Ấn Độ: Trẻ em bị mua bán như đồ vật

Trong cuộc đột kích sáng ngày 25/8 vào một căn hộ ở khu ngoại ô Thane gần thành phố Mumbai thuộc bang Maharashtra miền Tây Ấn Độ, cảnh sát đã bắt giữ 2 người đang cố gạ bán một cô bé chỉ mới 13 tuổi, và điều gây bất ngờ nhất là một người chính là mẹ ruột của nạn nhân, còn người đàn ông là tài xế xe kéo. Cảnh sát cho biết họ hành động theo Indian Rescue Mission (IRM) - tổ chức phi lợi nhuận của Ấn Độ thành lập năm 2009 đặt trụ sở tại Mumbai với sứ mạng giải cứu và giúp những đứa trẻ nạn nhân của bọn buôn người trở về với cuộc sống đời thường. Để làm tròn sứ mạng, IRM đôi khi phải tiến hành những chiến dịch bí mật.

Abraham Mathai - người sáng lập tổ chức Harmony Foundation (HF).

Ngày 18/8, một nhân viên IRM vẫy một chiếc xe kéo để gạ chuyện hỏi han về quán bar nào đó có thể thoải mái "vui vẻ". Tài xế liền giới thiệu 2 quán bar trong khu vực. Nhân viên IRM, nói: "Tôi biết ngay tài xế này là người có thể cung cấp thông tin có giá trị cho nên xin số điện thoại của anh ta".

Ngày hôm sau, nhân viên IRM gọi điện thoại cho tài xế yêu cầu cung cấp một cô gái còn trinh tiết cho một khách làng chơi giàu có: "Khoảng 2 ngày sau, tài xế gọi lại tôi báo tin có một cô gái tầm 13 hay 14 tuổi có giá 100.000 rupee (khoảng 1.550 USD") - nhân viên IRM cho biết.

Ngày 23/8, nhân viên IRM đi cùng với tài xế xe kéo đến một căn hộ 6 tầng ở khu ngoại ô Thane, nơi từ trước đó đã có mặt cô gái trẻ, người mẹ và thêm 2 phụ nữ khác. Sau khi phát hiện ra đường dây mua bán trẻ em gái, nhân viên IRM liền thông tin về cho Giám đốc IRM là James Varghese và người này phối hợp với Abraham Mathai - người sáng lập Harmony Foundation (HF), tổ chức phi lợi nhuận Ấn Độ thành lập vào tháng 10/2005 và có cùng tiêu chí hoạt động như IRM - liên lạc ngay với cảnh sát khu vực Thane.

Lập tức, Cảnh sát trưởng Milind Abharambhe nhanh chóng lên kế hoạch hành động. Khi đột kích căn hộ trên, cảnh sát tóm gọn gã tài xế cùng với những phụ nữ đang kỳ kèo giá bán trinh cô gái trẻ! Trong vụ này, cô gái nạn nhân không hề biết mình bị chính mẹ ruột đem bán cho đàn ông làm nô lệ tình dục! Sĩ quan chỉ huy cuộc đột kích cho biết, cô gái nạn nhân có 4 anh chị em và có cha làm việc trong một xưởng thợ khu Andheri của Mumbai. Người mẹ của nạn nhân và gã tài xế xe kéo bị bắt giữ và buộc tội mua bán trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo vệ trẻ em, những vụ án cha mẹ hay người thân trong gia đình bán con hay cháu như thế thường hiếm gặp. Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, những đứa trẻ nạn nhân thường được hứa hẹn một việc làm lương cao hay cuộc sống tốt hơn rồi sau đó các em biến mất.

Đầu năm 2013, Tổ chức Quốc tế giám sát Nhân quyền (HRW) tiến hành điều tra 12.500 trẻ em tại 13 bang của Ấn Độ và phát hiện hơn một nửa trong số đó từng bị xâm hại tình dục. Theo HRW, chính quyền Ấn Độ thường không quan tâm nhiều đến vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục bất chấp những vụ việc có lớn lao đến mức nào.

