Ăn canh cá, bị xương cá chui vào... phổi

Sau khi dùng cơm với canh cá thì người đàn ông bất ngờ ho sặc sụa và thấy đau họng, tức ngực… Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM), các bác sĩ phát hiện trong phổi bệnh nhân có 1 chiếc xương cá lóc dài gần 2cm mắc kẹt ở đó.

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) đã nội soi lấy chiếc xương cá lóc dài gần 2cm nằm trong phổi của bệnh nhân Phan Hữu Th. (52 tuổi)

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) đã nội soi lấy chiếc xương cá lóc dài gần 2cm nằm trong phổi của bệnh nhân Phan Hữu Th. (52 tuổi)

Trong lúc đang ăn cơm với canh cá, ông Phan Hữu Th.( 52 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Dương) bất ngờ ho sặc sụa, sau đó ông cảm thấy ngực của mình bị đau nhói, còn họng thì rát.

Ngay lập tức, ông Th. tìm đến bệnh viện ở địa phương để kiểm tra. Nghĩ mình bị hóc xương cá, ông Th. trình bày với bác sĩ các triệu chứng và kể lại tình huống trên. Sau đó, các bác sĩ ở đây đã kiểm tra nhưng không phát hiện được nguyên nhân khiến bệnh nhân đau họng, tức ngực.

Ông Th. về nhà được hơn 10 ngày thì thấy người mệt mỏi, khó thở, liền bảo người nhà đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM).

Ngày 22.6, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết các bác sĩ đã phát hiện trong phổi ông Th. có một chiếc xương cá lóc dài 1,5cm nằm mắc kẹt tại đây.

Bác sĩ Dương Thanh Hồng, Trưởng khoa Tai Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho hay chiếc xương cá lóc này có hình thù giống chiếc dù nằm ở phế quản thùy dưới phổi phải, là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nhiễm và gây ứ khí. Trước tình hình trên, đế tránh tổn thương cho phổi,các bác sĩ đã tiến hành xoay đầu xương cá rồi mới lấy ra ngoài.

Theo bác sĩ Hồng, tình trạng ho, tức ngực khó thở do bị dị vật rất dễ chẩn đoán nhầm. Thường bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phế quản hay viêm phổi và cho uống kháng sinh. Sau khi dùng kháng sinh bệnh nhân thấy triệu chứng trên giảm, nhưng sau đó lại tái diễn với tình trạng nặng hơn.

“Khi dị vật vào thanh quản, đường thở bị bít lại, sẽ gây ho, khó thở, khàn tiếng, bứt rứt, vật vã, còn khi vào khí quản sẽ gây khó thở từng cơn. Dị vật khi vào phế quản gây khó thở, giống như viêm phế quản hay viêm phổi nên dễ chẩn đoán nhầm", bác sĩ Hồng giải thích.

Bác sĩ Hồng cho biết có nhiều trường hợp bị hóc dị vật, nhưng thăm khám bác sĩ không phát hiện ra, cho theo dõi lao phổi. Người bệnh vì thế phải uống thuốc kháng lao suốt 9 tháng nhưng tình trạng không biến chuyển. Tới khi nội soi mới phát hiện ra là do hóc dị vật.

Điều đáng lo ngại hơn là nhiều bệnh nhân khi bị hóc xương cá xử lý sai khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Lê Trần Quang Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, khi hóc xương cá, nhiều người thường dùng tay cố móc ra, khạc liên tục, hoặc nuốt cục cơm lớn, miếng chuối. Cách xử lý này rất nguy hiểm dễ khiến dị vật làm trầy xước niêm mạc họng gây biến chứng.

Bên cạnh đó, việc làm này cũng sẽ khiến xương cá theo cơm, chuối đẩy xuống vùng hạ họng, thực quản gây khó khăn trong việc nội soi để lấy dị vật này ra.

“Để tránh trường hợp hóc dị vật đường thở, với trẻ em, không nên để trẻ đưa các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút; không nên cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như hạt lạc (đậu phộng), hạt na, hồng bì, hạt bí, hạt dưa…Với người lớn, không đùa giỡn khi đang ăn, tránh ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/an-canh-ca-bi-xuong-ca-chui-vao-phoi-65604.html