Ăn theo phim 'Kong: Đảo đầu lâu': Chấm dứt lối quảng bá quá đà, lạm dụng!

Sau nửa tháng công chiếu, ngoài cơn sốt phòng vé, bộ phim đã tạo hiệu ứng tích cực đến du lịch Việt dưới góc độ nhiều công ty lữ hành lớn trong, ngoài nước tung ra các tour du lịch “theo dấu chân Kong”, đưa du khách khám phá các địa danh của Việt Nam xuất hiện trên phim. Tuy nhiên, việc quảng bá đang theo hướng quá lạm dụng hình ảnh Kong.

Hình ảnh quảng bá Quảng Bình như là quê hương của “Vua khỉ”.

Nở rộ tour “ăn theo Kong”

Sau những lần lỡ mất cơ hội phát triển du lịch từ vị “đại sứ mang tên điện ảnh”, lần này, sau khi bom tấn “Kong: Đảo Đầu lâu” với 70% số cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam ra mắt, ngành du lịch đã quyết “không để vàng rơi”. Tổng cục Du lịch đã chủ động lồng ghép nhiều nội dung, hình ảnh của “Kong: Đảo Đầu lâu” trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình - 3 địa phương được chọn làm bối cảnh của phim - đưa ra các chương trình, xúc tiến quảng bá mời gọi du khách.

Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình - cho biết, tỉnh đã xây dựng tour tham quan phim trường “Kong: Đảo Đầu lâu” cùng “Tú Làn: Trải nghiệm ngôi nhà của Kong” và bắt đầu đưa vào khai thác. Cũng ăn theo sức nóng của Kong, với sự hỗ trợ của Bộ TTTT, Bộ VHTTDL và UBND TP.Hà Nội, tỉnh đã tổ chức chuỗi chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” (diễn ra từ 25-27.3) với nhiều chương trình tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản gửi Tổng cục Du lịch đề nghị tổ chức chương trình khảo sát dành cho các hãng lữ hành và báo chí để quảng bá các địa điểm xuất hiện trên phim.

Những ngày qua, nhiều hãng lữ hành lớn trên thế giới cũng tận dụng hiệu ứng của “Kong: Đảo Đầu lâu” để xây dựng các tour tham quan Việt Nam. Trên wesite của Exotic Voyages - công ty du lịch cao cấp của Mỹ - đang chào mời tour 10 ngày 9 đêm với giá 2.055 USD, để khám phá Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long - Quảng Bình - Sài Gòn. Các công ty lữ hành trong nước như Saigontourist, Vietravel, Bến Thành… cũng đồng loạt tung ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như tham quan Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long, hay cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp của vịnh Hạ Long từ trên cao bằng thủy phi cơ.

Việc ồ ạt xây dựng các tour ăn theo hiệu ứng của “Kong: Đảo Đầu lâu” khi phim ra mắt ít nhiều tạo cú hích cho ngành du lịch, khi cảnh đẹp Việt Nam đã trở nên gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Đáng lẽ sẽ hiệu quả hơn khi việc này được làm rầm rộ từ 1 năm trước, khi đoàn phim của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts vừa đóng máy... Nhưng thôi chậm còn hơn không…

Chấm dứt việc lạm dụng hình ảnh Kong

Sau slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”, hiện nay ngành du lịch và những người làm văn hóa đang hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thành phim trường của thế giới. Bên cạnh việc lôi kéo khách du lịch, nhiều địa phương cũng bắt đầu có những chuyển biến trong việc tạo điều kiện để các đoàn làm phim quốc tế tới ghi hình, thông qua đó phát triển du lịch. Song, việc quảng bá theo hướng giới thiệu về các địa danh Việt Nam như là “vương quốc của Kong”… đã bị dư luận lên án là không hợp lý, làm quá đà. rất cũ, thể hiện tư duy kinh doanh du lịch theo kiểu chụp giật, ngắn hạn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn nhắc nhở: “Việt Nam không phải đảo đầu lâu. Việc khai thác những yếu tố có lợi của bộ phim nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam là điều nên làm, nhưng phải đúng với những giá trị thực của nó bằng những hoạt động chuyên nghiệp của ngành du lịch. Thay vì quảng bá cho phim, thì ngành du lịch nên quảng bá nhiều hơn nữa những thắng cảnh, con người và năng lực du lịch của Việt Nam ở những địa điểm bộ phim đã chọn cảnh (Hạ Long, Tràng An, Sơn Đoòng) và cả những nơi khác nữa”.

Trong buổi họp báo công bố chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” ngày 16.3, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã chỉ ra việc có hiện tượng lạm dụng hình ảnh Kong trong việc quảng bá và ông nhắc tỉnh Quảng Bình: “Đừng biến Kong trở thành biểu tượng của Quảng Bình’, “đừng biến Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành đảo đầu lâu”.Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Ngoài những cảnh đẹp tráng lệ của Việt Nam xuất hiện trên phim Hollywood, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam cũng cần được chú trọng quảng bá. Hơn nữa, dù ăn theo hiệu ứng của Kong, du khách đến với Việt Nam, liệu họ có quay trở lại khi những vấn đề về nạn “chặt chém”, chèo kéo, móc túi, rác thải vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều du khách?

“Điện ảnh là một công cụ quảng bá du lịch vô cùng hữu hiệu, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công. “Kong: Đảo Đầu lâu” là một cơ hội rất tốt để hình ảnh Quảng Bình đến được với đông đảo du khách trên thế giới, nếu chúng ta không tận dụng thì nó sẽ sớm vuột qua mất. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức được rằng “Kong: Đảo Đầu lâu” chỉ giúp cho du khách biết đến Quảng Bình, còn vấn đề cốt lõi để du lịch Quảng Bình phát triển thì vẫn phải dựa vào chất lượng, vào cơ sở hạ tầng, vào các tour tuyến, vào sự thân thiện của người dân” - ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình - khẳng định.

ĐẶNG CHUNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/an-theo-phim-kong-dao-dau-lau-cham-dut-loi-quang-ba-qua-da-lam-dung-650284.bld