Ăn

Không biết tiền nhân đã kết luận,“Miếng ăn là miếng nhục” trong trường hợp nào. Duy thấy nó phảng phất cái không khí mà năm xưa bậc tài hoa văn võ vẹn toàn Ông Ích Khiêm từng mượn miếng ăn mà mắng đồng liêu, “Đều là chó cả! Đâu cũng chó cả”. Giai thoại kể lại vậy, đọc thấy vậy, không biết có chính xác không.

Xưa, ông Kim Thánh Thán bên Tàu nhân đọc “Thủy Hử” đoạn Tống Giang ham ăn cá chép đến mức miệng nôn trôn tháo mà chửi tay này quá cỡ. Lâu rồi không nhớ rõ lắm, chỉ đại ý là cái loại đến miếng ăn mà còn mờ mắt thì chuyện đại nghĩa mồm nói vậy thôi chứ làm sao được mà làm.

1. Đọc sách nước mình dễ ngộ chữ, mấy ông hoa hòe hoa sói cầu kỳ miêu tả ăn quà vặt tháng này, ăn thức ấy tháng kia, rồi trời mưa phải ăn thế nọ, trời nắng phải ăn thế này. Cứ làm như vậy là hay ho lắm, cứ tưởng như thế là sành sõi lắm. Ăn theo thuở, ở theo thời thôi.

Trí nhớ suy tàn rồi, ngồi tự trưa đến khuya mà không nhớ đọc cái chi tiết “vo đất lại để nung ăn” ở đâu, lẩm nhẩm mãi thành ra lẩn thẩn. Thôi thì chép lại cái “Làm no” của tiên sinh Ngô Tất Tố, đời tôi chưa thấy ai tả món ăn ngày đói hay hơn cụ Ngô.

“Thoảng tiếng trẻ con trong mái tranh đưa ra, “Bố ơi, bố làm bánh đa cho con ăn”. Tôi ngạc nhiên hỏi, “Bác lại có cả nghề làm bánh đa nữa ư?”. Bác ngặt nghẽo cười, “Vâng, bánh đa nhà cháu là thứ bánh đa mới chế, chưa ai biết làm cơ. Ông ngồi đây, cháu làm cho ông xem”.

Bác nói rồi chui vào trong nhà, một lát đem ra một nắm đất sét trắng, một cái mê rổ, một cái khăn vuông. Bác dúng cả khăn lẫn đất xuống nước cho ướt, rồi đặt lên chõng, căng thẳng chiếc khăn vuông, phiết một lần đất lên thật mỏng, đoạn đặt vào mê rổ, lại chui vào nhà, thổi lửa nướng. Chỉ trong chớp mắt, bác đã bưng ra, trông trong mê rổ thấy một lượt đất khô cong, lũ con bác kéo nhau ra xúm xít chung quanh rổ. Bác mời tôi thử nếm bánh đa bác mới chế, tôi ngẩn người chưa hiểu bác nói thật hay bỡn, thì bác tách ra một miếng bỏ vào miệng, nhai giòn khau kháu, lũ con bác cũng xô nhau bẻ lấy mà ăn một cách ngon lành.

Bác bảo, “Đấy là thứ quà vặt của các cháu, nếu ông biết thứ ăn thay cơm của nhà cháu thì cháu xin đưa ra để ông xem”.

Bác nói rồi chui vào lấy ra một cái nồi đất to chìa cho tôi xem, và đố tôi biết là cái gì. Tôi thấy bác gạt một lần tép vụn ở trên, dưới lộ ra một lớp đen đen, xếp từng miếng mỏng như miếng bánh dầy. Nhìn gần lại, thì thoáng ngửi một mùi nằng nặng, khăn khẳn, như mùi thối tai. Tôi nín thở, lắc đầu xin chịu để bác giảng cho tôi nghe thức ăn quái gở ấy. Bác đắc chí cười rũ ra bảo tôi, “Cũng đất đấy! Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông ạ! Món này là một thứ cơm nắm của nhà cháu, làm công trình hơn một tí. Mới đầu là lấy đất sét trắng về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng mỏng như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng nó thì phải có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như miếng hồng tầu thế là được””.

Đói thì chạm gì ăn đó thôi, mà dân nước mình thì được mấy hôm no. Trên báo có đận thấy chép ở thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) từ nhiều đời nay vẫn giữ tục ăn đất. Khoảng 30-40 năm về trước, ở thôn nhiều hộ vẫn còn giữ tục lệ đào đất lên hun khói lá sim, mang ra chợ huyện bán lấy tiền. Mỗi người mua vài xu, vài hào được một nắm gói vào lá chuối mang về. Đất là món ăn quà vặt khi đi chợ, như ở nơi khác người ta ăn kẹo dồi, bánh khảo”.

Đọc thú vị, cũng muốn ăn thử xem đất có mùi vị thế nào. Có lần bốc bỏ vào mồm, cực kỳ khó nuốt.

Nhọc nhằn đường ăn uống nhất có bậc tài hoa Nam Cao, cái chi tiết bà cái Đĩ ăn cơm rau chấm mắm khiến tôi vừa thương lại vừa thấy đói cồn cào. Kiểu mới viết báo mà đọc Hồi ký của Vũ Bằng vậy, toàn muốn vừa hút thuốc phiện vừa chửi nhau.

“Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào để gắp rau vào bát mắm. Bà phó lại cau mặt, gắt, “Sẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy”.

Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ một thoáng sau, mọi nguời khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba vực cơm thôi. Mà phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo, đã quen sống vô tổ chức, làm gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại có sự hạn chế miệng ăn như vậy? Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, tất bằng nào cũng chưa thấm tháp. Nhưng người no mãi, người ta có cần ăn nhiều lắm đâu. Vậy thì bà cứ ăn. Ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật...

“Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, Đĩ nhé?

“Mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?”

Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no”.

2. Cố nhà văn Sơn Nam, năm nào nắm tay tôi buồn buồn. Hôm đã yếu lắm, nằm trên giường, chẳng biết nghĩ gì, chẳng biết mai sau.

Ông Sơn Nam viết cái gì cũng hay, ngôn ngữ nhẹ nhàng, quan sát tinh tế. Kiểu như ông viết chi tiết hai cái tai của con lươn già, như tai con chồn chẳng hạn. Đọc ông nhiều, nhớ hai hình ảnh, con cá nước ngọt lờ đờ khi nước mặn tràn về, thứ hai là đoạn ăn cá trong “Cao khỉ U Minh”.

“Từ phía nhà bếp con gái ông Tư Huỳnh lui cui nướng cá. Chúng tôi đã ăn tuốt năm con cá lóc to, gọi là cá lóc nái, mỗi con nướng chín thơm phức, nằm trên miếng lá chuối tươi. Sau khi dùng đũa xẻ một lằn dưới bụng cá, chúng tôi trải con cá ra, gắp chừng ba bốn đũa là quăng bỏ cái xương sống cá, mặc dầu trong xương còn dính khá nhiều thịt. Ông Tư Huỳnh lãnh phần thanh toán bộ ruột, nuốt gan và mật cá, “Ồ! Cái mật cá đắng thiệt nhưng vị đắng đó ngọt xớt, trị bịnh yếu mật. Còn cái đầu cá, ngon lắm, thầy Hai ăn đi. Cứ gắp hai cục thịt ở gò má con cá là đủ. Nghe đâu ở Biển Hồ Nam Vang, người ta đem thú gò má ấy phơi khô, nhậu rượu ngon lắm”

Chập sau, tôi ngán ngẫm, sợ mang chứng trúng thục. Ông Tư Huỳnh nói, “ Chưa hết. Bây giờ mình ăn qua món cá sặc rằn…”.

Mỗi gắp là bốn hoặc năm con cá, mỗi con sặc to bằng bàn tay xòe, tươm mỡ. Ông Tư Huỳnh mời mọc, “Ăn thêm nữa đi”.

Tôi cầm đũa, chưa gắp miếng cá nào chợt nghe ông nói to với đứa con gái, “ Nướng thêm một chục con cá nữa. Nghe chưa con!”. Tôi vội cản ngăn, “Thưa ông, đủ rồi”. “Chưa đủ đâu, thầy Hai. Ăn nhiều cho đủ sức lực. Bà con xứ này nhờ ăn cá mà khỏi chết vì bịnh rét rừng. Muỗi cắn sanh bịnh rét. Nhưng nhờ muỗi mà cá được mập mạp. Cá U Minh lớn con nhờ ăn muỗi. Tóm lại, vì muỗi mà mình mang bịnh, vì muỗi mà mình có đủ cá để ngừa bịnh”.

Vừa rồi, ông Tư Huỳnh vừa dạy tôi cách ăn cá sặc rằn nướng,”mỗi con ăn hai đũa.” Ta cứ cầm đũa, giẻ một bên, đưa vào miệng rồi thì trở con cá, giẻ thêm đũa nữa, giẻ xong, cứ quăng cái xương cá… Tôi ngậm ngùi nhìn đống xương cá vun lên khá cao, nếu rỉa cho kỹ, trong đống xương đó còn dính chừng một ký lô cá”.

Ăn kiểu này thì đúng là phàm phu, đúng là tục tử. Nhưng ăn kiểu này mới thật là thống khoái, mới thật là biết ăn. Ăn giữ nếp thì rón rén kiểu miếng giữa đình, cố vung đao chặt con gà làm cả trăm miếng mỏng như lưỡi lam, cũng hay hay mà không thú vị con người cho lắm.

Nhưng cái ăn của Bùi Hiển trong “Nằm vạ” là cái thật sự yêu thương, cái ăn như cả ấm êm cuộc đời vậy. Bùi Hiển viết chân dung rất chán nhưng viết “Nằm vạ” thì êm ái nhưng một cánh đồng chiều.

“Một ý nghĩ lờ ra trong trí yếu chị Đỏ. Thu góp sức tàn, chị lê xoay mình về phía vách, giơ tay quờ trong bóng tối. Một cái chóe bị vật ra đất, với một tiếng nặng nề khô khan. Tay chị đưa dần lên miệng chóe, nắm lấy cái nút lớn làm bằng một núi rơm bọc lá chuối, cố sức rút. Nút bật tung, và những lát khoai rào rạt tuôn ra trắng đất. Chị Đỏ vội vàng bốc lấy một nắm trong tay run run, vụng về đưa vào miệng. Khoai rõi lả tả xuống. Chị Đỏ nằm ngửa ra, nhai. Chị nhai ngồm ngoàm, hộc tốc, trợn mắt nuốt. Chị cảm thấy rõ sự cọ xát trên da thực quản của những mẩu khoai chưa nghiền kỹ. Khi bụng đã thôi bị sức căng ép, chị quay nằm ngửa, nhai chậm hơn. Mặt nhìn một lỗ hổng trắng trên mái tranh, tay đưa dần từng miếng khoai lên miệng, chị nhai một cách từ tốn quý phái, để nước miếng tiết ra nhiều ngào miếng ăn thành làn bột mềm, ngọt và thơm mát”.

3. Bây giờ thì hết đói rồi, người ta ăn cũng nhẹ nhàng, từ tốn, tử tế. Có một số người toàn ăn tiền thôi, bữa nhỡ thì vài trăm tỷ, bữa chính thì cả nghìn tỷ.

Ăn vậy cũng ngang Tạ Hầu Đôn.

Lê Tây Côn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/an/109486