Ấn Độ răn đe Trung Quốc bằng thông điệp hợp tác với Mông Cổ

Giữa lúc tình hình với Bắc Kinh căng thẳng, Ấn Độ đã gửi lời mời hợp tác với Tổng thống Mông Cổ Battulga - nhân vật thường xuyên chỉ trích Trung Quốc gay gắt.

Theo Economic Times, Ấn Độ đã gửi lời mời hợp tác với Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga, chỉ một ngày sau khi ông này thắng cử.

Đây được coi là một bước đi tăng cường sức mạnh của New Delhi trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc đang rơi vào bế tắc.

Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga là người muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Tổng thống Battulga nổi tiếng là một nhà phê bình Trung Quốc gay gắt, khi ông muốn chống lại sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Quan hệ an ninh và văn hóa giữa Mông Cổ với Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng một cách ổn định. Ulaanbaatar đã tìm đến Ấn Độ sau khi Trung Quốc áp đặt một lệnh phong tỏa kinh tế khi quốc gia này đón tiếp Đạt Lai Lạt Ma vào năm ngoái.

Chính phủ Mông Cổ vào thời điểm đó trước áp lực từ Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị sẽ không có chuyến thăm nào trong tương lai của nhân vật này.

Giống như các nước Đông Á khác, Mông Cổ muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khi nhận ra mối quan hệ này khiến họ dễ rơi vào “cái bẫy nợ nần”.

Trung Quốc hiện chiếm 68,5% giá trị thương mại ngoài nước của Mông Cổ, theo số liệu hồi đầu năm nay. Tỷ trọng xuất khẩu của Mông Cổ vào Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại cũng lên tới 90,5%. Trong tương lai, Bắc Kinh đang muốn thâm nhập sâu vào quốc gia này với các kế hoạch khai thác mỏ than và đồng.

Ấn Độ từ lâu đã mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở Mông Cổ. Thủ tướng Narendra Modi, người đã đến thăm Ulaanbaatar vào năm 2015 đã ngay lâp tức gửi lời hợp tác hữu nghị với Tổng thống Battulga sau khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống được công bố hồi đầu tháng này.

Đáp lại, Tổng thống Battluga đã gửi lời đề nghị tới New Delhi về kế hoạch mở Viện Công nghệ Ấn Độ ở Ulaanbaatar. Đây cũng được coi là lĩnh vực hợp tác triển vọng nhất giữa hai nước.

Bất chấp sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, năng lực quản lý yếu kém của nền kinh tế Mông Cổ trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng giảm phát và IMF phải đưa ra gói cứu trợ trị giá 5,5 tỷ.

Không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh, Ulaanbaatar đang muốn tìm kiếm sự hợp tác đa quốc gia khác mà trong đó thiện chí từ New Delhi đang được nước này hưởng ứng nhiệt tình.

Bên cạnh quan hệ kinh tế, Ấn Độ và Mông Cổ đã cho thấy quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng tăng trong thời gian qua.

Ngoài thỏa thuận hạt nhân dân sự đã được ký kết trong năm 2009, Ấn Độ-Mông Cổ cũng có các nhóm làm việc chung trong hợp tác quốc phòng hàng năm, bên cạnh đào tạo các sĩ quan quân đội Mông Cổ.

Theo Economic Times, quyết định xích lại gần hơn với Mông Cổ không chỉ là động thái “chọc tức” Trung Quốc mà còn là bước đi cần thiết khi New Delhi gặp phải những bế tắc trước cường quốc mới nổi ở châu Á.

Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ ngoại giao phù hợp với lợi ích quốc gia, đồng thời gửi tới Bắc Kinh tín hiệu rõ ràng rằng, nước này sẽ không bị hạn chế trong việc liên kết với các đối tác mới để đối đầu với sức ép đến từ người hàng xóm.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/an-do-moi-tong-thong-mong-co-lien-minh-chong-trung-quoc-a333580.html