'Ẩn số' châu Á trên bàn cờ của tân Ngoại trưởng Mỹ

Ít kinh nghiệm về châu Á, ông Tilleson có lẽ sẽ bất ngờ trước những gì mình phải đối mặt tại khu vực “nóng” này.

Từ nội chiến đẫm máu Syria, khủng hoảng tại Đông Ukraine cho tới các chương trình hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên và Iran, CEO tập đoàn Exxon Mobil, Rex Tillerson sẽ phải đối mặt với một thế giới phức tạp nếu trở thành người chèo lái con tàu ngoại giao của nước Mỹ.

Việc một doanh nhân ngành dầu khí khá thân thiết với Nga, trở thành Ngoại trưởng Mỹ, theo nhiều nhà quan sát, là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Washington và Moscow sẽ trở nên gần gũi hơn.

CEO Rex Tillerson có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Putin

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và phần còn lại của châu Á, chính sách ngoại giao của Mỹ thay đổi như thế nào dưới thời Tillerson – là một điều còn gây nhiều tranh cãi, do bản thân vị CEO không có nhiều kinh nghiệm về khu vực này.

Hôm Thứ Ba (13/12), sau khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố chọn ông Tillerson trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, Geng Shuang cho biết, Bắc Kinh mong muốn mối quan hệ Trung – Mỹ được tiếp tục mở rộng cho dù tân Ngoại trưởng Mỹ có là ai đi chăng nữa.

Sự lựa chọn của ông Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật tên tuổi trong phe Cộng hòa, bao gồm các cựu Ngoại trưởng Mỹ như James Baker, Condoleezza Rice và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates…

Pang Zongying, giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, Tillerson được chọn làm Ngoại trưởng sẽ khiến chính sách ngoại giao Mỹ ngày càng trở nên “bấp bênh”. Ông Pang cũng tỏ ra phân vân khi nói về ảnh hưởng của mối thân cận giữa Tillerson và Tổng thổng Putin, tới quyết sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á. “Cho dù Tillerson có thân thiết với Putin, điều này không đồng nghĩa với việc quan hệ Nga – Mỹ sẽ ngay lập tức phát triển. Vẫn có nhiều vấn đề nhạy cảm mà hai nước cần phải xem xét kỹ lưỡng,” ngài giáo sư nói.

Chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan (Hong Kong), Zhang Baohui nhận định, hiện chưa rõ chính quyền mới sẽ cư xử như thế nào tại châu Á. “Nhưng [ông Trump] có thể sẽ đi theo hướng tư duy rằng Trung Quốc là một đối thủ của Mỹ,” Zhang cho biết.

Cùng điểm qua những vấn đề nóng tại châu Á có thể sẽ khiến ông Tillerson “đau đầu” một khi ông chính thức trở thành tân Ngoại trưởng của Mỹ.

TRUNG QUỐC

Một trong những điều đầu tiên mà tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt sau khi nhận chức, đó chính là cuộc khủng hoảng được tạo ra bởi chính ngài Tổng thống mới với Trung Quốc, sau khi cuộc điện thoại của ông Trump với người đứng đầu Đài Loan khiến Bắc Kinh “nóng mặt”.

Căng thẳng Mỹ - Trung sau cuộc điện thoại giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn

Lợi ích của Mỹ tại Trung Quốc rất lớn và không dễ đo đếm. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, cũng là nguồn hàng nhập khẩu vào Mỹ lớn nhất. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ.

Dưới thời Obama, Trung Quốc và Mỹ đang cùng hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng, như duy trì sự phát triển của kinh tế thế giới, kiếm soát chương trình hạt nhân Iran, đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu… Cùng lúc đó, hai cường quốc hàng đầu cũng đối chọi với nhau trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là vấn đề hạt nhân và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại khu vực biển Đông…

CHDCND TRIỀU TIÊN

CHDCND Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân trong thập kỳ vừa qua - trong đó, có 4 vụ dưới thời Tổng thống Obama, và 2 vụ chỉ riêng trong năm 2016 – cùng một số các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo khác.

Các động thái của Bình Nhưỡng đã khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt, tuy nhiên, dường như điều này không có nhiều ảnh hưởng đến các quyết định của chính quyền Kim Jong-un.

