Ăn rong, ăn tạp hay chuyện cái lưỡi bảo thủ?

Đọc các bài viết về văn học trên Công Luận Online:

>> Nguyễn Quang Sáng: Rượu, thuốc độc và nước thánh

>> Đỗ Hồng Ngọc: Thơ và thuốc

>> Vũ Hữu Định: Còn một chút gì để nhớ

>> Xé hủy tác phẩm Nhật ký Anna Frank: Phần biệt chủng tộc đang trở lại

>> Nguyễn Trí: Quán quân hay vương niệm nguyệt quế cho giải thưởng văn học Việt 2013

>> Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tuyển thơ “The Deluge - New Vietnamese Poetry”

>> Phan Vũ Linh: Văn học và Hình sự

>>Phùng Hiệu: Trong ánh đèn lừa dối

>> Lê Minh Quốc: giới thiệu thơ Phùng Hiệu

>>Đinh Lê Vũ: Một mình, mất ngủ và mất tích

>> Tuyển chọn Thơ Tình hay nhất mùa Valentine

>> Tranh luận nảy lửa về thơ của người đã chết

...

(Congluan.vn) Nhà báo Ngữ Yên vừa tiếp thị tác phẩm mới của mình "Người Ăn Rong" với độc giả. Buổi ra mắt cùng bạn đọc nhiều trao đổi xung quanh văn hóa ẩm thực mâu thuẫn, trái chiều và thú vị. Thậm chí có người phân vân ăn "rong", ăn "tinh tế" hay ăn "tạp"? Và chiếc lưỡi bảo thủ...

Đại diện nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ tặng hoa cho

tác giả Ngữ Yên buổi ra mắt tác phẩm (Ảnh: Đông Dương)

Thực ra, "Người ăn rong" ra mắt lần này là tập 2. Tập 1 được xuất bản cách đây mấy năm nhưng vẫn chưa nhiều người biết đến cây bút ẩm thực Ngữ Yên. Ví như người viết bài này. Bởi lẽ, viết về ẩm thực khó. Ngữ (ngôn) chưa xuất mà đã cầu mong yên (nhàn) tấm thân thì thật khó mà gây cảm xúc hay sóng gió cho đọc giả được. Lẽ nữa, phàm về cái nghề viết thì thật khó yên ổn cho dù bất cứ đề tài nào. Chữ nghĩa sóng gió ba đào, có ma quỷ. Dựng bia mộ hay biên giới trong lòng người. Một món ăn muốn ngon phải là cái vẩy bút mưa gió như Vũ Bằng "Món ngon Hà Nôi" hay Thạch Lam "Hà Nội băm sáu phố phường" mới mong biến cái ngón ăn co bóp "tục tử" trong dạ dày thành "thanh cao" vương hưởng trong tâm hồn.

Một góc khán phòng của buổi giới thiệu "Người ăn rong"

Cảm quan của người viết, "ăn rong" không nói được sự sành ăn mà chỉ chứng tỏ rằng một người thích ăn uống, ăn nhiều thậm chí có vẻ "tạp" trong khi ăn. Nhan đề cuốn sách cho thấy sự "nhiều", sự "đa" chứ không phải sự "đắt". Còn tác giả đã khiêm tốn hơn khi viết một câu slogan trên pa-nô, đại ý, ẩm thực theo khẩu vị của một đứa con miền Trung sống giữa sự bao dung của Sài Gòn. .