Trẻ em New Delhi biểu tình trong Ngày Toàn cầu chống buôn bán trẻ em, năm 2008.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), những đứa trẻ nạn nhân của bọn buôn người thường bị đẩy vào con đường mại dâm, ép buộc hôn nhân, làm con nuôi bất hợp pháp, sử dụng làm lao động cưỡng bức "ở bên trong hoặc bên ngoài Ấn Độ". Thậm chí, một số trẻ còn bị bắt phục vụ trong các nhóm vũ trang. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, có 1,2 triệu trẻ em bị mua bán trên thế giới mỗi năm, và số trẻ em nạn nhân bị ép buộc hành nghề mại dâm là cao nhất.

Ấn Độ được coi là nguồn cung cấp đồng thời là quốc gia "trung chuyển" cho bọn tội phạm buôn người. Đa số nạn nhân trẻ tuổi thuộc về Ấn Độ, song cũng có một số lớn trẻ em bị buôn từ Nepal và Bangladesh sang. Trẻ em cũng thường bị bán sang các quốc gia Trung Đông để phục vụ cho các môn thể thao như là đua lạc đà. Hiện nay, nhu cầu gái mại dâm trẻ em đến 40% và con số đang có chiều hướng tăng.

Các Tổ chức phi chính phủ (NGO) ước tính có khoảng 200.000 trẻ em gái Nepal dưới 16 tuổi bị ép làm gái mại dâm ở Ấn Độ; và từ 1.000 - 1.500 trẻ em bị bán sang Arập Xêút mỗi năm để hành nghề ăn xin trong những cuộc hành hương về Thánh địa đạo Hồi Mecca!

Theo báo cáo của Cảnh sát Ấn Độ, các bang có đông đảo nạn nhân của bọn tội phạm buôn người là Andhra Preadesh, Karnataka, Tây Bengal và Tamil Nadu. Năm 2008 có 529 trẻ em gái bị buôn bán chỉ riêng từ bang Assam. Trong khi đó, Delhi và Goa là hai địa phương "tiếp nhận" các nạn nhân. Nhu cầu người giúp việc gia đình tăng cao tại các thành phố lớn của Ấn Độ cũng dẫn đến sự gia tăng buôn người, trong đó phần đông nạn nhân là trẻ em ở làng quê nghèo khổ từ các bang Tây Bengal, Jharkhand và Chhattisgarh.

Những đứa trẻ gái bị lừa bán làm người giúp việc gia đình thường bị chủ nhà xâm hại tình dục. Như trường hợp cô gái Smita 16 tuổi ở vùng quê bang Jharkhand bị chủ nhà xâm hại tình dục nhiều lần. Sau khi Smita được giải cứu, cha mẹ từ chối nhận con vì cho rằng cô gái đã bị ô uế do cưỡng dâm! Trong một trường hợp khác, cô gái tên Jyoti chỉ mới 14 tuổi bị bọn buôn người bán cho một người đàn ông 40 tuổi để cưới làm vợ và sinh con cho ông ta!

Đầu năm nay, chính quyền Ấn Độ đã ban hành một đạo luật mới ngăn cấm mọi dạng buôn người - sử dụng cho lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục hay giúp việc gia đình - và những đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù 7 năm. Nhưng, trên thực tế nạn buôn bán trẻ em vẫn lan tràn ở Ấn Độ.

Một cuộc điều tra của tờ báo Ấn Độ Mail Today tiết lộ, cảnh sát nước này rất miễn cưỡng khi phải tiếp những bậc cha mẹ trình báo có con mất tích và trong một số trường hợp, cảnh sát còn ép buộc họ phải rút đơn hay đòi tiền hối lộ trước khi hành động. Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết, trong số 10 đứa trẻ bị mất tích mỗi giờ ở Ấn Độ thì chỉ có 1 trường hợp được cảnh sát điều tra!

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2013/9/81517.cand