám sương để tránh chiếc bánh bị chát bị đắng. Sợi đu đủ xanh là thành phần không thể thiếu của bánh phu thê, vừa là để tạo độ giòn thanh cho vỏ bánh, vừa tượng trưng cho sợi tơ hồng gắn kết tình nghĩa vợ chồng. Đu đủ nạo sợi được trộn với nước quả dành dành để tạo màu, rồi trộn lẫn với bột nếp cái hoa vàng, trộn đều với nhau cho đến khi các nguyên liệu quyện lại và sợi đu đủ mềm ra. Khối bột sau đó được dàn phẳng trên khuôn lớn để chia nhỏ cho đều. Nhân bánh với nguyên liệu thân thuộc là đậu xanh ngào đường, phải làm sao để nhân không quá ngọt, đậu xanh nghiền nhuyễn sao cho thật mịn. Ngày nay, hạt sen được biến tấu cho thêm vào nhân bánh để tăng thêm độ bùi béo. Nhân được đặt trên các phần vỏ bánh, rồi viền cho thật kín. Lá chuối dùng để gói bánh phải được lau thật sạch để bánh không bị thiu. Những chiếc bánh được vớt ra thơm nức mùi lá chuối, vỏ bánh trong sần sật sợi đu đủ, nhân bánh thơm thoảng mùi dầu chuối, đỗ xanh, hạt sen. Như thế, một mẻ bánh phu thê mới thực sự thành công.

Bánh vàng tươi màu nước quả dành dành, giòn sần sật từ đu đủ nạo

Trong các gia đình ở làng Đình Bảng, dường như người phụ nữ trong gia đình thân thuộc với việc làm bánh hơn cả, từ cách chọn nguyên liệu sao cho ngon, cho đúng, cho đến các quy trình làm bánh. Rồi các bà, các mẹ truyền dạy lại cho con gái, những thế hệ gia đình Đình Bảng vì thế giữ nghề làm bánh phu thê cổ truyền như một nét đẹp văn hóa đặc trưng. Mỗi độ Tết đến xuân về, các thành viên trong gia đình xứ Kinh Bắc này lại quây quần, giúp đỡ nhau gói bánh, người lớn khéo léo tạo hình cho những chiếc bánh vuông dẹt, trẻ con háo hức chờ đợi cho đến khi được thưởng thức chiếc bánh phu thê đầu tiên của dịp Tết cổ truyền. Mẻ bánh đầu tiên sau khi vớt ra được bọc trong một lớp lá dong xanh, buộc sợi dây hồng rồi dâng lên ông bà tổ tiên. Những nghi thức thuần Việt ấy, sao nghe thiêng liêng, giàu ý nghĩa đến thế. Hoa màu hội tụ của đất trời và cả một năm nhọc nhằn cày cấy trồng trọt được gói ghém đủ đầy trong một chiếc bánh phu thê, để rồi lại mang ước nguyện của cả năm mới no đủ, son sắt tình nghĩa chồng vợ, gia đình. Bánh phu thê được coi như sản vật địa phương, nên chủ nhà dùng để mang biếu hay để đón khách trong bữa cơm ngày Tết như món tráng miệng ngọt thơm.

Bánh phu thê từ lâu đã đã đi vào nếp đón Tết của người dân làng Đình Bảng

Ngày nay, bánh phu thê được người dân Đình Bảng làm vào mọi dịp trong năm, bánh cũng theo mâm cưới hỏi truyền thống như hiện thân của tình nghĩa vợ chồng son sắt, đồng lòng. Nhưng cả cái quy trình chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, cúng ông bà tổ tiên mẻ bánh mới, vẫn luôn khiến nhiều người con xa quê bồi hồi khi nhớ về. Những chiếc bánh phu thê giản dị mà thảo thơm, hơn cả thức quà quê, đã đi vào nếp đón Tết của người dân làng Đình Bảng, bên cạnh “cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh…”

Vân Anh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-am-thuc/an-banh-phu-the-nho-tet-kinh-bac