Anh Quân ơi!...

Không chỉ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, mà tôi biết hôm nay rất nhiều những người lính đang đứng gác trên các đảo chìm đảo nổi Trường Sa cũng đang khóc anh đấy, anh Quân ơi !...

Nhà báo Nguyễn Đình Quân trao sách vở và 2 triệu đồng cho chị em Thu Hồng – Như Ngọc (Tuy An – Phú Yên) có cha và mẹ chết trong trận lũ tháng 11/2009 để giúp sức đến trường. Ảnh Nguyễn Thành, chụp ngày 9/11/2009

Nhà báo Nguyễn Đình Quân trao sách vở và 2 triệu đồng cho chị em Thu Hồng – Như Ngọc (Tuy An – Phú Yên) có cha và mẹ chết trong trận lũ tháng 11/2009 để giúp sức đến trường. Ảnh Nguyễn Thành, chụp ngày 9/11/2009

“Chú có facebook không?”. “Em không rảnh để suốt ngày khoe mẽ, chụp ảnh bánh xèo post lên khen đáo khen để nơi này đáng yêu đáng sống để rồi góp phần…ăn tàn phá hại đất nước, he he!”. Anh bật cười ha ha, quay sang vợ: “Em nghe nó nói chưa, nói anh góp phần “ăn tàn phá hại”, vẫn cái giọng sẵn sàng gây gổ”. Chị cười theo. Nụ cười mà khi tôi biết chị đến giờ, hình như chưa một lần trọn vẹn, hiện ra trong bộ dạng tất tả của người phụ nữ gốc vùng chiêm trũng Bắc bộ. Năm kia mà như mới đó, anh chị và hai con về Hà Đông thăm mẹ già, trên đường vào ghé Đà Nẵng. Đang mưa. Thèm bánh xèo. Trần Tuấn gọi, kéo nhau qua đường Nguyễn Văn Thoại sát biển kiếm quán bánh xèo để ăn. Mưa rột roạt mái tôn của quán nghèo. Bánh ngon. Chẳng hẹn mà gặp, tối đó vợ chồng anh Xuân Ba vào đám cưới con người bạn cùng làng. Thế là tưng bừng...

Tôi nhớ, lần đó về đầu quân ở Tiền Phong mới được ba tháng, khi đang ngồi nhậu với anh tại một quán gần biển ở Nha Trang, thì anh Ngọc Nam, lúc đó là Phó Ban TKTS gọi vào làm gửi ảnh thẻ gấp để làm thẻ nhà báo. Anh nói “mày đứng dựa vào tường kia, tao chụp”. Nói dứt lời, anh rút trong túi quần ra điện thoại như bàn tay. Ảnh rọi ra, tôi như thằng có lệnh truy nã, mặt đỏ gay vì rượu. Lại tiếp “mẫu tao có rồi, mày coi điền vào đi, anh sẽ gửi ra cho”.

Trưa đó tôi ăn cơm nhà anh, căn nhà bình dị như bao nhà công chức ở khu Quân y 18 của bộ đội Hải quân. Nói chuyện biển đảo, tôi nhớ lúc sôi lên chuyện đảo này đảo kia ở Trường Sa bộ đội ta đóng giữ năm nào, Trung Quốc lấn chiếm ra sao, trong một lần gặp, anh điềm tĩnh rằng, mình nói thật, trên mạng nhiều người nói sai lắm. Năm nào cũng thấy anh đi Trường Sa.

Tôi chưa một lần hỏi, nhưng tôi đoan chắc, trong tâm hồn anh, là một vùng bão gió, một trái tim luôn mẫn cảm với từng giọt nước, vốc cát ngoài xa xanh kia, vốn là máu thịt Tổ quốc. Có lẽ máu người lính chảy trong huyết quản, nên lần giở những bài viết, nhất là chống tiêu cực nơi anh, sẽ thấy như lấp ló đằng sau những câu chữ, là lời thề quyết tử đến cùng... Bữa cơm vội vã qua mau, tôi ngó căn nhà tuềnh toàng, càng thêm hiểu anh đã ...miễn dịch trước những trò đời. Anh đưa tôi ra bến xe, chưa kịp hỏi bán vé chỗ nào, thì anh dúi vào tay tôi cái vé, không biết anh mua từ bao giờ.

