'Ân nhân' của những bệnh nhân nghèo

"Bác sĩ Thanh đấy à, mời bác vào đây uống với em chén nước!". "Ồ, em chào bác sĩ Thanh, bác có nhận ra em không? Bác dạo này vẫn khỏe chứ ạ?"... Từ lâu, mỗi khi ra ngoài, hầu như đến khu dân cư nào của TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Đại tá, Ths Lê Văn Thanh, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) cũng đều được bà con nhận ra và dành cho anh những tình cảm chân tình, nồng hậu.

Ước mơ chữa bệnh cứu người của con trai liệt sĩ

Tôi đến Bệnh viện Quân y 4 vào một ngày đầu hè. Hỏi thăm phòng làm việc của bác sĩ Lê Văn Thanh, tôi được một cán bộ trong khoa nhiệt tình chỉ về phía khu nhà bên kia cầu thang, sau đó còn dặn với theo: "Anh muốn gặp Chủ nhiệm có việc gì thì nói nhanh, kẻo thăm khám bệnh nhân xong là anh Thanh lại có cuộc họp giao ban bệnh viện đấy". Tôi đi qua dãy cầu thang, sang khu khám bệnh. Đến một căn phòng có cửa mở, bên ngoài, mấy người nhà bệnh nhân đang ghé qua cửa sổ đứng xem, tôi đoán chắc bác sĩ Thanh đang ở đó. Không muốn làm phiền lúc anh làm việc, tôi cũng đứng nép sau người nhà bệnh nhân, ghé vào. Trong phòng, một bác sĩ trạc ngoại ngũ tuần đang chăm chú kiểm tra mạch đập của bệnh nhân, rồi ân cần hỏi han, dặn dò. Trước khi ra về, bác sĩ còn đùa vui động viên, khiến bệnh nhân đang lo lắng bỗng cười hồn nhiên, đưa tay ra bắt thật chặt.

Bác sĩ Thanh thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại khoa.

Nhìn chiếc biển tên đeo ở ngực, tôi biết đó chính là bác sĩ Thanh, người mình cần gặp. Đi theo anh dọc hành lang, đến đâu cũng thấy những lời chào của bệnh nhân và người nhà. Anh đưa tôi vào phòng giao ban, nơi xếp đầy những hồ sơ bệnh án, giấy tờ rồi chỉ vào một chiếc ghế, mời tôi ngồi: "Phòng làm việc riêng của mình chật chội lắm, không có chỗ để cho khách ngồi. Bệnh viện đang xây dựng mới, phải dồn dịch nên bừa bộn, thông cảm nhé"...

Từ nhỏ, anh Thanh đã chỉ ở với mẹ, vì bố hy sinh khi anh còn chưa được nhìn mặt. Quê anh nghèo lắm. Lớn lên, thấy bà con xung quanh nghèo quá, ốm đau không có tiền đến bệnh viện, không đủ tiền mua thuốc Tây để uống, cậu bé Thanh nuôi quyết tâm phải học nghề thuốc để chữa bệnh cứu người, nhất là người nghèo. Để ước mơ ấy thành hiện thực, cậu bé Thanh nỗ lực học tập, sau đó thi đỗ vào Khoa Bác sĩ Đa khoa của Học viện Quân y. Tranh thủ những dịp nghỉ hè, mỗi lần về quê, cậu sinh viên y khoa lại đến thăm những người thân, thấy ai ốm đau, bệnh tật thì dùng kiến thức y khoa mình học được để chữa trị, chăm sóc. Biết bà con còn nghèo nên anh chủ yếu dùng các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu kết hợp với sử dụng các bài thuốc dân gian sẵn có từ vườn nhà. Thấy các bài thuốc hiệu quả, chữa được bệnh cho nhiều người, anh Thanh càng say mê nghiên cứu các bài thuốc Đông y, và có lẽ niềm đam mê của anh với y học cổ truyền cũng bắt nguồn từ đó.

Say mê với y học cổ truyền

Tốt nghiệp Học viện Quân y loại giỏi, năm 1986, bác sĩ trẻ Lê Văn Thanh được phân công về công tác tại Lữ đoàn 16 (Quân khu 4). Năm 1987, trong một hội nghị tuyến quân y của quân khu, nghe lời kêu gọi của Cục Quân y, anh Thanh xung phong đi học chuyên khoa Đông y trước sự ngạc nhiên của cả chỉ huy lẫn đồng nghiệp. Anh chính là bác sĩ chuyên khoa Đông y khóa đầu tiên do ngành quân y đào tạo. Ra trường sau một năm học chuyên khoa với tấm bằng loại giỏi, anh Thanh được về công tác tại Bệnh viện Quân y 4 và gắn bó suốt từ đó đến nay.

