Án kinh tế: Hệ lụy của việc né tranh tụng

Nếu cần phải thanh minh, lấy lại danh dự và để bảo vệ quyền lợi tài sản hợp pháp thì ra tòa là giải pháp có giá trị pháp lý cao nhất nhưng nhiều cá nhân và tổ chức (kể cả cơ quan công quyền) ngại không dám sử dụng công cụ tòa án.

Quan niệm “vô phúc đáo tụng đình”

Người Việt Nam từ xưa đến nay thường có tâm lý ngại ra tòa, nên đã có câu “vô phúc mới phải đáo tụng đình”. Với tâm lý đó, kẻ gian hay kẻ có tội sợ pháp luật đã đành mà người ngay... cũng sợ.

Nếu cần phải thanh minh, lấy lại danh dự uy tín và để bảo vệ quyền lợi tài sản hợp pháp thì ra Tòa là giải pháp tốt nhất, có giá trị pháp lý cao nhất, nhưng vì tâm lý “ vô phúc” nên nhiều cá nhân và tổ chức (kể cả cơ quan công quyền) ngại không dám sử dụng công cụ tòa án.

Hệ lụy của việc không thật sự tranh tụng

Trong sự phát triển ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế, các mối quan hệ ngày càng đan xen, phức tạp việc phát sinh tranh chấp là không thể tránh khỏi. Sự việc có thể bị hiểu sai, bóp méo..., nhất là qua lăng kính truyền thông và mạng xã hội khi chỉ có tranh cãi qua lại giữa các bên mà không có sự phán quyết chính thức của Tòa án như vụ Công ty TNHH Gia Hân đang tố cáo vợ chồng ca sĩ Thu Minh không thanh toán nợ hiện nay.

Quan sát các vụ án gần đây, mà điển hình là các vụ đại án hình sự có liên quan hoặc cần có đại diện của cơ quan chính quyền (với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) để làm rõ hành vi tội phạm của các bị cáo, thì các cơ quan này thường ủy quyền cử các cán bộ chuyên môn (thường cấp thấp, ít hoặc không liên quan) tham dự, khiến cho họ không có đủ thẩm quyền hoặc không dám có ý kiến trước Tòa.

Câu nói mà công chúng thường được nghe là: Tôi không được ủy quyền trả lời câu hỏi này hoặc tôi sẽ xin ý kiến rồi trả lời bằng văn bản... Trong khi các luật sư của các bị cáo thì ngược lại, họ rất chủ động đặt nhiều câu hỏi, tìm và đối chiếu nhiều bộ luật liên quan, ngoài ra còn tận dụng thủ thuật trong tranh tụng để tìm mọi cách giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất cho thân chủ của mình.

Trong phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) ngày 8.8.2016, bà Nguyễn Thị Hòa-Phó Chánh Cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), là người đại diện NHNN tại tòa trước hàng loạt các câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Trung đã liên tục nói “xin phép không trả lời, xin trả lời sau, nguyên Chánh thanh tra NHNN sẽ trả lời (dù vị này không có mặt tại phiên tòa)...

Sự trả lời của đại diện các cơ quan tổ chức như trên đã làm cho công việc xét hỏi tại tòa bị giảm hiệu quả, khó đấu tranh với tội phạm đang tìm cách trốn tội mà còn nguy hại ở chỗ khiến cho người tham dự phiên tòa và dư luận suy đoán rằng có điều gì đó còn ẩn giấu bên trong nên mới trả lời theo kiểu “nói mà không có nói”. Ngoài ra, còn tạo cho mạng xã hội bàn tán. Nếu ý kiến bình luận theo chiều hướng xấu thì còn dẫn đến nguy cơ hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực.

Người đại diện khi tham dự phiên tòa có tư cách là”người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Nếu trong phiên tòa trả lời tránh né, loanh quanh vô tình đã biến cơ quan mình thành “người có liên quan dính đến trách nhiệm vụ án” trong dư luận.

Cần phải thấy rằng trách nhiệm của “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” là giúp Tòa xét xử vụ án một cách công minh, đúng người đúng tội, làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức mình. Nếu bị hiểu sai cần chứng minh cho được cơ quan hay tổ chức của mình đúng. Đây là cách tốt nhất để chứng minh và có tính pháp lý cao nhất. Nên coi phiên Tòa là một cơ hội để dư luận hiểu đúng về tổ chức mình và dập tắt dư luận xấu.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/an-kinh-te-he-luy-cua-viec-ne-tranh-tung-583488.bld