Những chớp lóe những lần gặp, í ới thăm nhau qua điện thoại, những nhắn tin “anh về Hà Nội bằng đường sắt nhưng không ghé được...”, như thủ thỉ nhẹ nhõm mà ân cần, tất cả tạc trong tôi người đàn ông Hà Nội bao giờ ăn vận cũng giản dị, gọn gàng, nhưng sống nơi phố biển, mang đậm phong cách của lính, nên bao dữ dằn nó lặn vào trong, hòa trộn thành một mẫu người từ tốn nhưng kiên quyết. Tin dữ sáng nay đến với tôi, chết đứng. Đôi mắt to, lúc nào cũng sáng lên ấm áp, lành hiền, có lúc ngơ ngác như như một thầy giáo làng đang từ từ hiện ra, nụ cười sáng, như nhắc lại cái câu mỗi lần gặp “loại như mày, đố làm quan được”…

“Mỗi lần ra Trường Sa, tôi đều tác nghiệp với tâm thế của người lần đầu được ra đảo. Tôi không bao giờ cho rằng đi Trường Sa là đi chơi, đi cho biết. Nếu có thể, tôi sẽ đi Trường Sa nhiều lần nữa để viết về vùng biển, đảo thân thương của Tổ quốc mình, viết về những người lính, người dân, những em bé thân yêu đang làm nhiệm vụ, sinh sống ở nơi đầu sóng ngọn gió” - nhà báo Nguyễn Đình Quân

Đó là Trung Việt nó nhớ nó viết về anh đấy, anh Quân! Khi sáng nay, ở Đà Nẵng anh em bàng hoàng nhận được tin dữ về anh. Mà không thể tin được, về cú tai nạn xảy đến với một người đàn ông phong thái điềm tĩnh luôn toát ra sự vững chãi, mạnh mẽ. Thì ít nhất hai đợt tai nạn trước đó đã không làm gì được anh. Một lần bị ngã xe máy trên đèo Cả, vỡ bánh chè khập khiễng suốt mấy năm. Lần nữa cũng xe máy trên đường công tác khiến anh bị chấn thương sọ não, rất nặng, để rồi tôi đùa, chắc từ nay anh sẽ chuyển sang…làm thơ mất! Những đường những đèo miền Trung “đòn gánh” sao mà dằng dặc, làm một cái tin phải chạy qua mấy tỉnh với mấy trăm cây số đường. Mà anh đến tận cuối đời, ngã xuống vẫn chỉ với chiếc xe máy tuyền toàng. Với căn bệnh thoát vị đĩa đệm triền miên…

Anh, khi rời quân ngũ về làm báo Tiền Phong ở miền Tây một thời gian, sau về với Ban đại diện miền Trung, đứng chân Phú Yên quê vợ. Còn tôi, cũng từ đoạn 1995-1996 ấy, cũng mải miết với Bình Định, Quảng Ngãi – những điểm nóng của miền Trung thời ấy về oan khuất, tiêu cực, bức hại người dám đấu tranh. Trên những chuyến xe đò cà khổ lắm khi phải đứng treo chân suốt mấy trăm cây số. Mỗi chuyến công tác của tôi, bao giờ xuống xe cũng thấy anh đứng chờ sẵn. Có lần ở Nha Trang, tôi bất chợt “phát hiện” ra trong túi không còn đồng bạc để về xe. Vợ chồng anh vét những đồng cuối cùng dúi cho tôi…

Một trong những sự kiện báo chí gây chấn động của Tiền Phong kéo dài từ tháng 7/1999 đến tháng 11/2000 tại Bình Định, là vụ giải oan cho ông Trương Công Thiết. Cựu chiến binh Trương Công Thiết cùng một số đồng chí đứng ra tố cáo tham nhũng tại Chi cục Di dân và Phát triển kinh tế mới Bình Định. Nhưng oái oăm, những kẻ sai phạm không bị xử lý, còn ông Thiết và một số đồng chí lại bị kỷ luật nặng nề, buộc nghỉ việc, khai trừ Đảng... Loạt bài “Kẻ sai được yên vị, người tố bị giúi đầu” của chúng tôi mà anh làm chủ công kéo dài đến 9 bài, vắt qua 2 năm trên Tiền Phong gặp vô vàn cam go, phức tạp, thậm chí có lúc phải “đối đầu” gay gắt trên mặt báo cả với cơ quan báo chí địa phương. Sau này theo đuổi vụ Huỳnh Văn Nén anh cũng gặp vô vàn trở ngại, nhưng không “đơn độc” đáng sợ như vụ ông Thiết.

