Ăn gian, làm dối

Dân gian có câu "Cháy nhà mới ra mặt chuột”, "Ăn gian, làm dối” ứng rất đúng vào với mỗi sự vụ như vụ sập cầu treo Chu Va 6 (Tam Đường-Lai Châu). Chỉ khi hậu quả xảy ra, những góc tối, điểm đen, sự gian dối mới được phơi bày. Đằng sau việc cần phải xử lý nghiêm minh các sai phạm nếu có, liệu những bài học gì sẽ lại phải được rút ra từ hậu quả đau xót đã xảy ra? Người ta kêu gọi sự thức tỉnh lương tâm của những kẻ vì lòng tham làm mờ mắt, hay quen thói tắc trách, thiếu trách nhiệm? Hay khi vai trò giám sát, kiểm tra của những cơ quan, cá nhân được giao trọng trách khó tròn thì rất cần có sự vào cuộc giám sát của cộng đồng, sự góp sức của tai mắt nhân dân?

Người dân chủ động "khám” cầu Chu Va

Với vụ sập cầu treo Chu Va, đã và đang lộ ra nhiều mặt trái. Đành rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn là do một lượng người quá tải so với thiết kế cây cầu. Vậy nhưng chỉ với một cái biển báo tải trọng 1,5T, làm sao đủ nhắc nhở, cảnh báo người dân rằng cây cầu chỉ chịu được sức nặng dưới 1,5 tấn kia? Với bất cứ người tham gia giao thông, ví như đang đi xe chở khoảng 1 tấn, nhìn vào tấm biển báo thì người ta yên tâm mà tiến. Nào ai nghĩ rằng nếu như còn có một chiếc xe khác đang nối đuôi phía sau mình? Chắc chắc hậu quả sẽ phải xảy ra. Hậu quả sẽ không xảy ra chỉ khi người ta phải đặt ba-ri-e canh hai đầu cầu, đếm người, đếm xe, cho đủ lượng đi qua mà thôi. Và đành rằng một cây cầu rất có thể sập do quá tải, nhưng khi thiết kế, cũng rất cần những sự cảnh báo, để tránh gây hậu quả lớn Liệu có ai đã nghĩ đến việc phải làm như trên, hay biết mà vẫn tặc lưỡi cho qua?

Mặt...đen- nguyên nhân trực tiếp để sập cầu đã được cơ quan chức năng xem xét - đó là do đứt ốc neo tăng đơ tại đầu neo cáp đầu cầu hướng bản Chu Va 8. Ốc neo cáp không đảm bảo chất lượng dẫn đến đứt gãy. Theo các chuyên gia, việc neo cáp này phải được thực hiện với một chu trình nghiêm ngặt, chất liệu, vật liệu phải đảm bảo chất lượng. Nếu dùng loại ốc neo thì phải là loại sắt đặc biệt, không thể là loại sắt thường, đặc biệt không thổi lỗ, hàn để rồi sắt biến thành gang dễ giòn, dễ gãy như đã làm. Liệu khi thiết kế, thực hiện, những người thi công có biết rồi hậu quả sẽ xảy ra? Hay họ có biết, nhưng vẫn cứ làm?

Sự thiếu hiểu biết, yếu kém trình độ, vô tình gây sai phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đã là đáng trách. Điều càng đáng lên án, phải xử lý nghiêm khi người ta biết những việc làm sẽ gây hậu quả, liên đới gây hậu quả nhưng vẫn làm. Ngay khi cây cầu đứt gãy, nhiều người đã nghĩ đến thiết kế, chất lượng công trình. Vấn đề yêu cầu chất lượng công trình luôn luôn phải là số một. Khi đi trên những chiếc cầu treo kia, tính mạng con người cũng đang bị treo. Người ta có thể ăn bớt, làm ảnh hưởng chất lượng ở những lĩnh vực nào đó, công trình nào đó, chứ không thể bớt xén, để ảnh hưởng chất lượng vào các công trình kiểu như những cầu treo kia. Làm thế, chẳng khác gì đã đồng phạm gây tội giết người.

Vậy nhưng, chuyện vẫn cứ xảy ra, khi người dân phát hiện mố trụ cầu treo Chu Va 6 để neo các neo này được xây bằng gạch rỗng, trong khi yêu cầu thiết kế kỹ thuật là phải đúc bằng xi măng cốt thép. Cơ quan chức năng rồi sẽ phải kiểm tra, làm rõ. Nếu như việc xây gạch không chỉ để trang trí vỏ ngoài ở mức cho phép thì rõ ràng đây là điều không thể chấp nhận được. Dù đây chưa phải là nguyên nhân gây ra việc sập cầu vừa qua, nhưng nó sẽ là nguyên nhân để rồi cầu sẽ sập, nếu như không vì những cái ốc neo kia.

Tình trạng ăn gian, làm dối, bớt xén vật liệu, gặm cả sắt thép, xi măng đã là một căn bệnh lâu nay. Chuyện những con đường quốc lộ bị sụt lún do ăn bớt quy trình hạ tầng, gia cố móng, thay cọc bê tông bằng sắt bằng cọc tre đã có không ít. Chuyện đập thủy điện vỡ cũng do thay bê tông, sắt thép bằng đá cụ, đất đồi. Nay lại đến những cây cầu treo, những cái trụ, cái ốc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người cũng bị làm giả. Với hàng trăm cây cầu đã đang treo tính mạng người dân kia, không biết thực hư sẽ ra sao? Xung quanh vụ việc, người ta lại trăn trở đến việc kiểm tra, giám sát các công trình, dự án. Đành rằng đã có cả các cơ quan liên quan, cơ quan giám sát, nghiệm thu, nhưng trước những gì thực tế đã xảy ra, người dân đã mất đi niềm tin. Ngay cả khi vụ sập cầu treo xảy ra, Chính phủ, ngành giao thông, các địa phương đã yêu cầu kiểm tra, rà soát các cây cầu, nhưng lòng dân cũng vẫn chưa thật tin, chưa thật yên tâm.

Để có được những công trình có chất lượng, giảm bớt chuyện ăn gian, làm dối yêu cầu giám sát chặt chẽ phải là số một. Sự giám sát phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có trách nhiệm và người dân. Trong dân ít người có thể biết được cái ốc neo kia như thế nào để đảm bảo chất lượng, nhưng nhiều người biết việc xây trụ cầu bằng gạch rỗng là không thể được. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo trì, bảo hành phải được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt xử nghiêm, bồi hoàn khi có hậu quả xảy ra.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=77445&menu=1451&style=1