Khi anh Thanh mới về công tác tại bệnh viện, Khoa Y học cổ truyền chỉ có một cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng lại vừa nghỉ hưu. Hầu hết cán bộ, nhân viên đều là "tay ngang" chuyển sang hoặc chỉ biết "võ vẽ" về Đông y. Lượng bệnh nhân đến khám rất thưa thớt. Sau khi nghiên cứu kỹ chỉ thị của Quân ủy Trung ương về phát triển y học cổ truyền theo mô hình "3 bộ phận", anh Thanh đã mạnh dạn tham mưu cho cấp trên thực hiện công thức: Khám bệnh, cấp thuốc ngoại trú kết hợp điều trị nội trú và cung ứng, thu hái dược liệu. Đồng thời, anh đề nghị bệnh viện tiếp tục mở rộng thêm các lĩnh vực phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, thực hiện kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, anh Thanh tiếp tục xin đi học cao học tại Học viện Y học cổ truyền. Sau 3 năm miệt mài học tập, anh tiếp tục trở lại bệnh viện công tác, được quy hoạch, bổ nhiệm, trở thành cán bộ khoa trẻ nhất trong đội ngũ chỉ huy lúc đó. Là lãnh đạo khoa trẻ, anh Thanh càng nỗ lực hơn, luôn đi đầu, gương mẫu trong công việc. Cùng với khám, điều trị, anh tích cực nghiên cứu khoa học, gia giảm những bài thuốc mới. Mô hình "kếp hợp y học cổ truyền với y học hiện đại" trong khám, điều trị bệnh của anh Thanh khiến lượng bệnh nhân đến với khoa ngày một đông hơn. Để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, anh Thanh đề nghị Ban giám đốc bệnh viện cho phép tổ chức đào tạo, chuyển đổi một số điều dưỡng, bác sĩ mới về khoa; xin cơ chế tự tuyển dụng bác sĩ hợp đồng theo hình thức khoa tự trả lương; tận dụng các vị trí rộng, chưa sử dụng hết để kê thêm giường bệnh. Bên cạnh đó, anh Thanh còn chủ động phối hợp với Khoa Dược đẩy mạnh hoạt động quản lý, bào chế thuốc.

Theo biên chế, khoa chỉ có 20 giường bệnh, nhưng từ năm 2009, con số này đã tăng gấp đôi. Đến nay, số bệnh nhân đến với khoa trung bình tăng lên gấp 5 lần. Có những lúc bệnh nhân đông quá, Chủ nhiệm khoa Lê Văn Thanh phải nhường phòng làm việc cho bệnh nhân nằm điều trị. Phòng của các cán bộ, nhân viên cũng được thu hẹp lại. Khẩu hiệu mà anh Thanh đề ra cho toàn khoa phấn đấu thực hiện là: "Người bệnh lúc nào cũng đúng", "Hết việc chứ không hết giờ", tất cả hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thực hiện đúng phương châm mà Đảng ủy bệnh viện đề ra: "Đến đón tiếp niềm nở, ở phục vụ tận tình, ra về dặn dò chu đáo".

Tranh thủ lúc trò chuyện, anh Thanh kể cho tôi nghe các đề tài, sáng chế mà anh dày công nghiên cứu. Trong đó có một số bài thuốc mà anh đã cải tiến, bào chế lại như: "Tăng áp thang gia giảm" điều trị chứng thấp huyết áp; "Hoàn ngũ thang gia giảm" điều trị chứng tai biến mạch máu não... Theo anh giới thiệu, đây là những bài thuốc đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng lại hết sức hiệu quả. Như để dẫn chứng cho tính hiệu quả ấy, anh Thanh kể cho tôi nghe về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hằng, 27 tuổi, quê tại Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An. Trước khi tới Bệnh viện Quân y 4, cô đã đi khám bệnh, chụp chiếu ở nhiều cơ sở Tây y đều được kết luận là bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi trái cộng với thai nhi tuần thứ 5 dọa sảy. Bệnh nhân có tiền sử nhiều lần mang thai nhưng bị hỏng, nên lần này khi có thai, cô đi khám nhiều cơ sở y tế hàng đầu của cả nước nhưng không yên tâm điều trị. Được người mách, một buổi tối muộn, bệnh nhân gọi điện cho bác sĩ Thanh "cầu cứu". Sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ Thanh đã quyết định điều trị kết hợp phương pháp "cứu cộng ô châm" và bài thuốc an thai của y học cổ truyền. Kết quả, sau 3 tuần, bệnh nhân đã khỏi hẳn, sức khỏe ổn định. Lúc ra viện, bệnh nhân và người nhà vây quanh vị bác sĩ trưởng khoa, coi anh Thanh là ân nhân của cả gia đình.

Câu chuyện còn đang dở thì Đại tá, Ths Lê Văn Thanh nhìn đồng hồ rồi xin phép tạm dừng để đi họp. Một bác sĩ trẻ ngồi cùng phòng quay sang nói với tôi: "Các trường hợp như chị Hằng kể trên thì nhiều lắm, anh mà ngồi nghe anh Thanh kể thì cả ngày cũng không hết đâu". Nói rồi, người bác sĩ trẻ ấy đưa cho tôi xem bản thành tích cá nhân của Chủ nhiệm khoa Lê Văn Thanh. Trên đó ghi một loạt danh hiệu, thành tích. Nổi bật là danh hiệu Chiến sĩ thi đua nhiều năm liên tục từ 2011 đến 2016. Ngoài ra, anh còn được 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, vừa qua, Đại tá, Ths Lê Văn Thanh đã được Nhà nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Khoa Y học cổ truyền do anh phụ trách hai năm liền gần đây đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng cấp quân khu.

Những thành tích ấy phần nào khẳng định sự cống hiến không biết mệt mỏi của bác sĩ Lê Văn Thanh. Nhưng qua trò chuyện, tôi biết, hạnh phúc lớn nhất của những người thầy thuốc chính là sự tin yêu của bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-8-2016-2017/an-nhan-cua-nhung-benh-nhan-ngheo-510343