'Án mạng lầu 4' - phim Việt mang phong cách lạ

Ra rạp từ ngày 16-5, 'Án mạng lầu 4' của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn là phim Việt Nam có 'hương vị' mới lạ khi hướng đến dòng phim arthouse (nghệ thuật) khá kén người xem, đòi hỏi khán giả có sự kiên nhẫn và chiêm nghiệm.

“Án mạng lầu 4” là phiên bản Việt hóa được làm lại (remake) từ bộ phim “Melbourne” (2014) của Iran. Phim có cách khai thác đề tài tâm lý giật gân khác biệt với thị trường điện ảnh Việt. Ngoài ca sĩ Lương Bích Hữu, phim còn có sự tham gia của rapper Blacka, Quế Minh Hân, Ngân Quỳnh, Kiều Trinh, Tuyền Mập, NSƯT Phi Điểu.

Ngay ở tựa phim đã nói rõ về một vụ án mạng. Nhưng lạ thay, phim không có cảnh máu me, sự xung đột cũng vừa phải, lại có thời lượng hầu như chỉ quay nội cảnh ở một căn hộ chung cư. Vậy mà “Án mạng lầu 4” đủ khiến cho người xem chăm chú theo dõi với sự tò mò tăng dần mà cho đến cuối phim dường như vẫn không có đáp án cụ thể. Có lẽ quan trọng hơn là chuyện phim giả tưởng này khơi gợi cho khán giả suy nghĩ về điều gì mỗi khi lâm vào tình huống bất ngờ, mang tính thử thách đạo đức bản thân.

“Án mạng lầu 4” mang “hương vị” lạ tại rạp chiếu tháng 5-2024

“Án mạng lầu 4” mang “hương vị” lạ tại rạp chiếu tháng 5-2024

Ai là thủ phạm?

Phim bắt đầu bằng hình ảnh một anh công an khu vực (Lê Công Hoàng đóng) điển trai, hiền lành đi đến từng nhà trong khu chung cư để giúp đỡ mọi người thực hiện định danh điện tử VNeID bước 2. Anh gặp vợ chồng Thắng (Trương Thế Vinh) và Đình Đình (Lương Bích Hữu) đang bận rộn dọn khỏi căn hộ thuê để ra nước ngoài làm việc. Bấy giờ vợ chồng Thắng - Đình nhận trông giúp một trẻ sơ sinh gửi từ người hàng xóm và đặt bé nằm trong phòng ngủ. Không lâu sau, họ bàng hoàng phát hiện đứa bé đã ngừng thở từ lúc nào. Ai là thủ phạm? Vấn đề phải giải quyết ra sao khi họ sắp ra sân bay?

Sau đoạn diễn biến hơi chậm trước khi bi kịch xảy ra, từ đây kịch tính phim tăng lên. Thắng và Đình trải qua những thời khắc hồi hộp, nghẹt thở trước tình huống nghiệt ngã bất ngờ. Họ phải che giấu sự thật với hàng xóm, với những ai ghé qua căn hộ, từ người thân cho đến nhóm người thanh lý đồ cũ, từ cha ruột đứa bé đến đòi lại con cho đến bà hàng xóm tốt bụng hay biếu thức ăn. Đồng thời họ cũng tìm hiểu vì sao đứa bé lại thiệt mạng? Ai là thủ phạm đẩy họ vào tình thế này và với ý đồ gì? Không hiếm cảnh Thắng và Đình cãi vã, xung đột, chủ yếu do họ bối rối và giằng xé. Nội tâm của từng người được bộc lộ, diễn biến tâm lý nhân vật được đào sâu với bao cảm giác đan xen, từ lo lắng, sợ hãi, đến xót xa và cảm động (lúc Đình ôm thân thể đứa trẻ ra ban công hát ru). Tiết tấu phim khiến người xem bị cuốn theo dù sử dụng rất ít thủ pháp jump scare (hù dọa đột ngột) theo kiểu thể loại phim kinh dị hay dùng.

Trao đổi với An ninh Thủ đô Cuối tuần, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết anh tâm huyết với việc “khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội” thông qua bộ phim “Án mạng lầu 4”. Đạo diễn chia sẻ: “Người vợ trong “Án mạng lầu 4” không để cho ông chồng dẫn dắt mà ngược lại còn trở thành người cứu vớt chồng ra khỏi vũng lầy tâm trí bằng sự vị tha, nhân hậu và tình yêu”.

