Ấn Độ thử BrahMos tăng tầm không phải họa với Trung Quốc

Ngay sau quyết định đưa cả Trung đoàn BrahMos áp sát Trung Quốc, Ấn Độ đã phóng bản tăng tầm tới 450km. Nhưng Bắc Kinh không tin đây là mối họa.

Ưu tiên triển khai

Thông tin về việc Ấn Độ thử nghiệm phiên bản tăng tầm của BrahMos được tờ Financial Express dẫn lời ông Sudhir Mishra, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết. "Tên lửa BrahMos phiến bản mới đã phá hủy mục tiêu với độ chính xác cực cao. Thử nghiệm thành công cho thấy sự tiến bộ và điều tuyệt vời đối với chúng tôi.

Với phiên bản tăng tầm này, cả 3 quân chủng lục quân, hải quân và không quân sẽ có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ của quân địch. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một loại tên lửa hành trình siêu thanh có thể đạt đến tầm bắn như vậy", ông Sudhir Mishra tuyên bố.

Dù không cho biết phiên bản mới của BrahMos sẽ được triển khai tại đơn vị nào tuy nhiên theo ông S Christopher, Giám đốc DRDO, nước này sẽ ưu tiên điều đến điểm nóng xảy ra tranh chấp với láng giềng - nơi vừa được quyết định nhận hàng trăm tên lửa loại này.

Ấn Độ thử nghiệm BrahMos phiên bản mới.

Căn cứ vào thông tin này có thể nhận thấy, địa điểm được ưu tiên chính là bang Arunachal Pradesh gần khu vực biên giới với Trung Quốc - địa điểm vừa nhận được cả trung đoàn tên lửa BrahMos.

Theo Sputnik, quyết định này của Chính phủ Ấn Độ được xem như một động thái nhằm tăng cường khả năng răn đe đối với Bắc Kinh. Ngay trước khi việc triển khai được thực hiện, Thủ tướng Narendra Modi đã thông qua kế hoạch này cùng chi phí hơn 43 tỷ rupee (khoảng 640,7 triệu USD).

Trung đoàn này còn có 5 bệ phóng tự hành trên xe tải hạng nặng và một sở chỉ huy di động. Trung đoàn sẽ bố trí tại bang miền núi Arunachal Pradesh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ. Hai nước cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận về đường phân định biên giới tại khu vực này.

Tên lửa BrahMos hiện tại có tầm bắn 290 km, là loại tên lửa hành trình chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân được Ấn Độ hợp tác với Nga phát triển, và trở thành loại vũ khí chính xác được trang bị cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Không phải là họa

Ngay khi Ấn Độ triển khai tên lửa hành trình BrahMos ở bang Arunachal, tờ Giải phóng quân Trung Quốc cho rằng nó đã vượt nhu cầu phòng vệ thông thường, đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực Tây Tạng, Vân Nam của Trung Quốc.

Tên lửa BrahMos có khả năng tấn công kiểu bổ nhào ưu việt, thích hợp với sử dụng ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nơi có địa hình đồi núi là chính. Nhìn vào thiết kế ngoại hình, tính năng tàng hình và khả năng đột phá phòng thủ của loại tên lửa này được tăng cường rất lớn.

Đặc biệt, tên lửa này có thể bay thấp cách mặt đất khoảng 10 m vào giai đoạn cuối, tiến hành cơ động kiểu hình con rắn ở tầng trời thấp, dễ dàng tránh được hoạt động đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Với thiết kế như vậy, tên lửa được tăng cường rất lớn khả năng sống sót, nhất là trong tác chiến ở miền núi, địa hình có lợi càng giúp che chắn tốt cho nó, làm cho tên lửa BrahMos càng giống như “rắn hổ mang” chiếm giữ khu vực biên giới Trung-Ấn, luôn luôn tùy cơ ứng biến.

Với tốc độ bay của tên lửa chiến thuật BrahMos có thể đạt 2,5 – 2,8 Mach, loại tên lửa này không chỉ thu hẹp rất lớn khoảng cách thời gian giữa phát hiện và bắn trúng mục tiêu, nâng cao tính bất ngờ và hiệu quả khi tấn công, hơn nữa có thể dựa vào khả năng sát thương kinh ngạc, tiến hành tấn công mang tính hủy diệt đối với các mục tiêu nhạy cảm như bệ phóng tên lửa, các mục tiêu di động và các mục tiêu kiên cố nằm sâu trong lãnh thổ như trung tâm chỉ huy.

Bất chấp việc thừa nhận những ưu điểm của tên lửa BrahMos, tờ Giải phóng quân Trung Quốc vẫn cho rằng loại tên lửa này không thể khắc phục được khuyết điểm, việc triển khai lần này cũng chỉ có thể "lấy đá ghè chân mình".

Theo bài viết, bán kính tác chiến lớn nhất có hạn, ý nghĩa chiến lược không mạnh. Là tên lửa chiến thuật, BrahMos có tầm bắn xa nhất chỉ 290 km, nếu xét đến nhân tố địa hình và hiệu quả bí mật, bay hành trình trong toàn bộ quá trình thì tầm bắn của BrahMos nhanh chóng giảm còn khoảng 100 km.

Tầm bắn như vậy đã làm giảm mạnh hiệu quả răn đe của BrahMos, chỉ có thể tiến hành tấn công có hiệu quả đối với các mục tiêu chiến thuật cự ly ngắn, nhưng ngoài tầm với đối với các mục tiêu chiến lược ở chiều sâu.

Tiếp theo, độ cao đường đạn lớn nhất là tương đối cao, dễ bị nhận biết. Có tài liệu cho biết, độ cao hành trình bình thường của tên lửa BrahMos là 14.000 – 15.000 m, mà độ cao này là phạm vi nhận dạng tốt nhất của hệ thống nhận dạng phòng không. Nếu trong chiến đấu thực tế tên lửa BrahMos theo đuổi hành trình tầng trời thấp bí mật thì tốc độ, tầm bắn của tên lửa đều sẽ bị ảnh hưởng.

Với những hạn chế nêu trên, tác dụng thực tế triển khai tên lửa BrahMos lần này của Ấn Độ tương đối có hạn. Tầm bắn khá ngắn không thể đe dọa được khu vực chiều sâu của Trung Quốc, hơn nữa, nếu lắp cho máy bay chiến đấu để mở rộng phạm vi tấn công thì đã làm giảm mạnh hiệu năng chiến đấu và không có lợi cho phòng thủ tự thân.

Trước những phân tích trên, tờ Giải phóng quân Trung Quốc cho rằng, việc Ấn Độ triển khai tên lửa BrahMos đến sát biên giới Trung Quốc chỉ mang tính chất phô trương sức mạnh hơn là răng đe thực tế.

Clip Ấn Độ thử nghiệm BrahMos phiên bản mới

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/an-do-thu-brahmos-tang-tam-khong-phai-hoa-voi-trung-quoc-3330914/