CHDCND Triều Tiên thường xuyên đưa ra những lời đe dọa đến Hàn Quốc – một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á, cũng như tới chính nước Mỹ. Hiện có khoảng 28.000 lính Mỹ đang hiện diện tại Hàn Quốc như một nỗ lực nhằm bảo vệ an ninh bán đảo này trước khả năng tấn công từ Triều Tiên.

Tập trận chung giữa quân đội Mỹ - Hàn Quốc

Hồi tháng Chín, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng, họ đã thử nghiệm thành công tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Nếu chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này trở thành sự thực, Triều Tiên hoàn toàn có thể xem xét đến khả năng tấn công Mỹ.

IRAN

Tổng thống mới đắc cử Trump đã từng bày tỏ sự không hài lòng với hiệp định được ký kết vào tháng Bảy, 2015 giữa Iran và sáu cường quốc, theo đó, các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran sẽ được dỡ bỏ, đổi lại nước này phải hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Rất nhiều quan chức Đảng Cộng Hòa đã lên tiếng đòi Mỹ rút khỏi hoặc tiến hành thương lượng lại Hiệp định trên. Mặc dù vậy, khả năng điều này xảy ra được đánh giá là không cao.

Thứ nhất, phía Israel đã từng ám chỉ rằng nước này mong muốn Iran thực hiện các thỏa thuận và bị ràng buộc bởi các cơ chế minh bạch trong hiệp định; hơn là, hoàn toàn tự do và đầy đủ khả năng tiếp tục tiến hành cuộc đua sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, nếu Mỹ là bên phá bỏ hiệp định này, gần như chắc chắn, Washington sẽ không nhận được sự đồng thuận từ các đồng minh châu Âu trong vấn đề tái áp dụng các lệnh trừng phạt lên Tehran.

Ngay cả trong trường hợp hiệp định bị dừng lại, Tillerson có thể sẽ rất vất vả khi phải đối mặt với sự ủng hộ của Iran với chính quyền Tổng thống Assad tại Syria, lực lượng Hezbollah tại Lebanon và lực lượng Houthis tại Yemen.

IRAQ

Chờ đợi ông Tillerson tại Iraq là một đất nước đang “vật lộn” trong các cuộc phân chia tôn giáo và sắc tộc, cùng hơn 6.000 binh lính Mỹ đang có mặt tại đây.

Mặc dù chính phủ Iraq đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của quốc gia này, lực lượng IS được đánh giá là vẫn có thể duy trì một cuộc chiến tranh du kích chống lại chính phủ Trung ương do người Shi’ite cầm quyền, trong một thời gian dài nữa.

Hiện có khoảng 6.000 binh lính Mỹ tại Iraq

Trong trường hợp này, Trump và Tillerson sẽ đứng trước quyết định khó khăn, liệu Mỹ có nên tiếp tục can dự vào tình hình quốc gia Tây Á này hay không. Ông Tillerson cũng sẽ phải “đau đầu” với vấn đề người Kurds đòi độc lập tại Iraq – một viễn cảnh nếu thành công, sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới, cũng như khuấy động các phong trào đòi ly khai trong cộng động người Kurds tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

AFGHANISTAN

Ông Trump chưa đưa ra những kế hoạch cụ thể cho Afghanistan, nơi gần 10.000 lính Mỹ đang đóng quân trong hơn 15 năm qua, sau khi lực lượng Taliban bị đánh đổ bởi liên minh do Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, ngài tỷ phú từng nói rằng, nước Mỹ cần phải chấm dứt việc “tái thiết đất nước” – điều mà cường quốc này vẫn theo đuổi trong hơn một thập kỷ rưỡi qua tại quốc gia Tây Á này.

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất ông Trump và chính quyền mới sẽ phải đối mặt trong vấn đề Afghanistan, đó là bao nhiêu lính Mỹ sẽ ở lại đây.

Nhận định rằng an ninh Afghanistan vẫn không ổn định, và lực lượng Taliban bắt đầu “trỗi dậy” tại một số vùng, Tổng thống Obama từ bỏ dự định ban đầu cắt giảm hơn một nửa số quân đội Mỹ hiện diện tại đây vào cuối năm 2016. Thay vào đó, khoảng 8.400 binh lính sẽ vẫn có mặt tại quốc gia Trung Đông ít nhất cho đến khi nhiệm kỳ của ông chính thức kết thúc vào tháng Một sắp tới.

(Theo SMCP, Reuters)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/an-so-chau-a-tren-ban-co-cua-tan-ngoai-truong-my-222336.html