An toàn cho lưới điện truyền tải mùa khô

Những năm qua, tại khu vực miền trung và Tây Nguyên, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, hiện tượng nắng nóng, khô hanh tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong khi đó, nhiều cung đoạn của lưới điện truyền tải (LĐTT) miền trung lại chủ yếu đi qua khu vực rừng núi, trung du là nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đông đúc với tập tục đốt nương làm rẫy còn phổ biến. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại hệ thống lưới điện, thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân và đặc biệt gây mất an toàn vận hành LĐTT là rất lớn.

Ứng phó nguy cơ mất an toàn

Truyền tải điện (TTĐ) Quảng Nam (Công ty TTĐ 2) là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành LĐTT cấp điện áp 220 kV và 500 kV, cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền trung, Tây Nguyên. Đồng thời, đây cũng là nơi trung chuyển lớn công suất của các nhà máy thủy điện khu vực tây Quảng Nam, Bắc Trà My và nước bạn Lào lên hệ thống điện quốc gia. Phó Giám đốc TTĐ Quảng Nam Lê Tự Châu cho biết: LĐTT của đơn vị trải dài trên địa bàn với nhiều địa hình phức tạp như vùng rừng núi cao, là khu vực làm nương rẫy của đồng bào Cơ Tu, hay đồng bằng trung du là nơi người dân trồng nhiều keo lá tràm, bạch đàn dọc theo hành lang tuyến của các đường dây. Đây là những loại cây phát triển nhanh, nếu không kiểm soát kịp thời thì chỉ cần gió to sẽ làm cây va quệt, ngã đổ vào lưới điện. Nhất là đến mùa thu hoạch, người dân sau khi khai thác thường tự ý đốt thực bì gần đường dây, rất dễ gây cháy rừng và ảnh hưởng vận hành an toàn của đường dây.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho LĐTT, ngay từ đầu năm, TTĐ Quảng Nam đã liên tục chỉ đạo các đội đường dây tăng cường kiểm tra hiện trường, rà soát dọc theo hành lang tuyến của tất cả các vị trí thuộc tuyến đường dây đơn vị quản lý, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy cao. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thành lập phương án thông tin liên lạc giữa các đơn vị, cơ quan, tập thể và cá nhân sinh sống, làm việc gần các tuyến đường dây để có thể sớm nắm bắt tình hình và ngăn chặn kịp thời các hành vi phát nương, đốt rẫy, đốt thực bì, cháy lan gần tuyến đường dây.

Cũng quản lý LĐTT đi qua nhiều nông, lâm trường, nơi tiềm ẩn không ít nguy cơ sự cố xâm phạm hành lang an toàn lưới điện, Giám đốc TTĐ Bình Định (Công ty TTĐ 3) Đặng Đình Phụng chia sẻ: Từ trước khi mùa khô bắt đầu, đơn vị đã tập trung toàn bộ nhân lực triển khai công tác phát quang, đốt chống cháy có kiểm soát hành lang tại những khoảng cột có lau sậy, cỏ tranh,… trên các tuyến đường dây để bảo đảm không xảy ra cháy gây sự cố. Tại các khu vực chống cháy hành lang mà không thể thu dọn và đốt từng cụm nhỏ theo quy định của lực lượng bảo vệ rừng, khi cây, cỏ, thực bì đã phát quang phải thực hiện băm nhỏ và thu dọn đến điểm có độ cao pha - đất cao nhất trong khoảng cột nhằm hạn chế cháy. Ngoài ra, đơn vị cũng làm việc với các lâm trường, trạm canh gác rừng, chi cục kiểm lâm nhằm chia sẻ thông tin kịp thời về việc cháy rừng có khả năng ảnh hưởng vận hành của LĐTT; bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm hành lang an toàn của đường dây, nhất là các đoạn đi qua vùng trồng tập trung diện tích lớn.

Đẩy mạnh tuyên truyền và ứng dụng công nghệ

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, LĐTT đi qua nhiều vùng đồi núi, gần khu dân cư, bên dưới là nương rẫy của bà con và những cánh đồng mía bạt ngàn, cho nên tiềm ẩn không ít nguy cơ sự cố do vi phạm an toàn hành lang tuyến. Giám đốc TTĐ Phú Yên (Công ty TTĐ 3) Nguyễn Duy Ngọ cho rằng: Để công tác vận hành được an toàn thì việc nâng cao ý thức bảo vệ LĐTT của cộng đồng người dân là điều hết sức cần thiết. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền luôn được đơn vị triển khai với nhiều sáng tạo, gắn liền với công tác an sinh xã hội. Trong các đợt tuyên truyền, ngoài việc phát tận tay nhân dân tờ rơi, ký cam kết bảo vệ hành lang tuyến với các địa phương, hộ gia đình và doanh nghiệp, TTĐ Phú Yên còn tổ chức tuyên truyền kết hợp chương trình giao lưu văn nghệ vào lễ hội cồng chiêng, sửa chữa điện cho các hộ nghèo, tặng quà học sinh nghèo học giỏi,… Chính những hoạt động đó đã làm người dân yêu hơn, tin hơn cán bộ truyền tải; từ đó, giúp công tác tuyên truyền đi được vào thực chất khi bà con thật sự lắng nghe và thấu hiểu sự quan trọng của lưới TTĐ cũng như ý thức bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Duy Ngọ, ngoài đổi mới công tác tuyên truyền, TTĐ Phú Yên còn rất chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác vận hành LĐTT. Trước thực tế LĐTT qua địa bàn tỉnh Phú Yên giao chéo với nhiều đường đất, gần công trường khai thác đá, mức độ ô nhiễm cao nên mất rất nhiều nhân lực cho công tác vệ sinh, bảo dưỡng cách điện, đơn vị đã cho áp dụng công nghệ “Vệ sinh cách điện hotline”, nghĩa là vệ sinh sứ cách điện LĐTT cao áp đang mang điện bằng nước áp lực cao. Công nghệ này không những giúp giảm thời gian cắt điện trên lưới để cung cấp điện ổn định mà còn giảm công sức và bảo đảm tốt hơn an toàn của người lao động. Ngoài ra, TTĐ Phú Yên đang triển khai “phần mềm định vị sự cố” và sắp tới sẽ áp dụng kiểm tra thiết bị bằng thiết bị bay điều khiển từ xa gắn ca-mê-ra (Flycam), ứng dụng “hệ thống thông tin địa lý, bản đồ lưới điện” (GIS) hay “phần mềm quản lý dữ liệu đo đếm” (MDMS); sử dụng sứ cách điện composite, xà cách điện composite;… Những công nghệ mới này chắc chắn sẽ giúp TTĐ Phú Yên nâng cao hơn nữa hiệu quả và năng suất lao động, bảo đảm quản lý và vận hành LĐTT ổn định, an toàn trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32765502-an-toan-cho-luoi-dien-truyen-tai-mua-kho.html