Ấn tín đào được ở Nghệ An là đồ phong thủy, sản xuất hàng loạt?

Việc ông Trương Văn Sửu (SN 1961, trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vô tình đào được “ấn tín”đã dấy lên nhiều nghi ngờ từ giới nghiên cứu cũng như những người sưu tầm cổ vật.

Theo ông Đỗ Minh Khôi, một người sưu tầm cổ vật tại Hà Nội cho biết:Thực chất như cái ấn này là đồ phong thủy của Trung Quốc được sản xuất hàng loạt, bán chưa đến 1 triệu đồng tiền Việt.

Chỉ là ấn phong thủy không quá 30 năm

Hiện vật có hình thù giống ấn tín của vua chúa với 9 đầu rồng, nặng khoảng 1,6kg, bằng kim loại có màu đen, vàng. Bên hông có bốn chữ Hán dịch là “Cửu Long Kim Tỷ”. Lòng ấn được trang trí bởi chữ Mãn và chữ Hán với nội dung thống nhất là “Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo”.

Hiện vật “ấn” phát hiện tại Nghi Lộc, Nghệ An

Theo ông Nguyễn Đình Dương - Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc, vật này có thể là một ấn tín của vua chúa thời phong kiến. Tuy nhiên, để biết chính xác về giá trị lịch sử cần phải giám định khoa học.

Xem xét hiện vật qua các hình ảnh chụp được, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Sử (Viện Tôn giáo) cho biết đây là một dạng thức hình “quan ấn”. Trang trí ở bên hông ấn là rồng thư hùng (đực, cái), long châu (thường nằm ở trong miệng rồng hoặc ở giữa - đại diện cho sự tranh giành) hay một mô típ âm dương kết hợp với nhau một cách hoàn thiện. Còn lối chữ được khắc bên hông được coi là một dạng thức tiệm cận với phông chữ hiện đại. Vì thế ông Nguyễn Hữu Sử hồ nghi: “Sự hoàn chỉnh đến một cách đáng ngờ của một con dấu với niên đại chí ít nếu có tồn tại (Triều đại nhà Thanh, Trung Quốc) cũng hơn cả trăm năm như vậy quả thực tôi chưa gặp bao giờ”.

Cùng chung quan điểm với ThS Nguyễn Hữu Sử, ông Đỗ Minh Khôi cũng nêu các căn cứ để bác bỏ đó là “ấn tín”. Thứ nhất, nếu là ấn tín của các thời kỳ phong kiến Việt Nam hoặc Trung Quốc thì đều là ấn bằng vàng, hoặc bạc, hoặc dấu ngọc. Thứ hai, về nghệ thuật chạm khắc thì ấn tín thường rất tỉ mỉ, chỉn chu và đẹp chứ không có chuyện làm một cách sơ sài, rối rắm như hiện vật nói trên. Nhìn có vẻ hoành tráng nhưng thực chất lại là đồ ép khuôn đúc. Thứ ba, những vật tương tự như thế được rao bán trên các shop vật phong thủy. Chỉ cần với một từ khóa “Cửu long kim tỷ” ở trên Taobao (trang mua sắm trực tuyến của Trung Quốc) sẽ cho ra những mẫu mã giống hệt với giá 600-800 nghìn đồng, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Ấn phong thủy được rao bán trên mạng với giá chưa tới 1 triệu đồng

Cả ông Sử và ông Khôi đều chung nhận định đây là một dạng ấn được dùng trong phong thủy với mục đích cầu tài lộc, trấn yểm. “Loại ấn này chỉ mới xuất hiện không quá 30 năm trở lại đây”, ông Sử cho biết.

Niêm phong hiện vật chờ thẩm định

Hiện tượng những đồ vật dạng “ấn tín” lại được người dân tình cờ phát hiện lúc đào đất, theo chia sẻ của ThS Nguyễn Hữu Sử đó là một chiêu trò thường thấy của dân buôn cổ vật. Bác sỹ Nguyễn Anh Huy, người sưu tầm tiền cổ ở Huế cũng gặp không ít hành động tương tự như thế này. Thậm chí, nhiều người buôn đồ cổ còn nấu đồng đổ đè lên chữ trên đồng tiền rồi khắc lại để cũ hơn. Trong số các loại đồ cổ thì đồng dễ bị làm giả nhất vì dễ bị ôxy hóa, tạo màu xanh rêu mốc đánh lừa con mắt người xem.

TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ) khẳng định: “Hiện vật cổ chỉ được nhìn nhận khi được phát hiện trong hố khai quật khảo cổ học, có tầng có lớp nghiêm chỉnh. Mọi phát hiện tình cờ đều không được coi là hiện vật”.

Trao đổi với Báo NNVN, ông Nguyễn Đức Kiếm – Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết đơn vị này sẽ tiến hành niêm phong hiện vật, sau đó tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định. “Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá đó là hàng giả hay thật, giá trị kinh tế và văn hóa thế cụ thể ra sao”, ông Kiếm nói.

Theo Luật Di sản văn hóa năm 2010, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính./.

Tránh thông tin hoang mang dư luận

Trước những thông tin gây hoang mang dư luận về việc phát hiện quả ấn phong thủy nói trên, ông Đỗ Minh Khôi đề nghị cần nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ văn hóa từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn. Đồng thời các cán bộ này cần thận trọng khi phát ngôn trước những lĩnh vực cần chuyên môn sâu chứ không phải cứ bạo miệng nói liều gây hoang mang dư luận

“Khi không biết thì tốt nhất nên đánh giá một cách khiêm tốn, và thận trọng chờ đợi kết quả giám định của chuyên gia. Đằng này khi được phỏng vấn thì lại khẳng định một cách chắc chắn về độ quý hiếm và giá trị của ấn, trong khi đó thực sự nó chỉ là đồ phong thủy”, ông Khôi thẳng thắn bày tỏ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/an-tin-dao-duoc-o-nghe-an-la-do-phong-thuy-san-xuat-hang-loat-post181772.html