Anh em ruột tranh chấp đất ở Cần Thơ: Quyết định gây bất bình

Đối với người nông dân, đất đai vốn là thứ tài sản thiêng liêng thậm chí anh chị em ruột thịt sẵn sàng “quay mặt” lại nhau, dùng mọi biện pháp, thủ đoạn để nhằm tranh giành quyền lợi.

Đôi khi trong thực tế cuộc sống có những xâm lấn, tranh giành phát sinh tưởng như nằm trong khả năng và quyền hạn của người giải quyết nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sự việc đã bị đẩy lên điểm đỉnh, “vạn bất đắc dĩ” anh chị em ruột đành phải kéo nhau ra chốn công đường nhờ pháp luật phán xét.

Cái “tình” khi không còn thì khi ấy cái “lý” sẽ luôn được gia cố để mong sao trong cuộc “đối đầu ruột thịt” này phần thắng sẽ thuộc về ai có “lý” nhiều hơn và khi ấy các ngành chức năng tham gia giải quyết lại phải xem xét cả lý lẫn tình để cuối cùng phán quyết của cơ quan có thẩm quyền sẽ là một phán quyết được người trong cuộc “tâm phục, khẩu phục”. Nhưng câu chuyện dưới đây lại không như vậy.

Khi "giọt máu đào" thành "ao nước lã"

Ông Phạm Thành Lợi (đã chết) có phần đất tọa lạc tại khu vực Thới An, phường Thuận An, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Năm 1991, ông Lợi chia mảnh đất của mình ra thành 5 phần khá đều nhau, phần đất thuộc thửa 382 có diện tích 1.753m 2 do ông Lợi đứng tên; còn lại các thửa: 383, 384, 385 và 386 có diện tích đều nhau được ông chia cho các con: Phạm thị Ánh Nguyệt, Phạm Thị Kim Em, Phạm Thị Hòa; riêng thửa 386 do ông Trần Minh Lý (con rể, chồng bà Phạm Thị Kim Hui) đứng tên và được UBND huyện Thốt Nốt cấp GCN QSD đất (giấy trắng). Đến năm 1996, khi làm thủ tục để đề nghị cấp đổi lại GCN QSD đất (giấy đỏ) thì cũng chính những người con ông Lợi tự động kê khai và làm các thủ tục để được cấp đổi lại ngay trên từng phần đất của mình được cha chia cho.

Mọi chuyện bắt đầu phát sinh rắc rối khi bà Phạm Thị Kim Hòa xây cất nhà và bao chiếm sử dụng lấn sang phần đất của bà Phạm Thị Kim Em và bà Phạm Thị Ánh Nguyệt. Việc lấn chiếm này được chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hòa giải nhiều lần trên tinh thần phân tích, động viên bà Hòa nên trả lại phần đất thực chất không phải của mình. Nhưng những cuộc hòa giải ấy đều bất thành, xung đột giữa bà Hòa và các người thân trong gia tộc càng ngày càng quyết liệt và đỉnh điểm là những người con của ông Lợi phải kéo nhau ra tòa nhờ phán quyết của pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm số 78/2009/DS-ST ngày 08/04/2009 của TAND quận Thốt Nốt đã quyết định buộc bà Phạm Kim Hòa và các người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm di dời nhà và các tài sản khác trên đất trả lại cho cho bà Phạm Thị Ánh Nguyệt quyền sử dụng đất tại thửa 383 với diện tích là 203m 2 , trả cho bà Phạm Thị Kim Em 204,1m 2 tại thửa số 384 và bản án này cũng nhận định về quan hệ pháp luật đây là vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Một người trong gia tộc này tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã nói với tôi rằng: bên nào thắng cũng là nỗi đau - đau thật sự! Hả hê, sung sướng gì khi mà bên thua kiện cũng chính là máu mủ, ruột rà cùng một bụng mẹ sinh ra! Nhưng bà Hòa thì không nghĩ vậy, bà quyết liệt “ăn thua” với các chị em ruột của mình đến tận cùng, và bà cũng có cái lý của bà khi sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà đưa ra một tài liệu mới chứng minh rằng phần đất mà bà tranh chấp đã mua của bà Phạm Thị Kim Em và tài liệu này được đề cập đến trong bản án phúc thẩm số 122/2010/DSPT ngày 27/07/2010 của TAND TP. Cần Thơ. Cả hai bản án sơ và phúc thẩm này sau đó đã bị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao kháng nghị.

Tại quyết định số 242/2013/DS-GĐT, Tòa Dân sự - TAND Tối cao quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm số 122/2010/DSPT ngày 27/07/2010 của Tòa án nhân dân TP Cần Thơ và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 78/2009/DSST ngày 08/04/2009 của TAND huyện Thốt Nốt; giao hồ sơ vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Ánh Nguyệt và bà Phạm Thị Kim Em với bị đơn là Phạm Kim Hòa… cho TAND quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại theo đúng thủ tục của pháp luật.

Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình tiếp xúc với các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án tranh chấp QSDĐ này, chúng tôi phát hiện một văn bản do ông Phạm Thành Lợi lập ngày 25 tháng 08 năm 2000 với tiêu đề ghi: “Tờ từ chối không cho hưởng di sản”. Trong đó nội dung đáng chú ý là mặc dù trước đó ông đã cho và chia đều đất cho các con nhưng chưa giao cho ai quản lý sử dụng và họ chỉ toàn quyền khi ông qua đời.

