Ấn Độ sẽ sớm vượt Trung Quốc?

Liệu New Delhi có thể tận dụng những ưu thế của mình và sự bất ổn của Bắc Kinh để nhanh chóng vươn lên?

Morgan Stanley nhấn mạnh rằng đây là thập kỷ của Ấn Độ. Vào tháng 10, ngân hàng này đề cập trong một báo cáo về nền kinh tế thị trường của Ấn Độ đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cả yếu tố trong nước và bên ngoài.

Theo đó, việc New Delhi kết hợp tăng cường sản xuất ở nước ngoài và đẩy mạnh đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền sản xuất, chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng trong nước sẽ nhanh chóng giúp quốc gia này hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2030.

Ấn Độ đang có những lợi thế của riêng mình. Nguồn: SCMP

Ấn Độ đang có những lợi thế của riêng mình. Nguồn: SCMP

“Với việc đặt mục tiêu tăng trưởng đứng thứ năm thế giới trong thập kỷ tới, Ấn Độ có thể sẽ vực dậy một nền kinh tế toàn cầu dường như đang thiếu động lực, khiến các cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn” – Morgan Stanley cho biết.

Và hơn nữa, nhiều chuyên gia nhận định rằng Ấn Độ có thể sẽ được hưởng lợi từ những nguy cơ mà Trung Quốc và Mỹ đang gặp phải.

Ngân hàng này cũng lo ngại về việc Mỹ có thể sẽ đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế cũng như chưa rõ khi nào Trung Quốc sẽ thực sự nới lỏng các chính sách giúp các nhà đầu tư có thể lấy lại niềm tin.

Bất chấp nền kinh tế số một thế giới vẫn đang kiên cường trước những thách thức, việc Cục Dự trữ Liên bang Fed phải giữ lãi suất cao trong dài hạn do lạm phát không có dấu hiệu suy giảm có thể sẽ đẩy Washington vào một cuộc suy nghiêm trọng hơn. Trung Quốc cũng không khả quan hơn khi nền kinh tế suy trầm trọng do khủng hoảng bất động sản kéo dài khiến tâm lý các nhà đầu tư chạm đáy. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng nền kinh tế số hai thế giới sẽ rơi vào tình trạng giảm phát như Nhật Bản trong những năm 1990.

Trái ngược với Trung Quốc, Ấn Độ đang cho thấy những dấu hiệu lạc quan hơn. Trong khi chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 38% so với mức tháng 2/2021, chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ đã đạt kỷ lục vào tháng 9 khi tăng 140 % kể từ tháng 4/2020.

Bên cạnh đó, trong khi tăng trưởng của Bắc Kinh chậm lại do phải đối mặt với những cơn gió ngược mang tính chu kỳ, New Delhi lại tăng trưởng nhanh từ những chính sách sâu rộng hay các ưu thế về dân số trẻ, chuyển đổi công nghệ và tái định hình chuỗi cung ứng.

Vào tháng 9, Barclays cho biết nếu tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ vẫn duy trì ở mức trên 6% trong những năm tới, quốc gia này sẽ là nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu, thu hẹp đáng kể với khoảng cách với Trung Quốc.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng Ấn Đô không nên quá vội vàng với những gì đang đạt được. Họ lập luận rằng New Delhi vẫn còn khoảng cách khá xa so với Bắc Kinh. Cụ thể, báo cáo của HSBC vào tháng trước cho biết ngay cả khi Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng và Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, quốc gia này vẫn khó so được với nền kinh tế thứ hai thế giới do có ít trụ cột kinh tế hơn.

Thêm vào đó, Trung Quốc chiếm đến 18% sản lượng kinh tế toàn cầu trong khi Ấn Độ chỉ có 3%. Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa nhưng thị phần tiêu dùng toàn cầu của nước này chỉ dưới 4%, thấp hơn nhiều so với mức 14% của Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn đang ngờ vực về tính bền vững từ những tín hiệu tích cực mà Ấn Độ có được. Họ lo ngại rằng bất ổn chính trị sẽ ảnh hưởng đến tính liên tục của chính sách kinh tế của chính phủ New Delhi. Bên cạnh đó, Ấn Độ đang chưa khai thác được những lợi thế từ dân số trẻ so với Trung Quốc khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của đất nước này chỉ là 49%, cùng với đó là nguy cơ thất nghiệp ở mức cao.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-do-se-som-vuot-trung-quoc.html