Ấn Độ: Giới trung lưu nợ “ngập đầu”

Nền kinh tế phát triển của Ấn Độ tạo ra một nếp sống mới cho giới trung lưu. Thay vì dành dụm như các thế hệ trước, giờ đây tầng lớp trung lưu nước này xài tiền như nước và kết quả là “nợ như chúa chổm”.

small_2371.jpg Nền kinh tế phát triển của Ấn Độ tạo ra một nếp sống mới cho giới trung lưu. Thay vì dành dụm như các thế hệ trước, giờ đây tầng lớp trung lưu nước này xài tiền như nước và kết quả là “nợ như chúa chổm”. Ông Ashok Bhagur, một chuyên gia giảm nợ tín dụng ở New Delhi, nói: “Chúng tôi đang đi vào con đường của người Anh. Việc tiêu xài phung phí trở thành một chuyện thường ngày, một lối sống”. “Giấc mơ thẻ tín dụng” Vì tiêu xài phung phí, nên chẳng mấy chốc họ tiêu quá số tiền có được. Khi đó, thẻ tín dụng, vay mượn nợ trở thành bạn đồng hành với họ, giúp họ thỏa cơn khát mua sắm. Shobha Iyer làm tại văn phòng tư vấn người tiêu dùng Madras cho biết: “Họ có thu nhập cao, nhưng họ luôn ăn chơi đua đòi, cho nên họ luôn thiếu tiền, vì thế họ tìm đến dịch vụ thẻ tín dụng và vay nợ”. Thẻ tín dụng giúp họ tiêu xài thoải mái đến mức họ “ghiền” thẻ tín dụng. Ông Nagendra Singh, giám đốc Hometown, chủ tiệm bán vật liệu xây dựng có 300 nhân viên nói: “Đến lúc hốt bạc rồi. Khách hàng của tôi rất thích quẹt thẻ tín dụng để mua hàng, trả một rupee họ cũng quẹt”. Dự báo đến năm 2025, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 50% dân số Ấn Độ. Nhìn thấy viễn cảnh tốt đẹp của thị trường béo bở rộng lớn này, các ngân hàng nội địa, và nước ngoài ở Ấn Độ đang ra sức tiếp thị thẻ tín dụng, để tập cho những người này thói quen “nợ nần”. Vì vậy các ngân hàng tạo mọi điều kiện để “dụ” khách hàng làm thẻ tín dụng. Các ngân hàng ở đây rất khó đánh giá được khả năng chi trả vì không có cơ sở dữ liệu về lịch sử vay nợ của khách hàng, và ở Ấn Độ cũng không hề có chuẩn chứng minh nhân dân thống nhất. Nhưng các ngân hàng vẫn cho vay dựa theo tiền lương của khách hàng. Ông Rajan Rao, 55 tuổi, một quản đốc nhà máy, kể lại: “Họ nói với tôi thẻ này không hề tính lãi, và không cần phải trả tiền gì cả. Họ gần như nhét chúng vào túi tôi”. Cô Shubhra, một chuyên viên vi tính, 30 tuổi, nói: “Điều kiện để có một cái thẻ tín dụng quá dễ dàng. Có thể nói ngân hàng làm mọi cách để buộc bạn sở hữu một cái thẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiêu xài, bất kể lãi suất bao nhiêu”. “Nỗi nhục tín dụng” Mới sáu giờ sáng, cô Manjuvasudev Murthy, 38 tuổi, nhân viên PR của một bệnh viện ở Bangalore đã “sốc” nặng khi có năm kẻ côn đồ đập cửa nhà cô, và gào thét: “Con nhỏ kia, mày trả tiền đi”. Cô Murthy nhanh chóng nhận ra Roshini, đứa con gái 22 tuổi của mình, đang mắc nợ ngân hàng. Cô Murthy nói: “Trong đời mình, tôi chưa bao giờ mượn tiền ai cả. Đó là cách chúng tôi được nuôi dạy. Nhưng bọn trẻ bây giờ đã khác xưa rồi. Con Roshini luôn dùng thẻ tín dụng để mua quần áo, trang sức, và đồng hồ đắt tiền”. Bây giờ, bất kể ngày hay đêm, dù ở ngoài hay đang trong văn phòng làm việc, Roshini đều bị những tên côn đồ từ các văn phòng đòi nợ tư nhân khủng bố. Chandra Murthy, 53 tuổi, một nhà khoa học, đã báo cảnh sát sau khi một toán người đến đòi ông 2.500 USD tiền vay mua