An Giang: Nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm

Theo dự báo, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở tỉnh An Giang đang dao động ở cấp nguy hiểm. Để ứng phó với thực trạng trên, tỉnh An Giang đang quyết liệt thực hiện ứng trực 100% lực lượng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng để kịp thời xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị thiệt hại khi xảy ra cháy.

Những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy rừng ở An Giang hầu như đều đến từ hai phía tác động, đó là yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người.

Về yếu tố tự nhiên, tỉnh An Giang đang chịu ảnh hưởng khô hạn do tác động của hiện tượng El Nino gây ra. Trong khi đó, do mục đích phát triển kinh tế, rừng trồng ở An Giang thường là các loại bạch đàn, keo, tràm, tre, trúc là những loại cây rất dễ bắt lửa.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cháy tự nhiên còn bắt nguồn từ cành lá khô, thân cây chết khô, tầng thảm mục dày, các vật liệu cháy (nhỏ, dễ bắt lửa); nhiệt độ quá cao rút ngắn quá trình khô của vật liệu cháy, làm nóng và khô nhanh mặt đất kéo theo lớp không khí sát mặt đất nóng lên bằng các phương thức truyền nhiệt khác nhau, kết hợp với gió làm cho ngọn lửa bùng phát và lan nhanh.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy rừng tại An Giang hầu như đều đến từ hai phía tác động, do yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người - Ảnh: V.V

Về hoạt động của con người, các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội được coi là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ cháy rừng tại tỉnh An Giang.

Cháy rừng do con người gây ra thường do nhận thức, ý thức và sự bất cẩn. Tại một số khu vực vùng Bảy Núi, nơi đồng bào có dân trí thấp, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt thực bì để nhặt kim loại, đốt cỏ khô, rơm rạ, chai lọ gần rừng; đốt lửa hun khói để lấy mật ong bất cẩn làm lửa cháy lan không kiểm soát được.

Vào lúc 10 giờ ngày 26.4, ngọn lửa bùng phát tại địa bàn núi Tô (thuộc khu vực ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Đám cháy lan nhanh do tình trạng khô hanh, gió to khiến việc chữa cháy khó khăn.

Đến chiều cùng ngày do địa hình núi phức tạp, lửa lớn, đá nổ và không loại trừ bom đạn còn sót lại bị kích nổ nên các ngành tham gia chữa cháy thống nhất rút quân để đảm bảo an toàn cho lực lượng.

Vụ cháy rừng tại địa bàn núi Tô (thuộc khu vực ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vào ngày 26.4 - Ảnh: V.V

Hàng trăm người và phương tiện lên núi Tô dập lửa - Ảnh: V.V

Theo lãnh đạo UBND xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nguyên nhân vụ cháy nghi vấn do người dân lên rừng hun khói để lấy mật ong. Núi Tô đa phần là cây tạp, nhiều thực bì, địa hình hiểm trở, khi cháy tìm nguồn nước chữa cũng gặp khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé Tám, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết khi xảy ra vụ cháy, lực lượng quân sự địa phương cùng ngành chức năng đã cử hàng trăm người, nhiều phương tiện chở nước (xe tải, xe máy) và 3 máy bơm nước lên núi Tô để dập lửa.

Quyết liệt phòng cháy rừng

Trước những diễn biến phức tạp và hậu quả to lớn do các đám cháy rừng gây ra, UBND tỉnh An Giang đang quyết liệt thực hiện ứng trực 100% lực lượng bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng, kịp thời xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị thiệt hại khi xảy ra cháy.

“Rừng là lá phổi xanh của tỉnh. Chính vì thế, trách nhiệm bảo vệ rừng không thể chỉ dừng lại ở cơ quan chức năng mà còn cần cả sự chung tay của tất cả chúng ta. Do đó, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là trước nguy cơ cháy trong mùa hanh khô như hiện nay”, một đại diện cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra việc phòng chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao - Ảnh: Tô Văn

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, vào mùa khô vùng Bảy Núi thiếu nước nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng

“Đơn vị chúng tôi luôn tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong tuần tra, kiểm tra việc phòng chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên duy trì công tác tuần tra, trực gác, luôn cảnh giác ở mức cao.

Trong đó, lực lượng hợp đồng phòng cháy chữa cháy được bố trí từng khu vực, có trách nhiệm tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng hằng ngày dưới sự theo dõi, giám sát của trạm quản lý rừng.

Riêng các trạm quản lý rừng xây dựng lịch tuần tra, kiểm tra, bố trí viên chức phụ trách tuần tra, trực gác theo từng khu vực cụ thể. Vào cao điểm mùa khô, Ban quản lý thực hiện ứng trực 100% lực lượng nhằm đảm bảo cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Nhân cho hay.

Một cán bộ đang phun nước tưới thảm thực bì - Ảnh: Tô Văn

Ông Nhân cho biết thêm, đơn vị thường xuyên theo dõi cập nhật, dự báo, thông báo cấp cháy rừng từ Chi cục Kiểm lâm để có sự chủ động ứng phó; phối hợp với báo chí, tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn.

“Đến thời điểm này, đơn vị đã treo 50 băng rôn tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm, các khu dân cư có đông người qua lại; treo 300 bảng cấm lửa tại khu vực có nguy cơ cháy cao. Hiện nay, công tác tuần tra, kiểm soát rừng ở các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh đang được các trạm bảo vệ rừng và các tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng triển khai rất quyết liệt, tăng cường quân số trực 100%.”, ông nói.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng lửa để đốt thực bì trong những ngày có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Khi sử dụng lửa trong rừng cần có sự giám sát liên tục, đảm bảo lửa không cháy lan sang các khu vực xung quanh.

Người dân cũng cần được tập huấn cách sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy rừng thường xuyên.

Ngoài ra, các địa phương cũng có thể triển khai phương án như giao đất, giao rừng, khuyến lâm cho các hộ gia đình, các đơn vị cộng đồng để tăng cường khả năng bảo vệ rừng.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/an-giang-nguy-co-chay-rung-o-cap-nguy-hiem-216667.html