Anh: Người giàu thích “tiêu dùng có đạo đức”

Hiện nay ở Anh, nguyên tắc mua sắm quần áo từ “cái nào thịnh hành nhất” chuyển sang “cái nào đạo đức nhất”

small_3090.jpg Mua hàng cũng nói đạo đức Xu hướng của người tiêu dùng thời trang khi lựa chọn mua hàng trong mùa hè này chính là sản phẩm có “đạo đức” hay không. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng thường đặt ra nhiều câu hỏi như nhà sản xuất có cạnh tranh công bằng hay không? Sản phẩm có thể tái chế được hay không? Hàng nội hay hàng ngoại? Công xưởng sản xuất có tôn trọng tiêu chuẩn lao động quốc tế hay không? Sản phẩm trên ảnh hưởng đến môi trường và xã hội như thế nào? Cuối cùng là, sản phẩm họ cầm trên tay có tạo thêm sự hủy diệt cho trái đất hay không? Tuy nhiên, một bộ quần áo trẻ con được gọi là “đạo đức” có giá đến 35 bảng Anh trong khi quần áo tại siêu thị chỉ bán với giá 10 bảng Anh. Vậy người tiêu dùng sẽ chọn mua sản phẩm nào? Theo thống kê, những người mua hàng đạo đức là những người trong độ tuổi từ 25 – 50, có thu nhập cao. Đối với đa số người nghèo, họ chấp nhận “vô đạo đức” vì lực bất tòng tâm. Cái nào đạo đức thì mua Các thương hiệu thời trang ở Anh ngày càng nhiều, chủng loại ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng cao. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để có thể câu khách. Các thương hiệu thời trang bị buộc phải cạnh tranh công bằng để tạo ra những kiểu “thời trang đạo đức”. Thanh niên Anh rất thích hàng thời trang của hãng Topshop, trong khi những người trung niên thích nhãn hiệu Marks & Spencer. Vì vậy, hãng Topshop hợp tác với People Tree đưa ra sản phẩm thời trang tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh công bằng. Marks & Spencer tự hào khoe sản phẩm vớ do hãng này sản xuất được làm 100% từ bông. Các siêu thị bán quần áo giá rẻ cũng vội vã chạy theo trào lưu cạnh tranh công bằng. Doanh nghiệp bán hàng trên mạng, khu mua sắm, các cửa tiệm dù lớn hay nhỏ cũng đều đảm bảo rằng người tiêu dùng đang mua những hàng vô cùng đạo đức. Người tiêu dùng muốn mua váy? Doanh nghiệp bán hàng trên mạng sẽ cung cấp cho người tiêu dùng chiếc váy được làm 100% từ bông hữu cơ, vừa cao quý vừa trang nhã, vừa mang tính bảo vệ môi trường. Muốn có bộ quần áo mới cho trẻ con? Doanh nghiệp chuyên bán sản phẩm trẻ em sẵn sàng tút lại quần áo cũ bỏ sọt rác với giá 34,99 bảng Anh (bao gồm tiền bao bì và phí bưu điện) để trẻ con có một bộ quần áo mới mặc ra đường. Quý bà muốn mua một món quà có ý nghĩa cho chồng? Hãng Brixton đã chế ra dây nịch từ vỏ bánh xe, bán với giá 30 bảng Anh, để làm quà tặng. Các dây nịch này là sản phẩm độc nhất vô nhị, được làm thủ công tinh tế và có giấy chứng nhận xuất xứ hẳn hoi. Một chiếc thắt lưng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường toàn cầu nhưng người tiêu dùng sẽ cảm thấy thỏa mãn vì mình đã làm việc tốt. Nhận định về phong trào mua sắm có đạo đức này, BBC bình luận: “Thời trang đạo đức không nói lên rằng nhà sản xuất sẽ vô cùng đạo đức. Các hãng sản xuất có thể bắt nhân viên nữ làm việc đến 80 giờ/tuần. Nhưng ít nhiều khi thời trang đạo đức thịnh hành, đạo đức của nhà sản xuất cũng được nâng cấp”.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29107-anh-nguoi-giau-thich-tieu-dung-co-dao-duc