Anh hùng phá bom ở 'tọa độ lửa' ngã ba Cò Nòi

Với nhiệm vụ được giao, trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ (hiện ở thôn Trinh Thọ, xã Hoằng Giang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã phá thành công hơn 100 quả bom các loại.

Ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), 70 năm trước đây là nơi giao nhau của những con đường huyết mạch, là “yết hầu” quan trọng vào Điện Biên Phủ. Nếu ngã ba Cò Nòi bị đánh phá thì mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực... lên chiến trường Điện Biên sẽ bị cắt đứt. Với nhiệm vụ được giao, trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ (hiện ở thôn Trinh Thọ, xã Hoằng Giang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã phá thành công hơn 100 quả bom các loại.

Anh hùng Cao Xuân Thọ (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công – nông - binh toàn quốc lần thứ hai, ngày 7/7/1958.

Sinh năm 1926, năm nay ông Cao Xuân Thọ đã gần 100 tuổi, tuổi tác đã khiến sức khỏe, trí nhớ của người lính Điện Biên năm xưa suy giảm nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi được khơi gợi ký ức những năm tháng hào hùng chiến dịch Điện Biên Phủ, khuôn mặt ông Thọ lại bừng sáng, niềm tự hào của người lính già như được thắp lửa.

Ông Thọ cho biết, năm 1946, ông rời quê hương Thanh Hóa lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đến năm 1947, ông gia nhập Đại đoàn 308, Trung đoàn 108 phục vụ chiến dịch Thu Đông. Năm 1949-1951, ông Thọ phục vụ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, sau đó được cử sang Trung Quốc học chuyên ngành quân báo. Đầu năm 1951, ông Thọ trở về nước và gia nhập đội thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong thời gian quân ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thọ được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội phá bom của Đại đội 404, Đội TNXP 40. Nhiệm vụ của đơn vị ông Thọ là rà phá bom ở “tọa độ lửa” ngã ba Cò Nòi, nơi giao nhau của những con đường vào Điện Biên Phủ. Đây được xem là huyết mạch nối đường 13 với đường 41, là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là tuyến đường nối đồng bằng Bắc bộ, Chiến khu Việt Bắc, khu IV với chiến trường Điện Biên. Nếu ngã ba Cò Nòi bị bóp nghẹt thì mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực... lên chiến trường Điện Biên sẽ bị cắt đứt. Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, quân Pháp đã tìm mọi cách đánh phá ác liệt ở ngã ba Cò Nòi, nhằm chặt đứt sự chi viện của quân dân ta với chiến trường Điện Biên.

Ông Thọ kể, có ngày địch ném xuống ngã ba Cò Nòi hơn 300 quả bom các loại, bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm... Máy bay quần đảo liên tục trên bầu trời, tốp máy bay này vừa ra, tốp khác lại kéo đến, bom chưa phá xong loạt trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời.

Vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước, ông Cao Xuân Thọ thường được mời đến các trường học trên địa bàn để nói chuyện lịch sử.

Trong chiến tranh, ý chí, tinh thần, lòng quả cảm của người lính quyết định sống còn, bởi sự sống và cái chết trong lửa đạn chỉ cách nhau gang tấc. Tuy nhiên, với người lính phá bom như ông Thọ thì càng đòi hỏi sự dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, dù biết cái chết hiển hiện trước mắt nhưng vẫn hiên ngang đón nhận. Trong cuộc đời mình, ông Thọ đã có 4 lần được đồng đội làm lễ “truy điệu sống” trước khi phá bom ở những vị trí hiểm yếu. Tuy vậy, kỷ niệm ông Thọ nhớ nhất là lần uống nước mắm chống rét để phá bom. Đó là vào một buổi chiều tháng 3/1954, ông Thọ nhận được lệnh cấp trên về hỗ trợ gỡ bom nổ chậm ở cầu Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La) với độ sâu gần 4m.

Giữa thời tiết lạnh giá của núi rừng Tây Bắc, mệnh lệnh của cấp trên phải phá được bom trước 18h để vận chuyển quân lương vào chiến dịch. Sau khi nhận lệnh, đồng đội của ông Thọ lặn xuống suối quan sát, thăm dò vị trí quả bom nhưng vì nước quá lạnh phải ngoi lên. Trách nhiệm nặng nề lúc này đặt lên vai ông Thọ, muốn phá bom thì phải “trinh sát” được vị trí chính xác. Lúc này, ông Thọ chợt nhớ đến kinh nghiệm của người dân đi biển chống lạnh bằng cách uống nước nắm để làm nóng cơ thể. Lập tức ông Thọ xin chỉ huy mấy lít nước mắm nguyên chất rồi nhắm mắt uống liền mấy bát.

Trước khi lặn xuống suối, ông Thọ dùng dây rừng buộc vào người rồi thống nhất với đồng đội phía trên, lúc nào ông ốp được bộc phá vào bom, đấu dây cháy chậm xong thì sẽ giật ba lần để anh em kéo lên bờ. Khi lặn xuống, ông Thọ phát hiện quả bom nằm trong khe đá, ông liền đặt bộc phá và dây cháy chậm rồi ra hiệu cho đồng đội kéo lên. Chỉ khoảng 10 phút sau, một tiếng nổ vang trời, bọt nước tung trắng xóa cao hàng chục mét, cầu Tà Vài được đảm bảo thông suốt.

Ông Thọ kể, trong cuộc đời người lính, niềm vinh dự nhất của ông là 4 lần được gặp Bác Hồ, lần gặp nào, ông cũng được Bác hỏi thăm, căn dặn, khen thưởng. Tháng 12/1953, ông Thọ cùng đồng đội về Chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Chiến sĩ thi đua yêu nước. Lần đầu được thấy Bác bằng da, bằng thịt, ông Thọ có cảm giác vừa run, vừa hồi hộp xen lẫn vui sướng, hạnh phúc.

Ông kể: “Bác nói với chúng tôi rằng: Các chú được chuyển sang đoàn TNXP Trung ương, công việc có khó khăn, chiến đấu phải hy sinh xương máu nhưng Bác tin các chú là người đầu tàu gương mẫu nên sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách. Rồi Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ gắn Huy hiệu Bác Hồ tặng ba chúng tôi là Cao Xuân Thọ, Nguyễn Văn Kích và Nguyễn An Tiêm”.

Lần thứ 2 ông Thọ được gặp Bác Hồ là sau tiếp quản Thủ đô. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông Thọ cùng 15 chiến sĩ thi đua về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn đoàn TNXP tại Hà Nội. Lần này về dự đại hội, ông Thọ cùng các đồng chí được đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Năm 1955, ông Thọ được gặp Bác Hồ lần thứ 3, lần này Bác đã tặng Cờ Thi đua cho Đại đội 407.

Lần cuối cùng ông Thọ gặp Bác là dịp ông cùng 11 đồng chí của Đội 34 - 40 được về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua công - nông - binh toàn quốc. Ông Thọ hãnh diện nói: “Người ta được gặp Bác một lần đã thấy mình rất hạnh phúc và vinh dự, còn tôi vinh dự hơn khi được gặp Bác 4 lần, đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một người lính”.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/anh-hung-pha-bom-o-toa-do-lua-nga-ba-co-noi-i729705/