Câu hỏi về đạo đức

Đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Hữu Tuấn ra mắt phim điện ảnh đầu tay “Dành cho tháng Sáu” (2012 - đoạt Giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam 2013) và phim thứ hai là “Mặt trời, con ở đâu?” công chiếu tháng 12-2018

Đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Hữu Tuấn ra mắt phim điện ảnh đầu tay “Dành cho tháng Sáu” (2012 - đoạt Giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam 2013) và phim thứ hai là “Mặt trời, con ở đâu?” công chiếu tháng 12-2018

Về mặt thời gian, câu chuyện phim chỉ diễn ra chưa trọn 1 ngày, song tạo được không khí hồi hộp, thu hút nhất định. Sau những dấu hỏi lớn “ai là thủ phạm”, “vì sao đứa bé chết” mà người xem bán tín bán nghi thì đoạn cuối phim còn là loạt vấn đề xoay quanh 2 nhân vật chính: Liệu có phải Thắng hoặc Đình mới chính là thủ phạm vô tình khiến đứa bé qua đời? Họ có che giấu trót lọt vụ việc động trời hay đổi ý để tiết lộ? Liệu họ có ra đi và không bị phát hiện?

Bộ phim tuy có kết thúc mở song để lại nhiều dư âm và thông điệp. Đó là sự cảnh báo hút thuốc lá có hại cho bản thân lẫn những người xung quanh. Đó là lòng tốt cần đi đôi với sự hiểu biết. Đơn cử như Đình (đang mang thai) nhận trông em bé cho người khác nhưng lại thiếu kiến thức chăm sóc trẻ cơ bản. Đó là khi đối diện với những sự cố bất ngờ, chúng ta sẽ giải quyết cách nào để không hổ thẹn và tội lỗi. Rõ ràng “Án mạng lầu 4” chỉ là cái cớ cho đạo diễn tạo cho khán giả trải nghiệm cuộc sống, soi chiếu tâm lý sâu khuất trong mỗi con người và cách xử lý tình huống trước hoàn cảnh oái oăm. Khi đó, các mối quan hệ thường ngày sẽ bộc lộ bản chất thật sự và giá trị con người cũng được thể hiện. Như hình ảnh nhân vật Thắng (người chồng) vừa vô tư, vừa trốn bỏ và ích kỷ.

“Án mạng lầu 4” có nhiều góc quay tốt dù bị cố định trong căn hộ chung cư chật hẹp và phong cách tối giản. Trong đó có góc máy cao từ trên bàn thờ hướng xuống các nhân vật như hàm ý mọi chuyện diễn ra dù người có giấu đi thì cũng luôn có “Trời biết, Phật biết” và bạn phải chịu trách nhiệm, thậm chí đấu tranh tư tưởng với chính mình.

“Án mạng lầu 4” khai thác về sự phức tạp trong tâm lý con người khi đối diện với biến cố bất ngờ, đồng thời đặt ra dấu hỏi lớn về lằn ranh đạo đức, nỗi ám ảnh về nhân sinh, sự lựa chọn khó khăn… Đây là một chủ đề không thường thấy trong phim Việt, có lẽ vì có độ khó và thử thách nhất định về kịch bản lẫn người làm bộ phim. Với “Án mạng lầu 4”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn và nhà sản xuất cho biết đã “làm phim trong một mức độ kinh phí an toàn”. Nếu có những tình tiết giật gân, táo bạo và cái kết ám ảnh hơn, bộ phim của Nguyễn Hữu Tuấn có thể gây ấn tượng hơn. Dù chưa thật sự thành công hoàn toàn trong khâu giải quyết tận cùng cho một ý tưởng hay, song đây vẫn là một phim Việt đáng khích lệ, góp phần tạo sự phong phú cho điện ảnh Việt nói chung. Nỗ lực hoàn thành bộ phim và đưa ra công chúng của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn và thuyết phục hơn nữa trong tương lai.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/an-mang-lau-4-phim-viet-mang-phong-cach-la-post576776.antd