Nhà báo Ngữ Yên

Dẫn chương trình là TS Khảo cổ học kiêm nhà văn Nguyễn Thị Hậu. Như giới thiệu thì chị là người cũng hay đi "ăn rong" cùng tác giả. Câu chuyện đã thú vị hơn khi chị nói "tôi muốn trong buổi giới thiệu tác phẩm này anh Ngữ Yên không né tránh một số câu hỏi thắc mắc của tôi về nói ăn mà tôi đã từng đặt ra cho anh...". Đó là những câu hỏi "hóc búa" có thể mở đầu cuộc tranh luận về ẩm thực, miếng ngon. Tại sao gọi là bánh canh? Tại sao lại là bún? Bánh và bún liệu có phải là một?". Tác giả Ngữ Yên nói đùa: -"Nhiều lần tôi lẩn tránh câu hỏi của chị Hậu vì nó rát và hóc quá! Ví như câu hòi này. Tôi về tra từ điển cổ thì biết các loại mì sợi đúc hay đổ ra từ khuôn thì gọi là bánh cả! Nhưng tại sao vẫn có thứ làm bằng khuôn không gọi bánh mà là bún thì tôi đành chịu! Xin hỏi các bạn đến dự buổi giao lưu hôm nay có ai trả lời được không?...".

Nhà thơ Trần Tiến Dũng phát biểu

Nhà thơ Trần Tiến Dũng, người viết giới thiệu cho cuốn "Người ăn rong" dẫn giải Bánh và Bún theo ông chỉ là một. Vì cả hai đổ ra từ khuôn. Còn tại sao như thế thì có thể do cách phát âm từng vùng miền. Ông đặc biệt lưu ý hàng quán xô bộ hiện nay nhan nhản khắp chốn, khắp nơi ở Sài Gòn nhưng thiếu cá tính. "Tại sao món ăn người Việt nhiều như vậy nhưng không ấn tượng, không đọng lại bằng một chiếc xe hủ tiếu Ba Tàu? Tuổi thơ tôi còn thuộc lòng cả những hình vẽ trên chiếc xe hủ tiếu đó. Việc này có phải lỗi của những người làm truyền thông không? Tại sao không phát huy cá tính Việt trên từng món ăn?".

Một khán giả trao đổi về gu ẩm thực nhìn "người ăn rong"...

Theo người viết bài này thì cách nhìn của nhà thơ Trần Tiến Dũng có sai lệch. Bản sắc đôi khi không cần tuyên truyền. Không cứ phải một chiếc xe hủ tiếu đặc trưng có vẽ những hình thù nghệch ngoạc gì đó của Ba Tiều hay Ba Tàu mà ấn tượng. Đôi khi bản khí còn lặn sâu trong từng món ăn. Ví như ở Sài Gòn bây giờ như một "hợp củng quốc" các khẩu vị quốc tế và vùng miền. Ngay cả những món ăn khoái khẩu ở biên độ hẹp từ địa phương cũng được khai thác triệu để như Don Quảng Ngãi, bánh căn cô Ba Vũng Tàu, bánh xèo Mười Xiềm, mì Quảng, bún bò Huế, cơm gà Phan Rang... thì cũng tạo nghiêng ngả mỗi nhớ quê nhà chật hẹp từ phường phố rộng lớn đấy thôi! Đôi lúc ngôn ngữ cũng chính là "điểm chết" quy tụ vây quanh ấn tượng. Không cứ phải là hình ảnh! Vị giác không phân biệt rành rẽ và củ tỉ như thế! Cứ thèm, chảy nước miếng là vậy! Miếng ngon tưởng chừng bắt đầu chỉ đơn giản như thế!...

Nhà báo Lam Điền: Món ăn mỗi vùng miền khác nhau.

Những thú vị được phát hiện từ khẩu vị...

Cuộc tranh luận càng sôi nổi khi buổi giới thiệu "Người ăn rong" chỉ còn như một cái cớ để đánh thức những miền vị giác. Nhà báo Lam Điền (Tuổi Trẻ) quan tâm đến Bánh và Bún. Anh nhắc đến các món bánh canh và canh bún. Những nét giống và khác nhau. "Ở ngoài Bắc còn có bánh đa, miền Trung có bánh tráng. Tại sao cũng từ gạo xay ra bột, đổ khuôn mà mỗi vùng khác nhau như thế?". Những câu hỏi thú vị xuất phát từ khẩu vị.