Từ loạt bài trên Tiền Phong, Bộ Chính trị sau đó cử Tổ công tác vào thẩm tra làm rõ. Kết quả sự thật đã không thể bôi xóa: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã ra quyết định khôi phục Đảng tịch cho ông Thiết, gỡ oan cho những cựu chiến binh khác…

Chiều nay, lần giở tư liệu cũ từ ngót 20 năm trước, đọc lại những bản “Báo cáo công tác” do anh soạn thảo gửi lãnh đạo Ban biên tập cập nhật từng bước về vụ việc này, những dòng chữ nén lại thật nhỏ để tiết kiệm tiền fax, tôi nước mắt cứ chực trào ra…

Nhớ năm ấy, vụ việc vào giai đoạn căng thẳng nhất, khi ông Thiết cùng người cháu trong đêm chạy xe máy từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi để gửi đơn thư kêu cứu, thì bị công an chặn bắt ngay tại đèo Bình Đê với lý do “gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy”!. Toàn bộ 442 trang tư liệu, đơn từ của ông Thiết tất nhiên bị thu giữ. Trước tình hình ấy, một chiều mấy anh em tôi và anh Viết Hiền (báo Bình Định, cộng tác viên thân thiết của Tiền Phong) quyết định về Quảng Ngãi tìm đến nhà ông Đỗ Quang Thắng.

Ông Thắng nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vừa nghỉ hưu. Để trình bày với ông về vụ ông Thiết. Gặp phóng viên, ông Thắng cũng lập tức bức xúc, bởi chú cháu ông Thiết quần áo xốc xếch, bộ dạng thất thần cũng mới từ nhà ông ra. Ông Thiết trình bày rằng sở dĩ ra Quảng Ngãi để đến bưu điện gửi đơn kêu cứu cho an toàn. Chứ gửi từ Quy Nhơn toàn bị “thất lạc”, không đến tay người nhận. Ông Thắng còn nói thẳng, ngay trước nhà ông lúc ấy cũng có những người lạ mặt lảng vảng theo dõi, mà ông thừa biết đó là “ai”…

Cuối năm 1999, Phú Yên, Bình Định quay cuồng trong trận lũ lịch sử, riêng một làng như xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) có tới 18 người chết, có những thi thể không được tìm thấy. Cánh phóng viên trẻ miền Trung khi ấy là Nam Cường, Nguyễn Huy, Nguyễn Thành, Việt Hương được “tung” hết vào tâm lũ. Anh Quân, khi ấy từ Phú Yên đã chuyển vào thường trú tại Nha Trang, là người chỉ huy tiền phương. Và ngay ngày đầu, khi tòa soạn chưa kịp hỗ trợ, anh đứng ra đôn đáo vay mượn tiền, mua nhu yếu phẩm để kịp cứu trợ cho bà con nơi tâm lũ. Để chạy xe máy từ Nha Trang ra Phú Yên, anh đã phải đeo đai lưng ép chặt cái đĩa đệm mới có thể ngồi vững được….

Là nhà báo, nhưng Nguyễn Đình Quân có thể nói là một trong số ít những người am hiểu sâu sắc nhất, và cũng máu thịt nhất về chủ quyền biển đảo hiện nay, nhất là về quần đảo Trường Sa. Hầu như năm nào anh cũng có mặt ở Trường Sa. Và chỉ chọn những chuyến hải hành vất vả, vào mùa sóng gió nhất để ra cùng lính đảo. Có cảm giác anh thuộc tên thuộc tuổi, biết hoàn cảnh của từng người lính ở mỗi đảo chìm, đảo nổi. Bởi anh cũng từng là một người lính chiến thực thụ.

Nhớ có những đêm ở Đà Nẵng, tôi được dự cuộc gặp của anh với bạn bè thời quân ngũ. Những người cùng xuất thân từ Học viện Kỹ thuật quân sự rồi đi chiến trường K. Là những chuyến anh cùng bạn bè đi tìm di hài đồng đội. Chung tay động viên chia sẻ những đồng đội gặp hoàn cảnh ngặt nghèo…

Biết bao đường đèo hung hiểm anh đã qua, báo giông bão cuộc đời anh đã vượt. Vững chãi vậy, mà sáng nay anh lại ngã xuống nơi thành phố biển tưởng chừng bình yên.

Anh Quân ơi !...

Đà Nẵng, ngày 6/9/2017

Trần Tuấn – Trung Việt

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/anh-quan-oi-1184731.tpo