Trong “Tờ từ chối không cho hưởng di sản” này, ông Lợi viết: “... nhưng hiện nay, có đứa con gái tên Phạm Thị Kim Hòa, có chồng ra riêng ở cùng ấp, nhưng thái độ của Hòa thường tỏ ra bất hiếu, ngỗ nghịch với cha mẹ già, cụ thể chửi mắng đòi dỡ nhà phủ thờ và đuổi vợ chồng tôi ra ở ngoài sân, bà con và các con tôi đều biết rõ… Nên tôi làm tờ này để từ đứa con bất hiếu nêu trên và tôi xin từ khước chia di sản nói trên, chỉ cho nó thụ hưởng như các đứa con khác sau khi tôi qua đời” (những chữ in nghiêng trong ngoặc kép chúng tôi trích từ nguyên văn trong “Tờ từ chối không cho hưởng di sản”, phía dưới có chữ ký ông Phạm Thành Lợi, gửi các cơ quan: UBND xã Thới Thuận, Ban Tư Pháp xã Thới Thuận, Ban nhân dân ấp Thới An vào ngày 25/08/2000) và tài liệu này đã xuất hiện tại các phiên tòa đã diễn ra. Chúng tôi cho rằng, nếu được xem xét và có căn cứ cho thấy rằng, đây là ý chí và nguyện vọng đúng của ông Lợi thì bản chất của vụ án “Tranh chấp” của các con ông sẽ thay đổi.

Và những quyết định cần xem lại

Sau hơn 7 năm kể từ ngày chị em kéo nhau ra chốn công đường để nghe pháp luật phán quyết với những được, mất, thắng, thua… với bao nhiêu nỗi niềm của những đối đầu trong cuộc tranh chấp giữa những người thân ruột thịt, thì một lần nữa hồ sơ vụ án được quay trở về nơi xuất phát.

Hiểu theo đúng nghĩa của sự khởi đầu này, theo quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự - TAND Tối cao thì nó sẽ được bắt đầu từ TAND Thốt Nốt, tức vụ án tranh cấp quyền sử dụng đất giửa bà Phạm Kim Hòa với bà Phạm Thị Kim Em và bà Phạm Thị Ánh Nguyệt vẫn còn đang trong vòng tố tụng. Luật pháp vẫn là luật pháp, vẫn muôn đời làm cái công việc lạnh lùng, sòng phẳng để bảo vệ sự công bằng cho mọi người. Những quy định của pháp luật xét cho cùng thì chính là những lá chắn pháp lý buộc tất cả mọi chủ thể phải tuân thủ, tuy nhiên, trong vụ án này một tình tiết khá lạ đã xuất hiện, mà chúng tôi thấy rằng nó không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự - TAND Tối cao thì lập tức UBND quận Thốt Nốt vào cuộc. Rất lạ lùng, bởi đây là vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và trong thực tế tòa án cũng đang giải quyết. Xin nhắc lại là Quyết định Giám đốc thẩm số 242/2013/DS-GĐT ngày 19/06/2013 của Tòa Dân sự - TAND Tối cao ghi rất rõ là: Hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao vụ án lại cho TAND quận Thốt Nốt xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật và quyết định cũng không có bất cứ một dòng nào cho phép UBND huyện Thốt Nốt can thiệp vào quá trình giải quyết vụ án nhưng… thực tế thì khác hoàn toàn.

Ngày 20 tháng 04 năm 2016, UBND quận Thốt Nốt ban hành một loạt quyết định thu hồi phần đất của các đương sự liên quan đến vụ án mà tòa đang thụ lý giải quyết. trong phần căn cứ tại các quyết định này ghi là: Căn cứ vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai và xét tờ trình số 109/TTr-TNMT, ngày 19/04/2016 của trưởng phòng Tài nguyên - môi trường quân Thốt Nốt.

Hãy khoan bàn đến những căn cứ mà các quyết định thu hồi GCNQSD đất trên của UBND quận Thốt Nốt áp dụng có phù hợp hay không, ở đây, điều mà dư luận đặt ra là, nếu các quyết định thu hồi GCNQSD đất này được thực thi thì khi ấy TAND quận Thốt Nốt sẽ lấy gì để xét xử?

Đối chiếu với khoản 3 điều 106 Luật đất đai 2013 thì các quyết định thu hồi GCNQSD đất của UBND quận Thốt Nốt trong trường hợp này là không thỏa đáng, bởi khoản 3 điều 106, luật đất đai 2013 ghi rất rõ: “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d, khoản 2 điều này do cơ quan thẩm quyền cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại điều 105 của luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan Thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai” (Rõ ràng không có dòng nào cho phép căn cứ vào Tờ trình của đơn vị TN-MT cung cấp và đây cũng không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phán quyết về giải quyết tranh chấp đất đai).

Một vụ tranh chấp giữa những người ruột thịt với nhau đã vượt ra khỏi sự điều chỉnh của tình thâm máu mủ, phải chờ phán quyết của pháp luật. Một kết thúc như thế nào thì cũng không người trong cuộc vui hơn, đó là điều chắc chắn, bởi xét cho cùng thì họ vẫn là chị em ruột thịt của nhau. Song, điều mà chúng ta cần phải xem lại đó là những can thiệp không phù hợp với quy định của pháp luật làm vụ việc càng “rối tung” lên là điều không đáng có!

Hồng Ân - Trần Biên/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/anh-em-ruot-tranh-chap-dat-o-ca%cc%80n-tho-quye%cc%81t-di%cc%a3nh-gay-ba%cc%81t-bi%cc%80nh-p41685.html