Một ý kiến khác độc đáo khác của nghệ sĩ Ưu Đàm là bạn của nhà báo Ngữ Yên vừa từ nước ngoài trở về. Anh cho biết rất tâm đắc với một câu nói nổi tiếng "Khi xa quê cái lưỡi càng trở nên bảo thủ". Anh thường loay hoay với những món ăn quê nhà không đoái hoài gì đến bản sắc hay văn hóa mà từ chính cái lưỡi của mình. Cái lưỡi có những thèm muốn rất riêng. Dù tô phở ở Mỹ có to hơn tô phở quê nhà thì hương vị cũng phải na ná, cũng phải là phở cái lưỡi mới nếm náp được.

Nghệ sĩ Ưu Đàm đang "phân ưu" về cái lưỡi "bản sắc" hay bảo thủ?

Không chỉ người Việt Nam mà bao dân tộc khác trên thế giới cũng thế! Những món ăn ngon với dân tộc này chưa chắc dân tộc khác đã "khoái" nhưng cái lưỡi đã thích thì chắc chắc phải là những món quen thuộc, thân yêu của quê hương.

Buổi giao lưu càng đi vào chiều sâu và đặt ra nhiều vấn đề khi nói về thương hiệu nước mắm, tinh thần hay bản sắc Việt khi bàn về món ăn Việt. "Không có món ăn nào của người Việt lại không nêm nếm từ nước mắm. Tại sao như vậy?". Tác giả Người ăn rong đặt vấn đề. Và thách thức đặt ra là các thương hiệu nước mắm nổi tiếng Việt Nam như Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang... như bị lu mờ hay lép vế trước hiện tượng người tiêu dùng thường chọn nước mắm Chin su bởi cho rằng dễ tìm, tiện dụng, không mặn quá hay hàm độ đạm không quá cao. Nhà báo Ngân Hà cho biết, chị ngỡ ngàng khi tết này về quê miền biển chứng kiến người thân của mình cũng không còn chọn lựa nước mắm Nha Trang để nêm nếm. "Thật buồn khi chính người Nha Trang cũng không còn chọn lựa chính sản phẩm đáng kiêu hãnh của quê hương".

Nhà báo Ngân Hà trao đổi những cảm xúc của mình

về bản sắc hay tinh thần ẩn thực Việt đang bị lãng quên

hay thách thức trước áp lực thị trường

(Ảnh trong bài: Đông Dương)

Thử tìm hiểu gốc gác, nguyên nhân tại sao thì chị được biết phần lớn do thói quen và ảnh hưởng cách quảng cáo, tiêu dùng hàng ngày trên truyền hình, siêu thị. "Chúng ta đang đánh mất chính bản sắc của mình từ lúc nào không biết! Ngay cả những món ăn, nước chấm biểu trưng tâm hồn Việt, tinh túy Việt cũng đang dần dần mai một và bị các công ty nước ngoài thao túng. Đã đến lúc đặt lại câu hỏi tại sao? Tìm cách cứu vãn trước khi quá trễ hay bỏ mặc trước thách thức đang bị nuốt dần, chìm dần?..."

Đó là những câu hỏi không dễ dàng trả lời cũng như sự thành công vượt ra ngoài mong đợi của một buổi giới thiệu sách mới như tác phẩm ẩm thực "Người ăn rong" của nhà báo Ngữ Yên. Rõ ràng, ngôn ngữ đã không yên lặng trước đề tài ẩm thực. Bởi như nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại E -Dốp từng chỉ ra: "Trong cõi đời này đẹp nhất là cái lưỡi nhưng xấu nhất cũng chính là cái lưỡi". Bởi ngoài nêm nếm, nhấm nháp cái lưỡi còn để cất tiếng! Bình yên hay bão tố cũng từ đó...

Sài gòn, tòa soạn báo Công Luận chiều 3 tháng 3. 2014

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/151/47996/An-rong,-an-tap-hay-chuyen-cai-luoi-bao-thu.html