Ăn bát canh có nấm lạ, 6 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu

Do ăn phải bát canh được nấu từ một loại nấm lạ mọc trong rừng, 6 người dân trú xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu

Ngày 21/5, ông Tăng Việt Hà, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận và đã tiến hành cấp cứu cho 6 bệnh nhân trú tại huyện Quỳ Châu bị ngộ độc do ăn phải nấm rừng.

Theo thông tin ban đầu, trưa 20/5, sau khi ăn bát canh được nấu từ một loại nấm rừng , 6 thành viên trong gia đình ông Lô Văn Ch. và anh Vi Văn C, đều trú tại bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và lên cơn co giật.

Ảnh minh họa.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân địa phương nhanh chóng đưa các nạn nhân đến trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Châu cấp cứu. Tiếp đó, các nạn nhân được chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An để tiếp tục điều trị.

Bà Lô Thị Th, vợ ông Lô Văn Ch. cho biết, sau khi gặt lúa về, đi qua cánh rừng thì phát hiện có nấm nên bà hái về nấu canh ăn, sau đó cả nhà có biểu hiện ngộ độc như trên. Nhà anh Vi Văn C. cũng gặp trường hợp tương tự.

Được biết, sau quá trình cấp cứu, các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

“Ngộ độc nấm rất nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong nhiều nhất so với các loại rau độc, do nấm chứa các độc tố muscarin, phallatoxin, amatoxin… gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người. Điều đáng nói, các ca ngộ độc thường là “chùm” cả gia đình với tỷ lệ 50% tử vong, xảy ra ở các tỉnh miền núi”, Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên (trung tâm Chống độc) cảnh báo.

Các bác sĩ tư vấn, bệnh nhân bị ngộ độc nấm thường có biểu hiện mệt mỏi, người tái xanh. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị cho mình thông tin cần thiết để chọn mua các loại nấm tốt, cần biết cách xử trí khi có người thân bị ngộ độc.

Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Cụ thể:

- Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi.

- Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol.

- Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước. Than hoạt tính sẽ hấp thụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính có thể thay thế bằng carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống.

- Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho nằm nghiêng. Khi thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.

Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Cần lưu ý là khi bị ngộ độc nấm, tuyệt đối không được cho bệnh nhân uống các loại thuốc có rượu vì rượu sẽ làm chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng hiệu lực của độc tố trong cơ thể.

Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/an-bat-canh-co-nam-la-6-nguoi-bi-ngo-doc-phai-nhap-vien-cap-cuu-a326338.html