nhà. Ông nói: “Họ khạc nhổ tôi, cởi áo của tôi, cạo ria mép, cắt tóc tôi, sau đó lục tung nhà tôi lên”. Khi khách hàng ngâm nợ, ngân hàng thuê các văn phòng đòi nợ với tỷ lệ chia chác 30% hoa hồng, vì họ biết rằng nếu làm đúng pháp luật, có trường hợp phải mất 20 năm mới có thể giải quyết được. Các văn phòng đòi nợ nhờ đến “xã hội đen” dùng vũ lực và biện pháp lăng nhục để đòi nợ. Luật sư Chandragiri Giddappa, người điều hành Hiệp hội những người sử dụng thẻ tín dụng cho biết: “Chúng là những tên côn đồ. Chúng cưỡng đoạt xe hơi, cướp phá nhà cửa. Chúng khủng bố phụ nữ và trẻ em khi đàn ông không có ở nhà”. Yogesh Yadaiah, 42 tuổi, một thợ điện ở Hyderabad đã chết tại bệnh viện, sau khi bị 4 người đàn ông hành hạ tại chỗ làm việc. Ông đã nợ gần 400 USD. Vợ ông cho biết ông đã chết trong bệnh viện, nhưng bà vẫn khẳng định chính họ đã đánh chết ông. Sau đó ngân hàng bồi thường cho bà 18.000 USD. Chẳng trách báo chí Ấn Độ bình luận: “Giờ đây, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang bị một mối nhục mới, mối nhục nợ tín dụng”. Tại anh tại ả Hiện trên thế giới, tỷ lệ lãi suất và chi phí đã làm vỡ mộng nhiều người sử dụng thẻ tín dụng. Nhưng người dân Ấn Độ có lý do đặc biệt để ca thán, vì lãi suất trung bình ở đây quá cao, hơn 30%, và có khi lên đến 50%. Các ngân hàng biện hộ họ cần phải nâng lãi suất và các loại phí vì thị trường Ấn Độ không ổn định. Luật sư Giddappa từng chỉ trích các ngân hàng sau khi ông mượn 220 USD và số nợ này đã lên 2.111 USD trong hơn hai năm. Ông ước tính mỗi ngày người dân Ấn Độ phải trả hơn 397.367 USD các khoản nợ phi lý. Ông bức xúc: “Các ngân hàng đang lừa đảo dân chúng”. Trong lúc ra sức chiêu dụ khách hàng, thực tế các ngân hàng hiếm khi đề cập đến lãi suất, hay cho khách hàng biết về tín dụng xoay vòng. Mỗi ngày văn phòng luật sư Giddappa nhận được gần 100 lời phàn nàn về thẻ tín dụng. Nhiều người túng quẫn đã tìm đến đây phân trần họ không hề biết gì về các điều kiện tín dụng và số tiền ghi nợ. Arigit Sengupta, quản lý một nhà hàng ở Bangalore, bức xúc: “Tôi không biết họ tính lãi suất kiểu gì. Ngay cả một kế toán thực thụ cũng không thể hiểu nổi”. Cô Manjuvasudev Murthy, mẹ của “con nợ” Roshini, phân trần: “Không ai giải thích cho Roshini biết tiền ghi nợ là gì, nó chỉ mới 22 tuổi. Lẽ ra họ phải đảm bảo khách hàng phải hiểu hết”. Bên cạnh các mức phí cao, các đại lý kinh doanh thẻ đã đưa ra các lời hứa cuội về việc không tính phí thẻ, hơn nữa các chi phí mua hàng cũng không được ghi ra, và nhiều vấn đề không được giải quyết đúng hạn nên làm tăng thêm chi phí. Lỗi không chỉ thuộc về phía ngân hàng. Luật sư Giddappa thừa nhận nhiều khách hàng còn quá ngờ nghệch. Ông nói: “Họ có từ 5 đến 9 thẻ tín dụng. Thẻ sau sẽ trả lãi cho những khoản nợ trong thẻ trước”. Ông T.R Ramachandran, người quản lý bộ phận thẻ của Ngân hàng Citigroup nhận định: “Nhiều vấn đề nảy sinh là do khách hàng thiếu hiểu biết. Họ là những người mới vay tiền lần đầu, cho nên họ không quen với việc tính lãi gộp của ngân hàng. Trình độ của khách hàng sẽ còn tiếp tục trở thành thách thức cho ngân hàng”.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29049-an-do-gioi-trung-luu-no-ngap-dau